Dạy người trẻ “nói” bằng ngôn ngữ điện ảnh

04/08/2012 15:15 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Giải Búp sen vàng lần thứ 3 năm 2012 của dự án Chúng ta làm phim (WAFM) đã gây được tiếng vang lớn, trong đó yếu tố chủ đạo thu hút khán giả chính là chất lượng các tác phẩm.

Giải thưởng này có đủ sức làm nên cú hích đối với cộng đồng làm phim không chuyên tại Việt Nam? TT&VH đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh, thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam (TPD) về giải thưởng này cũng như về đời sống làm phim không chuyên hiện nay.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

* Là người theo sát dự án Chúng ta làm phim, ấn tượng của anh với những tác phẩm được trao giải năm nay như thế nào?

- Dự án tạo ra một không gian cho hoạt động điện ảnh thanh thiếu niên đó là học làm phim, làm phim và khán giả. Giống như đời sống điện ảnh cần 3 yếu tố là khán giả, tác phẩm và nghệ sĩ. Giải Búp sen vàng là một phần trong hoạt động đi tìm khán giả của dự án. Bởi phim làm ra mà không ai xem thì không thể khích lệ những người làm phim trẻ.

Khi xem phim, tôi rất bất ngờ, các bạn đã trưởng thành rất nhiều, nhất là mảng phim tài liệu. hương pháp để các em học làm phim tài liệu ở TPD chính là làm tài liệu thực tế, trực tiếp, không có lời bình sau màn ảnh. Tất cả được thể hiện trong hình ảnh và lời nói của nhân vật. Nhưng nhiều em đi vào những đề tài thời sự rất hay.

* Các anh đã tạo cho những nhà làm phim không chuyên cách làm việc chuyên nghiệp thế nào?

- Trong mảng phim tài liệu, chúng tôi dựa các chương trình học làm phim của thế giới và tham khảo kinh nghiệm những người giảng dạy điện ảnh Việt Nam để tạo nên một giáo trình.

Các bạn làm việc với các máy quay thông dụng như máy ảnh số có thể quay phim full HD, đồng thời được làm quen với các thiết bị biên tập như phần mềm dựng phim chuyên nghiệp...

Về phim truyện, sau 3 năm, TPD đã gây dựng được một cộng đồng làm phim thanh thiếu niên, trong đó, mỗi người được phát huy thế mạnh riêng. Một số bạn làm sản xuất rất giỏi, đã tổ chức sản xuất cả chục phim, có bạn quay phim, có bạn làm đạo diễn, có bạn viết kịch bản, làm phục trang, hóa trang... Cộng đồng đó có từng chuyên ngành riêng cho từng lĩnh vực của điện ảnh. Vì thế, càng về sau các bộ phim càng có tính chuyên nghiệp cao hơn. Phải nói, cộng đồng đó đã có sự phối hợp với nhau tốt.

* Còn về ý chí, đam mê của những người học làm phim, chắc hẳn họ có nguồn năng lượng dồi dào?

- Mọi thứ đều thiếu thốn, từ tài chính, diễn viên, kỹ thuật... cái mạnh nhất của các em là ý tưởng và niềm đam mê.

Nhưng các bạn đã dấn thân, đề tài ngày càng rộng mở. Như trong phim tài liệu, đã có những vấn đề đặt ra rất đặc biệt như bộ phim của Hoàng Huyền My về đồng tính. Các bạn rất dũng cảm khi nói lên tiếng nói của người đồng tính, bởi kỳ thị với người đồng tính trong xã hội còn rất lớn, vẫn hiểu đấy là thứ bệnh hoạn. Nhưng mọi người sẽ hiểu đấy là khuynh hướng cảm xúc tự nhiên, chúng ta cần tôn trọng cái đó. Bộ phim ngắn rất cảm động, cấu trúc cũng rất hoàn chỉnh.

Nhiều phim khác cũng có chủ đề rất tốt, đi vào trong trái tim của mọi người và được sự chia sẻ của người xem. Tôi mong rằng sẽ có những bộ phim tài liệu dài mà có thể động chạm đến tất cả mọi người trong xã hội.

Hoàng Huyền My (trái) nhận giải Búp sen vàng với phim tài liệu về đề tài đồng tính “Bạn là ai?”

* Vậy chúng ta có kế hoạch dìu dắt họ để những khó khăn trên con đường làm phim nó ít đi?

- Sau khi quỹ Ford ngừng hoạt động tại Việt Nam, TPD đã mất đi nguồn tài trợ chính cho hoạt động của mình. Tôi có một hoài bão là có thể thực hiện dự án trong cả nước, từ Cà Mau đến Lạng Sơn. Tuy nhiên, bước khởi đầu chỉ có thể thực hiện được ở Hà Nội. Đến nay, hơn 400 em đã được học làm phim là nền tảng rất tốt để có thể thuyết phục những nhà lãnh đạo về văn hóa, nghệ thuật cũng như giáo dục, là làm sao đưa việc dạy làm phim vào trong nhà trường.

* Quá trình để đưa điện ảnh vào nhà trường như thế nào?

- Chúng tôi có giáo trình, dày khoảng trăm trang được nhiều nhà làm phim trong đó có tôi chấp bút viết, được biên tập rất cẩn thận bởi NGND Lê Đăng Thực, nguyên Hiệu trưởng Trường Sân khấu Điện ảnh.

Cái khó nhất chính là giáo viên, sau 3 năm chúng tôi đã có đội ngũ trợ giảng, chính là những học viên xuất sắc nhất sau khi tốt nghiệp năm đầu tiên. Họ làm trợ giảng cho các thầy trong hơn 2 năm trời, sau đó họ có thể chia sẻ về vấn đề làm phim với các bạn trẻ.

Chúng tôi đã thí điểm, đầu tiên là ở Trường phổ thông dân lập Đoàn Thị Điểm, có 15 em tham gia và 7 bộ phim ngắn được hoàn thành. Các em học viên mới học cấp hai, nhiều em mới lớp 6 đã cầm máy quay và các em rất thích thú.

Ai chứng kiến sự thích thú khi được trình chiếu bộ phim của các em sẽ thấy, các em tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm, trưởng thành trong suy nghĩ nhận thức và trong khả năng nói lên tiếng nói cá nhân mình bằng ngôn ngữ rất hiện đại, ngôn ngữ truyền thông, ngôn ngữ điện ảnh.

* Như vậy nó tác động như thế nào đến sự phát triển chung của điện ảnh Việt Nam?

- Ở thế hệ tôi, khi kết thúc phổ thông còn chưa biết gì về điện ảnh, khi vào trường tôi mới bắt đầu tìm hiểu. Như vậy thì quá muộn.

Ngày nay khi máy quay cá nhân rất phổ biến, thậm chí một cái điện thoại có thể quay phim full HD được. Vậy thì tại sao không để các bạn trẻ làm phim sớm hơn.

Người ta nói rằng truyền thông là ngôn ngữ giao tiếp của thế kỷ 21, bây giờ rất nhiều người làm đơn xin việc bằng phim, bằng clip, trình bày dự án cũng bằng clip... Tại sao một ngôn ngữ mang tính hiện đại, phổ biến như vậy lại không được giảng dạy sớm cho các em. Mọi người nhìn sự việc ngoài cuộc sống và sau đó nhìn nó qua một chiếc máy quay sẽ hoàn toàn khác, người ta sẽ hiểu về nó tốt hơn, sẽ nhận thức về hiện thực đó tốt hơn và điều đó đã mang lại sự trưởng thành cho các bạn trẻ. Nếu không làm phim chuyên nghiệp, các bạn sẽ là những khán giả rất tốt.

* Nhắn nhủ của anh với nhà làm phim không chuyên, những tương lai của điện ảnh?

- Nó không có gì khó cả, cứ bắt tay vào làm đi, với một niềm đam mê là sẽ làm được. Điều tôi muốn nói là: hãy bắt đầu làm.

M.Cường -Y.Khương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm