7 tỷ người và một người

31/10/2011 12:06 GMT+7

(TT&VH) - 1. Tối qua, (30/10), tình cờ đọc thông tin biết rằng ngày hôm nay, 31/10, dân số thế giới tròn 7 tỷ người, tôi tò mò lướt web tra cứu thông tin xem sao.

Một sự tình cờ, đập vào mắt tôi, không phải là chuyện một em bé vừa sinh ra suýt soát thứ 7 tỉ, mà là thông tin về một hài nhi, lẽ ra đã là thành viên thứ 6 tỷ, 999 triệu, 999 nghìn... trong cộng đồng chúng ta. Nhưng thảm thương thay, chắc em chỉ được làm người trong một vài giờ, phút ngắn ngủi. Những kẻ nhẫn tâm nào đó đã vứt em vào thùng rác khi chưa hề cắt rốn cho em. Và người bới rác ở ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội đã tình cờ phát hiện em vào sáng sớm 30/10.

Đối với các con số thống kê, hay các phép tính xác suất dẫu chuẩn xác nhất thế giới, thì cái chết của em cũng quá nhỏ bé, và không đủ để làm thay đổi phép tính đó. Cho nên, dù em có chết đi do một sự bất trắc nào đó của ca sinh nở, hay do sự nhẫn tâm nào đó của những người lẽ ra đã phải (được) nuôi nấng em, thì chiếc đồng hồ trên trang web www.7billionactions.org của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) vẫn cứ nhịp nhàng đếm đến ngày 31/10, ngày mà theo ước tính, thế giới sẽ đón công dân thứ 7 tỷ. Cái đích 7 tỷ không hề suy chuyển dù có hay không có em bé xấu số kể trên.


2. Để hình dung con số 7 tỷ lớn đến thế nào, bạn cứ tưởng tượng rằng, ngay bây giờ, bạn bắt đầu đếm từ người số 1,2,3 trở đi, thì suốt cả đời mình bạn cũng không thể đếm đến người thứ 7 tỷ (nếu 1 giây bạn đếm được 2 người, thì 100 năm, tương đương với 3 tỷ giây, bạn chỉ đếm được 6 tỷ người).

Người thứ 7 tỷ được sinh ra thực tế là làm cho gần 7 tỷ người sinh trước đó lo lắng nhiều hơn là hân hoan. Chứng cớ là Chủ tịch Ủy ban các vấn đề dân số của LHQ Roger Martin nói: “Trái đất không thật sự đủ sức duy trì 7 tỷ con người”.

Dân số tăng là mối đe dọa trực tiếp đến môi trường sống, làm kinh tế xáo trộn, kéo theo sự mất cân bằng về xã hội... Những điều đó chúng ta đã được nghe nói đến rất nhiều rồi.

Nhưng con người cũng luôn là động lực và đến lượt nó luôn trở thành mục tiêu hướng đến của mọi sự phát triển và tiến bộ. Dân số là nỗi đe dọa đối với các quốc gia đang bùng nổ về dân số; nhưng cũng là sự khao khát của các quốc gia đang già đi từng ngày về dân số. Nói một cách chính xác, dân số chỉ trở thành gánh nặng đe dọa sự ổn định và phát triển của xã hội khi nó bùng nổ thiếu kiểm soát, tính toán. Khi một đứa trẻ ra đời đúng theo “kế hoạch” của gia đình và các chỉ tiêu “kế hoạch hóa gia đình” của đất nước, thì sẽ được cả gia đình và xã hội cùng hân hoan chờ đón.

Còn nếu một đứa trẻ sinh ra do “vỡ kế hoạch” thì sao? Con người ta vẫn luôn là “hoa của đất”; và gia đình, xã hội cũng như cả bà mẹ trái đất vẫn phải nâng niu chăm sóc cho mọi bông hoa ra đời. Không vì có 7 tỷ người mà có quyền lãng quên hay coi nhẹ bất kỳ người nào. Nhưng trách nhiệm sẽ thuộc về những người sinh ra bông hoa đó ngoài kế hoạch.

Cộng đồng, nhân loại có thể bày tỏ nhiều nỗi lo lắng khi em bé thứ 7 tỷ ra đời, nhưng cộng đồng và nhân loại sẽ phải lặng mình khi chứng kiến sự ra đi của em bé thứ suýt soát 7 tỷ ở Khâm Thiên; cũng như sự ra đi của mọi em bé và mọi con người bất hạnh trên thế gian này.

3. Bà mẹ trái đất phải nuôi nấng 7 tỷ đứa con, nhiều đến nỗi bà không thể đếm hết. Gánh nặng đó ngày càng trở nên quá sức đối với bà, mặc dù bà sẽ không quên bất cứ đứa con nào cả.

Vì thế mỗi người khi đặt thêm lên vai bà đứa trẻ thứ ngoài 7 tỷ, hãy dừng lại suy nghĩ xem bông hoa đó ra đời đã đúng kế hoạch của bản thân mình, của gia đình mình, cộng đồng mình, quốc gia mình hay chưa? Nếu chưa thì hãy dừng lại trước khi đứa trẻ có quyền được yêu thương ấy sẽ trở thành gánh nặng cho tất cả những người yêu thương chúng. Hãy dừng lại từ trước khi tạo ra những “hợp tử”, tức mầm sống đầu tiên.

Và như thế sẽ không có hài nhi nào bị bỏ vào thùng rác, và sẽ ngày càng ít những con người – “hoa của đất” - phải bị rơi vào cảnh nheo nhóc, đói kém, thất học...

Đông Kinh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm