03/08/2012 13:50 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - LTS: Lê Hoàng Hoa - vị đạo diễn tài năng của điện ảnh Việt Nam - ra đi trong sự tiếc nuối của người thân, đồng nghiệp và người hâm mộ khi dự định về bộ phim “cuối đời” của ông vẫn còn dang dở… Một chia sẻ đặc biệt về ông qua bài viết của nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn - người đã nhiều lần sử dụng Ván bài lật ngửa để dẫn chứng cho sinh viên trong bài giảng của mình.
TT&VH trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc bài viết này.
1. Công chúng thường nhắc đến bộ phim điện ảnh nhiều tập Ván bài lật ngửa của ông. Đó là một trong những phim hay nhất nước ta về đề tài tình báo. Tại sao ông làm được bộ phim hay đến vậy? Có nhiều lý do. Song một trong những lý do mang tính bếp núc của nghề làm phim là tên của người đạo diễn. Ở bộ phim khổng lồ này, ông dùng cái tên Khôi Nguyên trong chức danh Đạo diễn. Hai cái tên như những điểm khởi đầu - chính là tên của hai người con xấu số của ông đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi trong một lần vượt biên bất thành.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo
Để làm được một bộ phim hay, người đạo diễn phải dồn hết tâm hồn và nghị lực của mình vào tác phẩm với lời đề tặng thiêng liêng dành cho những người mình yêu thương nhất. Bộ phim của ông sinh ra từ sâu thẳm nỗi đau nhưng đã dâng tặng cho công chúng niềm say mê và tình yêu vô tận. Đó chính là số phận của người nghệ sỹ. “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” (thơ E.Evtusenco).
Trong những bài giảng về phim nhiều tập, tôi đã nhiều lần sử dụng Ván bài lật ngửa của ông để dẫn chứng cho sinh viên. Thời điểm cuối những năm 70 và đầu những năm 80, tình hình kinh tế khó khăn là thế, nhưng những bộ phim của ông vẫn không hề có dấu vết nào của sự cẩu thả (xin lỗi, tôi xin phép dùng từ này!) mà chỉ thấy những sự cẩn trọng, tỉ mỉ, công phu trong công việc dàn dựng.
Có những đạo diễn chỉ dàn dựng được cảnh nông thôn hoặc có những người chỉ mạnh trong việc dàn dựng những cảnh ít người. Song trong phim của ông, tôi nhận thấy, ông dàn dựng bối cảnh nào cũng thể hiện được hồn vía của chúng. Từ cảnh đơn giản như cảnh quán nước đìu hiu bên đường quê bỗng xuất hiện một người trong trang phục lạ đến những đại cảnh hàng ngàn người ồn ào náo nhiệt như trường đoạn Ngô Đình Diệm lên Tây Nguyên bị ám sát hụt. Từ những nội cảnh trang nghiêm trong phủ Tổng thống đến những cảnh chiến trận đầy tiếng nổ với mịt mù khói bụi... Tất cả đều khiến người xem nhận thấy, đây là bối cảnh của Ván bài lật ngửa, đây là bối cảnh của Lê Hoàng Hoa chứ không phải ai khác. Ông đã hết sức tiết chế, chỉ đặt vào khuôn hình những đạo cụ có vai trò và ý nghĩa.
Và những diễn viên, dưới sự chỉ đạo của ông, đã trở thành những thỏi nam châm hút hàng vạn người xem như hút những mạt sắt. Và những diễn viên đó, dù đến từ nhiều nguồn khác nhau, song đều được ông thổi hồn cuộc sống vào để họ trở thành những nhân vật vô cùng thân thiết với công chúng. Gương mặt, trang phục cùng phong cách diễn xuất của những diễn viên này đã truyền cảm được tinh thần và tư tưởng tác phẩm đến với người xem chứ không phải những lời giáo huấn.
Điển hình là diễn viên Nguyễn Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân. Anh đã trở thành ngôi sao điện ảnh theo ý nghĩa chân xác nhất của từ này. Người nghệ sĩ tài năng chính là người sinh ra cho cuộc sống những nhân vật mà ai cũng thấy thân quen, song để khám phá về họ thì không bao giờ đến đích.
Ván bài lật ngửa từng “gây sốt” những năm 1980
2. Lần giở những trang tiểu sử nghệ thuật trong đời ông, tôi nhận thấy, ông là một đạo diễn dám ''chơi'' nhiều thể loại. Đọc những tên phim như Chân trời tím, Điệu ru nước mắt..., người xem biết ngay đây là những phim tình cảm - tâm lý; Vết thù trên lưng ngựa hoang - phim phiêu lưu tuổi trẻ; Triệu phú bất đắc dĩ, Chàng Ngốc gặp hên - phim hài... Ông còn làm những phim thuộc thể loại ma quỷ, kinh dị. Đó là thời kỳ trước 1975. Còn sau này, thể loại tình báo - chiến tranh ông cũng làm rất xuất sắc.
Các nhà phê bình phân chia thể loại thường dựa vào nội dung, phong cách nghệ thuật của bộ phim. Còn người đạo diễn, muốn thể hiện đúng thể loại, cần phải làm chủ giọng điệu của bộ phim. Trong lĩnh vực nghiên cứu về thể loại phim, ở nước ta, Lê Hoàng Hoa là một trường hợp hiếm thấy. Tôi tin rằng, trong tương lai không xa, sẽ có nhiều công trình nghệ thuật của những người nghiên cứu phim Việt Nam viết về ông.
Rất tiếc là, từ những năm 90, ông sang Ba Lan sinh sống cùng gia đình. Nếu là một nhà văn, càng xa Tổ quốc, anh càng viết thấm thía về quê hương mình. Song đối với một nghệ sỹ điện ảnh, anh chỉ có thể làm phim ngay chính tại đất nước của anh. Nhiều đạo diễn Việt kiều từ Mỹ về là một minh chứng. Và Lê Hoàng Hoa đã trở về với bao nhiêu dự định. Tình yêu điện ảnh, tình yêu đất nước, tình yêu cuộc sống của ông như mặn mà hơn. Ôi đời người, sinh có hạn, tử bất kỳ. Ông tiếc nuối ra đi. “Khối tình mang xuống Tuyền Đài chưa tan”. Cầu mong ông bình an trong vòng tay của những người yêu dấu…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất