Philippe Rostan: Làm phim về VN để tìm lại bản sắc

14/06/2011 07:42 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Philippe Rostan là một đạo diễn phim tài liệu, mang trong mình một nửa dòng máu Việt. Bộ phim tài liệu mới nhất của anh về Madeleine Riffaud, một nữ kháng chiến, nhà thơ, phóng viên chiến tranh, bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người yêu một thời của nhà thơ Nguyễn Đình Thi - có tên gọi Ba cuộc chiến tranh của Madeleine Riffaud (Les Trois Guerres De Madeleine Riffaud) ra mắt tại một rạp chiếu ở Paris đã gây tiếng vang lớn, đến mức cả những tờ báo Pháp vốn không quan tâm đến phim ảnh cũng phải lên tiếng bình luận. Ngày 7/6, bộ phim này được phát hành trên đài truyền hình quốc gia Pháp, trong đó có kênh TV5 dành cho châu Á. Cũng trong ngày này, Philippe trở về Pháp sau khi hoàn thành phần quay 2 bộ phim tài liệu khác ở Việt Nam.

Madeleine là người phụ nữ vĩ đại

* Chào Phillippe. Nhiều thế hệ người Việt Nam, nhất là những ai đã sống trong thời kỳ chiến tranh đều biết đến Madeleine Riffaud bởi những gì bà đã làm trong cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam. Với riêng anh, điều gì ở Madeleine khiến anh làm cả một bộ phim về bà?

- Tôi sinh ra sau chiến tranh và rời khỏi Việt Nam khi còn rất nhỏ. Tôi chỉ mới biết đến Madeleine qua câu chuyện kể của một người bạn là sử gia. Câu chuyện đó hấp dẫn và thôi thúc tôi phải đi tìm bà để làm một bộ phim. Madeleine rất vĩ đại. Câu chuyện tôi kể về bà là câu chuyện của cả cuộc đời với sự nghiệp phản chiến chứ không chỉ với riêng cuộc chiến tranh Việt Nam. Thông thường một bộ phim tài liệu của Pháp chỉ dài 52 phút nhưng bấy nhiêu không đủ để nói về con người vĩ đại như Madeleine, tôi đã làm bộ phim dài 1 giờ và 45 phút về bà.

Philippe Rostan sinh năm 1964 tại Đà Lạt. Bố là người Pháp, mẹ là người Việt thuộc dòng họ Hồ ở Huế. Sang Pháp cùng gia đình lúc chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Anh tốt nghiệp Đại học Paris Vincennes chuyên ngành đạo diễn, làm phụ tá cho đạo diễn Pierre Schoendoerffer khi ông làm phim tài liệu Điện Biên Phủ (1991) và đạo diễn Mathieu Kassovitz với phim Métisse (1994). Anh đã làm nhiều phim tài liệu với tư cách biên kịch và đạo diễn, tiêu biểu là những phim Nước Việt Nam thân yêu (2007), Những kẻ xa lạ được xem là người Pháp (2009) và Ba cuộc chiến tranh của Madelein Riffaud (2010).

* Anh có gặp khó khăn khi tìm và mời bà trở thành nhân vật chính trong phim?

- Người bạn sử gia đã giúp tôi gặp được bà. Điều khó khăn là thuyết phục Madeleine nói về mình. Tôi đã mất 6 tháng để thuyết phục bà. Lúc đầu bà bảo: “Tôi muốn giữ câu chuyện đời của tôi cho riêng tôi”, và còn nói khi nào bà chết thì hẵng làm phim về bà. Sau này Madeleine nói bà đồng ý vì thấy sự bền bỉ của tôi giống như tinh thần của người kháng chiến, nhưng bà cũng chỉ đồng ý sau khi đã xem những bộ phim tôi đã làm. Bà nghi ngờ vì tôi còn quá ít tuổi, khó mà hiểu được câu chuyện của bà. Mặt khác, Madeleine là một phóng viên chuyên nghiệp, bà đòi hỏi khả năng của tôi phải thật rõ ràng, tôi phải chứng minh với bà là tôi làm được bà mới nhận lời.

Madeleine Riffaud thời trẻ

* Chuyện tình của Madeleine với nhà thơ Nguyễn Đình Thi làm cho bộ phim này hấp dẫn, mềm mại hơn bên cạnh những ký ức về các cuộc chiến tàn khốc mà Madeleine đã trải qua, anh có gặp khó khi yêu cầu bà chia sẻ những điều riêng tư như thế?

- Đó cũng là một khó khăn lớn, lúc đầu Madeleine không muốn nói, sau đó bà mới thay đổi ý định nhưng cũng chỉ nói đến những chuyện đã xảy ra hồi đó, còn chuyện sau này, khi bà đã về nước bà nhất định không nói. Phải đến giai đoạn hậu kỳ, lúc dựng phim rồi, Madeleine mới cho tôi mượn những bức ảnh bà chụp với Nguyễn Đình Thi.

* Xin anh chia sẻ với độc giả về cuộc sống hiện tại của Madeleine.

- Bà năm nay đã 87 tuổi, sống một mình trong căn nhà đơn sơ ở Paris và từ chối mọi sự giúp đỡ của Chính phủ Pháp. Bà sống rất giản dị dù có nhiều tiền, bạn biết đấy, cuốn sách mới nhất của bà, Les Linges De La Nuit, bán được tới 1 triệu bản. Nhưng bà đang rất buồn và cũng không còn khỏe nữa, lúc đang quay bộ phim này, bà đã bị ngã và phải nằm nghỉ nhiều ngày. Madeleine mất ngủ đã mấy chục năm nay, kể từ sau Thế chiến thứ hai. Hồi đó bà bị bắt và bị tra tấn, nhưng điều đó không khiến bà khiếp sợ, cái làm bà khiếp sợ và sốc đến mức mất ngủ đến tận bây giờ là việc bọn phát xít bắt bà phải chứng kiến cảnh chúng tra tấn những đồng sự của bà. Nhưng bà vẫn rất minh mẫn, làm việc với bà rất thích bởi bà có cách kể chuyện rất mạch lạc, bà sử dụng thì hiện tại để nói về quá khứ làm cho quá khứ như đang sống lại.

Làm phim về Việt Nam để tìm về cội nguồn

* Được biết anh vừa hoàn thành phần quay 2 bộ phim tài liệu khác là Đi tìm chợ tình và Hoa sen, tâm hồn Việt Nam, tại sao anh lại muốn làm phim về Việt Nam, về những đề tài này?

- Thường những người mang hai dòng máu Pháp - Việt như tôi nếu sống ở Pháp sẽ mất đi bản sắc Việt, thậm chí mất cả tiếng nói. Tôi làm phim về Việt Nam là để tìm lại bản sắc Việt trong mình. Mặt khác, tôi muốn kể những câu chuyện độc đáo sau khi đã kể những câu chuyện giống với nhiều người khác.


Madeleine Riffaud và Nguyễn Đình Thi


* Anh cũng nói đến tình trạng mất tiếng nói của người Việt thế hệ thứ hai ở Pháp, và anh đang nói tiếng Việt tương đối ổn, làm thế nào để anh không rơi vào tình trạng mất tiếng nói?

- Gia đình tôi rất đông anh em, có tới 11 người và tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ tôi muốn chúng tôi sử dụng để giao tiếp với nhau mặc dù lúc còn nhỏ ở Việt Nam, tất cả chúng tôi đều học trường Pháp. Có lẽ vì thế mà tôi không mất tiếng mẹ đẻ. Nhưng có điều, tuy tôi đọc được tiếng Việt nhưng tôi không hiểu hết những gì tôi đọc. (Cười).

* Tại sao anh làm phim về hoa sen?

- Trong phim Ba cuộc chiến tranh của Madeleine Riffaud, Madeleine nhiều lần nói về hoa sen, về Bác Hồ. Tôi đã tìm đọc về hoa sen và thấy nó có trong ca dao, dân ca, rồi bây giờ còn được đề nghị lấy làm quốc hoa. Hoa sen ở đâu cũng có, nó gắn với người Việt từ khi sinh ra đến khi chết đi. Việt Nam bây giờ rất phát triển và chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác, dường như người Việt Nam bắt đầu coi trọng vật chất hơn. Câu hỏi đặt ra là trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam vẫn giữ được bản sắc nhưng bây giờ liệu bản sắc dân tộc có bị mai một? Điều đó gần với câu ca dao về hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Tôi muốn đi tìm câu trả lời từ đó.

Chế Lan Viên, Tú Mỡ, Madeleine Riffaud và Nguyễn Đình Thi, ảnh chụp năm 1967


* Phim đã hoàn thành phần quay, vậy anh đã tìm được câu trả lời chưa?

- Có nhiều câu trả lời nho nhỏ từ những chuyện tôi gặp trên đường làm phim. Khi muốn quay về trà để đi từ truyền thống đến hiện đại, tôi đến hồ Tây, ở đó có nhiều cô gái ướp trà bằng hoa sen đã đòi tiền của khách du lịch khi họ muốn chụp hình. Đến một quán trà, trước đó tôi tưởng rằng người bán trà chắc phải cỡ sáu bảy mươi tuổi còn người uống trà chắc toàn người già, đến nơi thì chủ quán mới gần 40 còn khách thì toàn người trẻ. Xã hội đang thay đổi và tôi thấy vui vì điều đó, cho dù đi trên taxi, anh lái taxi có nói với tôi rằng “người Việt Nam trước đây sống tình cảm nhiều hơn còn bây giờ thì tiền cảm nhiều hơn”.

* Anh thấy chợ tình Sa Pa như thế nào so với những gì anh đọc?

- Bây giờ không còn chợ tình nữa. Người ta ra chợ nhưng kín hơn vì có quá nhiều khách du lịch. Tôi sợ cuộc sống, cách sống sẽ thay đổi theo chiều hướng chung của nhiều nền văn hóa trên thế giới, những thứ như thế sẽ mất đi luôn.

Phim tài liệu nhiều chất cinema hơn…  phim truyện

Madeleine Riffaud hiện
sống một mình ở Paris

* Anh được học và làm việc trong một nền điện ảnh mà những đạo diễn theo dòng phim nghệ thuật nói chung và đạo diễn châu Á nói riêng rất ngưỡng mộ. Bản thân anh thấy điều đó có ý nghĩa thế nào?

- Ở Pháp từ năm 1960 có một làn sóng điện ảnh mới, Chính phủ Pháp có chính sách đầu tư sản xuất phim phát triển điện ảnh. Có lẽ vì thế mà nhiều người muốn tới đây để có thêm nhiều cơ hội được làm phim. Tuy nhiên, luật của Pháp là chỉ tài trợ 25% tổng kinh phí một phim để tránh tình trạng hối lộ và tham nhũng nên phần còn lại đạo diễn phải tự lo. Tôi nghĩ rằng vừa dễ mà vừa khó, vừa là cơ hội vừa là thách thức. Chẳng hạn làm một bộ phim tài liệu, tôi chỉ được Trung tâm Điện ảnh của Chính phủ Pháp hỗ trợ một phần chi phí, một phần khác là do địa phương nơi tôi ở (Paris) cho, rồi tiền của các đài truyền hình, đài nào tài trợ chính sẽ được phát đầu tiên, đài tài trợ phụ chỉ được phát sau đó 1 năm. Mà kinh phí làm phim tài liệu không hề ít. Bộ phim Ba cuộc chiến tranh của Madeleine có tổng kinh phí 170 ngàn euro (khoảng 5 tỷ đồng - PV), đó là không kể số tiền đáng lẽ tôi phải trả cho Madeleine với những tư liệu mà bà cung cấp, bà cho không tôi những tư liệu đó. Làm phim tài liệu chi phí đắt nhất là để mua tư liệu cũ, có thể tới 1.000 euro cho 1 phút phim tư liệu. Và không phải ai cũng được đặt hàng để làm phim, có nhiều đạo diễn phải tự bỏ tiền ra làm rồi mang đến các đài truyền hình rao bán. Một người bạn tôi làm phim hết 100 ngàn euro nhưng chỉ bán được 5.000 euro thôi. Ở Pháp có thể làm phim với 30 ngàn euro nhưng sẽ thiếu thốn và rất khó hay.

* Anh thích nhất thể loại nào?

- Tôi thích nhiều loại phim từ nghệ thuật đến thương mại bình dân nhưng tôi thích nhất là phim nghệ thuật của các đạo diễn Hàn Quốc, họ có cách kể chuyện không giống ai, rất đặc biệt. Tôi rất thích Breathless của Yang Ik-Joon và Poetry của Lee Chang-Dong, rồi Island của Kim Ki-Duk nữa. Vương Gia Vệ, Từ Khắc và Ngô Vũ Sâm của Trung Quốc cũng là những tác giả tôi thích.

Phim tài liệu có chất thơ, với tôi, nó giống cinema hơn là phim truyện. Tôi có thể kể câu chuyện của người khác theo cách của mình. Và hơn hết, làm phim tài liệu tôi được thỏa mãn sự tò mò của mình - Philippen Rostan.

* Vậy tại sao anh chọn phim tài liệu?

- Làm phim tài liệu mất ít thời gian, cùng lắm là 1 năm cho một bộ phim, trong khi đó phim truyện có khi cần tới 4-5 năm. Kinh phí cũng là cả một vấn đề, phải có từ 2 đến 3 triệu euro mới mong làm được một phim truyện, chưa kể làm ra còn phải lo PR và có nhiều khả năng bị chửi. Tôi có người bạn mất 5 năm và 3 triệu euro để làm ra một bộ phim không có ai xem, điều đó thật buồn. (Cười).

* Như vậy là anh chọn đường dễ để đi?

- Thật ra là vì tôi tò mò và thích đi vào tâm lý của người khác. Làm phim tài liệu, tôi có thể được nhiều người xa lạ kể với mình câu chuyện của riêng họ, những chuyện mà họ không bao giờ kể với ai, như Madeleine chẳng hạn, lúc đầu bà kiên quyết không kể cho ai nhưng không hiểu sao bà lại tâm sự với tôi, đó là điều rất thú vị. Giống như bạn là phóng viên, chúng ta chưa quen nhau nhưng tôi đang kể cho bạn nghe chuyện của riêng mình đây. Phim tài liệu có chất thơ, với tôi, nó giống cinema hơn là phim truyện. Tôi có thể kể câu chuyện của người khác theo cách của mình. Và hơn hết, làm phim tài liệu tôi được thỏa mãn sự tò mò của mình.

* Thu nhập của người làm phim tài liệu ở nươc ngoài, cụ thể ở Pháp ra sao, thưa anh?

- Nếu là đạo diễn có tên tuổi, được đặt hàng thì trong thời gian làm phim bạn sẽ được trả lương, và làm xong thì bạn sẽ có tiền bản quyền. Một năm làm 2 phim là sống khỏe và khá ổn định. Mức sống của đạo diễn phim truyện bấp bênh, phập phù hơn nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiếm được tiền từ việc làm phim quảng cáo.

Dương Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm