Những diễn viên không biết nói: Chú heo chăn cừu

07/06/2012 09:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Chó, mèo, ngựa, thậm chí thú dữ như gấu, hổ, sư tử, voi, cá sấu… đều đã lên màn ảnh. Nhưng năm 1995, cả thế giới lên cơn sốt với một bộ phim rất dễ thương, mà vai chính là một chú heo con...

Bác nông dân Hogget và chú heo thông minh trong bộ phim Babe

10 năm ấp ủ

Từ xa xưa, heo là một trong những vật nuôi bị con người xem thường nhất. Ngoài việc là nguồn cung cấp thịt, con heo bị đánh giá là chẳng được tích sự gì ngoài việc ăn tham, lười biếng và… ngu! Nhưng đạo diễn kiêm nhà sản xuất người Australia, George Miller lại không nghĩ như vậy! Họ nghiên cứu và được biết rằng, trí thông minh của loài lợn hơn hẳn ngựa, cừu và không thua kém chó là mấy.

Đặc biệt sau khi đọc cuốn truyện dành cho trẻ em The Sheep-Pig xuất bản năm 1983 của tác giả người Anh Dick King-Smith, kể câu chuyện một chú heo con muốn trở thành chó chăn cừu, Miller vô cùng thích thú. Và một ý tưởng được nảy ra trong đầu George Miller: Sao lại không đưa heo lên phim nhỉ?

Miller bàn bạc dự án và cùng viết kịch bản với người bạn thân là Chris Noonan – một đạo diễn truyền hình tên tuổi của Australia. Trong suốt 10 năm trời cả hai ấp ủ dự án, tìm tiền đầu tư và tìm tòi cách xử lý kỹ xảo làm sao cho các con vật biết nói trên phim. Đến năm 1993 khi đã có trong tay 30 triệu USD, nhà sản xuất George Miller đã cho Chris Noonan cơ hội làm bộ phim truyện đầu tay mang tên Babe (Chú heo chăn cừu).

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn hài hước có bối cảnh là một trại chăn nuôi trong đó một chú heo con tên Babe, được ông chủ mang về đã kết thân được với tất cả các con thú trong trang trại đẹp như tranh vẽ của bác Hogget. Và ở đây Babe luôn ấp ủ ước mơ và đã giành được cơ hội để hoàn thành xuất sắc vai trò một con chó chăn cừu.

Dàn hợp xướng không lời và chú heo ngôi sao

Trong trang trại của vợ chồng bác Hogget là một thế giới đáng yêu của loài vật. Chịu trách nhiệm tạo dựng thế giới sinh động này là Karl Lewis Miller – một chuyên gia huấn luyện thú đóng phim hàng đầu thế giới. Trong trang trại có đủ giống loài: heo, chó, mèo, cừu, ngựa, bò, dê, vịt, chuột, và bồ câu… Ông thuyết phục các nhà sản xuất rằng, phải cần có đủ thời gian và sự nỗ lực để huấn luyện chúng ở trạng thái tự nhiên, như thế mới mang lại những kết quả xứng đáng trên màn ảnh.

Karl và 59 trợ lý của ông phải huấn luyện 970 con vật (mỗi loại phải có cả chục con giống nhau). Trong số những gia súc gia cầm nhỏ hơn, có nhiều con được nuôi từ khi mới được sinh ra, rồi huấn luyện cho chúng làm quen với đông người, với ánh sáng và máy quay, để rồi cuối cùng chọn ra trong số này 500 con xuất hiện trong phim.

Tuy nhiên thử thách khó khăn nhất vẫn là Babe – chú heo nhân vật trung tâm của phim. Khi bắt đầu dự án, Karl sở hữu một số đoạn phim sôi động về loài heo được lấy từ những video được quay vào giữa thập niên 1980 trong các buổi huấn luyện heo. Những buổi “casting heo” cũng được thực hiện công phu chẳng khác casting người! Những chú heo mới lọt lòng đã được chọn nuôi riêng. Đến 3 tháng thì cho chúng ra trước ánh sáng và máy quay để chọn ra những con có ngoại hình và… khuôn mặt heo thích hợp nhất!

“Tôi không biết liệu mình có nên nhận xét những chú heo con ấy rất tình cảm. Chúng không hề ngu và chậm chạp như mọi người nghĩ, ở một số phương diện chúng còn học nhanh hơn cả chó!” Karl nói. “Heo làm mọi thứ một cách rất máy móc – không có nhiều cảm xúc bên trong. Nhưng phải biết ý chúng. Hầu như con nào cũng thích được gãi phía sau tai và trên bụng” Một suất thức ăn cao cấp cho chó của các thương hiệu nổi tiếng, là phần thưởng dành cho các con heo mỗi khi chúng làm tốt.



Những chú heo con lớn nhanh như thổi, nên một tiểu đội… chăn heo với một chuồng đầy những chú heo con lúc nào cũng kè kè ở bên trường quay. Heo được chọn đóng phim phải là giống Yorkshire (loại heo giống màu trắng lớn có nguồn gốc ở vùng Yorkshire, nước Anh). Một chuyên gia hóa trang thêm chỏm tóc và lông mi cho mỗi con. Vì các con heo được gây giống lớn nhanh như thổi, nên đội ngũ sản xuất có thể sử dụng một con heo Yorkshire đại bạch (cần một con thuần chủng vì những thuộc tính thể chất của nó có thể được đoán trước). Cứ mỗi ba tuần, 6 con heo được gây giống – kết quả là có 48 con được sử dụng quay phim, trong số này có 46 con xuất hiện trên phim ít nhất vài giây, và được thay đổi liên tục từ đầu đến cuối phim mỗi khi thấy chú heo có dấu hiệu… lớn dần.

Dù bộ phim cố ý không nói rõ giới tính của Babe, nhưng thực tế là chỉ những con heo cái là được sử dụng (lý do bộ phận sinh dục của heo đực lên phim sẽ bị phô). Heo được bấm máy khi chúng được 16-18 tuần tuổi và cao 46 cm.

Nhà sản xuất Goerge Miller miễn cưỡng thừa nhận, “Có một con heo máy, nó được sử dụng cho những cảnh con heo trong khung cảnh bao quát rộng từ 4 đến 6 mét quanh nó từ mọi hướng, vì trong những cảnh đó chuyên gia huấn luyện thú không có chỗ để ẩn nấp. Và trong các cảnh nghịch hướng, khi khán giả thấy con heo nói chuyện với con thú khác và góc nhìn là qua vai con heo con này. Mỗi khi có thể, cử động thực sự của mõm heo được làm cho nổi bật hơn bằng máy tính, trong các cảnh khác, con heo máy được thao tác để khớp với khẩu hình khi Babe đang nói chuyện.

Karl Lewis Miller kể rằng, khi tình cờ bước ngang qua lúc cảnh cuối cùng (một cận cảnh của Babe ở bên cạnh bác nông dân Hoggett) đang được dàn dựng với con Babe bằng máy, ông nhận thấy con heo máy trong cảnh đó có hơi cứng nhắc: “Thú máy chưa bao giờ đóng toàn bộ một cảnh cho tới thời điểm đó, vì thế tôi đã đề nghị cảnh cuối nên sử dụng heo thật. Phải mất vài lượt quay mới có thể làm cho nó nhìn lên theo cách chúng tôi muốn, nhưng chúng tôi có được cảnh quay vừa ý. Tôi đảm bảo 100% cảnh cuối là con heo thật”.

Tổng cộng, trong bản dựng hoàn chỉnh của Babe, tỷ lệ xuất hiện của heo thật chiếm đến 96% thời lượng phim – một tỷ lệ không thể tin nổi! “Heo máy thật nổi bật,” đạo diễn của bộ phim Babe, Chris Noonan, nhận xét, “tuy nhiên nếu bạn để chúng có mặt quá lâu trên màn ảnh, khán giả sẽ bắt đầu nhận ra nó không phải là heo thật. Mắt người có khả năng nhận ra chính xác đâu là đồ giả!”


Thành tựu bất ngờ của điện ảnh thế giới

Khi nam diễn viên James Cromwell (đóng vai bác nông dân Hogget) được trao kịch bản Babe, ông giở qua nó để xem ông bao nhiêu câu thoại. Ông thấy mình không có nhiều câu thoại, ông cho rằng phim này dễ đóng (tổng cộng lời thoại của James Cromwell chỉ có 171 từ, trong đó 61 từ được hát). Tuy nhiên đây là phim mà ông có nhiều đất diễn nhất hơn bất kỳ phim nào trước đó. Điều thú vị là sau một thời gian dài sống chung với bọn thú, James Cromwell quyết định ăn chay trường sau khi đóng bộ phim này.

Nhà soạn nhạc Jerry Goldsmith ban đầu soạn nhạc cho bộ phim, nhưng cuối cùng nhạc của ông bị bác bỏ vì nó quá u uẩn về âm hưởng. Sau đó, Nigel Westlake được chiêu mộ để soạn nhạc nền tươi vui hơn. Nhạc cho bài hát chủ đề của bộ phim được lấy từ nhạc phẩm Organ Symphony của nhà soạn nhạc Pháp Camille Saint-Saëns, nhạc phẩm nổi tiếng nhất của ông là Carnival of the Animals.

Quá trình thực hiện phim Babe quả là một kỳ công, với 10 năm nghiên cứu ấp ủ, quá trình chuẩn bị sản xuất kéo dài 8 tháng, thời gian quay dài 6 tháng và hậu kỳ 12 tháng… kinh phí tốn kém 30 triệu USD – một con số quá lớn cho một bộ phim thiếu nhi và cho một xuất phẩm đến từ nước Úc. Tuy nhiên bộ phim đã nhận được tất cả những lời tán tụng ngọt ngào nhất của các nhà phê bình, kèm theo đó là doanh thu trong mơ: 254,2 triệu USD trên toàn cầu. Giữa rừng phim hè 1995 gồm những vai chính dành cho: Voi (Operation Dumbo Drop), khỉ đột gorilla (Congo), cá voi (Free Willy 2), và gấu trúc (The Amazing Panda Adventure), chú lợn con Babe tỏa sáng hơn tất cả.

Bất ngờ lớn nhất là Babe đã được đề cử đến 7 giải Oscar trong đó có giải Phim hay nhất (cuối cùng phim chỉ đoạt giải Hiệu quả hình ảnh). Kể từ phim Babe, cơn sốt nuôi thú cưng đã được bổ sung thêm hạng mục: Heo con. Trong suốt nhiều năm liền, heo con luôn là mặt hàng bán chạy nhất ở các cửa tiệm Pet-Shop (Tiệm bán thú cưng).

LTS. Đưa thú vật lên phim là một phần không thể thiếu của điện ảnh. Những bộ phim mà sử dụng con thú làm nhân vật trung tâm thường được khán giả, nhất là khán giả nhí, yêu thích, đồng thời đó cũng là một thử thách rất lớn đối với các nhà làm phim. Nhưng thử thách càng khó, càng kích thích sự sáng tạo, và lịch sử điện ảnh đã ghi nhận không ít những thành tựu điện ảnh của những diễn viên đặc biệt này. Để mừng ngày Quốc tế thiếu nhi, trong tháng 6, Góc khuất sẽ khởi đăng loạt bài thú vị về hậu trường những bộ phim với những diễn viên không hề biết nói.


Bá Vũ 



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm