Chúng ta là ai trong 7 tỷ người?

02/11/2011 11:10 GMT+7

(TT&VH) - 1. Ngày 31/10, dân số thế giới đã tăng lên 7 tỷ người. Mỗi ngày, người ta đều có thể nghe những thông tin thống kê về cái chết như: số người chết về tai nạn giao thông, người chết vì khói thuốc lá, vì chiến tranh,… nhưng mặc cho bệnh tật, thiên tai, sự nghèo đói, chiến tranh đang rình rập, mầm sống vẫn vươn lên, loài người vẫn phát triển và đi tới. Chỉ số về sự sống bao giờ cũng lớn hơn cái chết, sự sinh sôi bao giờ cũng lớn hơn sự hủy diệt.

Nguồn: Internet

Câu hỏi, liệu trái đất có nuôi đủ 7 tỷ người đã được các nhà khoa học đặt ra. Câu hỏi tưởng chừng mang tính khoa học, khi mà khí hậu khắc nghiệt, tài nguyên vơi cạn… nhưng ngẫm sâu xa hơn, nó sẽ đặt mỗi người, mỗi quốc gia vào một guồng máy cạnh tranh khốc liệt, khi trái đất trở nên chật hẹp. Sự cạnh tranh là một động lực cho phát triển. Mỗi con người, thực thể ưu việt nhất trên trái đất, với sự phát triển cao của ý thức hệ, thì sự phát triển không còn là của mỗi cá nhân, mà phải là sự đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước.

Ta là ai? Câu hỏi tưởng như đã quá cũ nhưng sẽ rất cấp thiết lúc này. Ta chỉ là một con số nhỏ bé trong 7 tỷ con số tồn tại trên trái đất. Nhưng hơn 80 triệu con người mang dòng máu “Con rồng cháu Tiên” lại là một tập hợp không nhỏ trong tổng số 7 tỷ người. Cứ khoảng 80 người trên trái đất lại có một người Việt Nam? Vậy người Việt Nam là ai? Câu hỏi ấy sẽ có ý nghĩa hơn đối với mỗi chúng ta.

2. Một câu nói rất ấn tượng của GS Ngô Bảo Châu, khi toán học Việt Nam tụt hạng thấp nhất trong 35 năm tham dự các kỳ thi Olympic Toán Quốc tế: “Chúng ta cần thôi nghĩ rằng Việt Nam là một nước nhỏ. Một đất nước có hơn 80 triệu dân, là một trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới thì không thể là một nước nhỏ được”. Chúng ta cần khẳng định về dân tộc hơn 80 triệu dân trong 7 tỷ người của thế giới.

Trong cuốn sách gây sốt “Ta là ai?” của tác giả Duy Tuệ, ông đã diễn giải rất hay về con người, với dân tộc và nhân loại: “Chúng ta làm cuộc cách mạng để phá vỡ những "lòng chấp" trong đầu óc của mình cùng với sự khai mở con tim để không có sự ích kỷ nữa. Cuộc cách mạng thứ hai là phát triển tình thương của chúng ta với dân tộc chúng ta, tức là với chính người thân, bạn bè, đồng nghiệp, nơi chôn rau cắt rốn của chúng ta để từ đó nó sẽ lan tỏa ra thế giới cho nhân loại khác. Và chúng ta chỉ được nhân loại này trân trọng khi chúng ta hoàn thành sứ mệnh của chúng ta trong tình yêu của chúng ta đối với dân tộc mình”.

Con người, ngoài khẳng định cái tôi là ai, chúng ta còn cần “không có sự ích kỷ” để biết dân tộc mình là ai nữa. Theo tôi, loài người, hơn các loài sinh vật khác, chính rõ nhất ở điểm ấy.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm