Đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành: 70 tuổi vẫn còn "đương độ"

31/05/2012 14:53 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Lễ giải thưởng Nhà nước diễn ra sáng 27/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau danh hiệu NSND, đạo diễn Phạm Thị Thành tiếp tục chiếm giữ vị trí nữ đạo diễn sân khấu đầu tiên của VN nhận giải thưởng này.

Trong đội ngũ nghệ sĩ được tôn vinh, bà là nữ đạo diễn hiếm của nền SK đương đại VN. Hiếm, không chỉ ở thành tựu mà bà đóng góp cho SK mà còn ở độ tuổi "cổ lai hy" vẫn đang làm việc.



ĐD Phạm Thị Thành (trái) và NSNA Đào Hoa Nữ. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

1. Nói về tuổi thật không nên với phái nữ, nhất là với một người Tây học. Nhưng cần phải nhắc đến để thấy sự hăng say lao động và niềm đam mê có thể làm người ta vượt qua giới hạn tuổi tác. Miệng tươi, mắt cười sau cặp kính viễn khổ lớn quen thuộc, bà Thành nói: "Khi ra trận, tôi có bao giờ nghĩ đến tuổi đâu". Công chúng biết đến Phạm Thị Thành qua nhiều vở được bà dàn dựng, không chỉ có kịch cho Nhà hát Tuổi trẻ như: Đỉnh cao mơ ước, Cuộc đời tôi, Tú Xương (kịch Nam Định), mà còn có 2.000 ngày oan trái (KB Lưu Quang Vũ, Cải lương Thanh Hoá), Người tốt nhà số 5 (Đoàn chèo Hoa Mai, Hà Tây), tổng cộng 15 vở đoạt HCV các kỳ hội diễn.

Cụm tác phẩm được trao giải thưởng Nhà nước (đợt 4) gồm 3 vở kịch do bà đạo diễn: Sống mãi tuổi 17 (1980), Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng) – 1996 - Nhà hát Tuổi trẻ, Mùa hè ở biển (Đoàn kịch Nam Định, 1985).

Tham gia Đoàn Văn công TƯ ở Tuyên Quang từ lúc là một thiếu nữ, cô bé Phạm Thị Thành "thoát vỏ" một tiểu thư khuê các nhờ theo cha, theo cách mạng. Phạm Thị Thành là con thứ bảy, cũng là con gái út của Đổng lý ngự tiền văn phòng triều Nguyễn cuối cùng - cụ Phạm Khắc Hòe (1901 - 1995) và cụ bà Công Tôn Nữ Diệu Phẩm (1907 - 1983).

Quê cha Đức Thọ (Hà Tĩnh), mẹ (chắt nội vua Minh Mạng) là Công nương thuộc dòng dõi hoàng tộc ở Huế, Phạm Thị Thành có những ngày thơ ấu khó quên ở cố đô, lại gắn nhiều năm cuộc đời với Hà Nội, nơi bố mẹ bà đã qua đời. Đại gia đình bà hiện còn 6 anh em, trong đó 1 người em ở Đức, 1 người anh ở TP. HCM. Bà Thành là người duy nhất trong các con cụ Phạm Khắc Hòe theo đuổi nghệ thuật.

Kết hôn sớm với NSND Đào Mộng Long (1915 - 2006), người chồng hơn bà 26 tuổi, ông bà có 2 con: Đào Uyên (dược sĩ) và Đào Nhật Đình (doanh nhân) và 3 cháu (2 trai, 1 gái). Rời ngôi nhà 48B Tràng Thi, ít lâu sau khi về chung cư cao cấp 101 Láng Hạ, Bà Thành "chia tay" chiếc Chaly hợp vóc dáng mình, chấp nhận "lệnh" của con không cho đi xe máy, song bà không chấp nhận tuổi hưu.

Về hưu năm 2000 thì từ 1999, bà đã lập đề án Sân khấu học đường được Quỹ Ford tài trợ, giới thiệu kịch hát dân tộc cho các trường cấp 2, 3: diễn tuồng ở Đông Anh (HN) và Khánh Hòa, diễn chèo ở Nam Định. Sau được Bộ GD&ĐT ủng hộ dự án này đã triển khai khắp cả nước.

2. Là phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc từ 2006, dàn dựng các lễ hội, hướng cho học sinh phổ thông sự hiểu biết, yêu thích SK truyền thống là tâm huyết lớn của bà. Đã dạy 4 khoá (mỗi khoá 3 tháng) về đạo diễn sự kiện và lễ hội, bà đang viết giáo trình về chuyên đề này. Tới đây, bà tham gia hội đồng tuyển sinh hệ chính quy và sẽ tiếp tục dạy "Đạo diễn sự kiện - lễ hội" tại ĐH SK&ĐA.

Hai tháng nay, NSND Phạm Thị Thành tất bật làm KB phân cảnh, chỉ huy chuẩn bị, dàn dựng, diễn tập cho đêm hội Hoa phượng đỏ - điểm nhấn của Lễ hội hoa phượng đỏ lần thứ nhất, sẽ diễn ra tối 9/6 tại quảng trường Nhà hát Lớn Hải Phòng (HP), được truyền trực tiếp VTV.

NSND Phạm Thị Thành là “nữ tướng” quen làm đại cảnh, chỉ huy hàng nghìn người. Sự thẳng thắn, cương trực, kỹ tính, say nghề làm nên tính cách nghệ thuật và uy tín của bà. Không chỉ DV chuyên nghiệp, những người chưa bao giờ biết diễn, khi được làm việc, dưới sự chỉ huy của Phạm Thị Thành, đều được truyền lửa. Cuộc trình diễn trang phục truyền thống của 54 dân tộc VN tại Làng văn hoá các dân tộc VN ở Đồng Mô năm ngoái do bà dàn dựng, mà "người mẫu" là người dân tộc chưa bao giờ biết SK là gì, được bầu chọn là 1 trong các sự kiện đáng chú ý là một ví dụ thuyết phục về tài cầm quân của "nữ tướng" họ Phạm.

Nói về Lễ hội hoa phượng đỏ, bà Thành rất hào hứng: "Tôi yêu mến HP, con người HP rất mạnh mẽ, quyết liệt, nhiệt tình yêu nghệ thuật. Nhận lời làm Đêm hội hoa phượng đỏ tôi muốn sống lại thời sung sức của mình gần 30 năm trước. Tôi đã dựng cho HP ba vở chèo: Linh hồn của đá, Muối mặn đời em, Ông vua hóa hổ; ba vở cải lương, trong đó có Nàng Sita đều từ KB của Lưu Quang Vũ, gây sốt vé. Không thể quên cảm giác mỗi lần xuống HP, đến các rạp dựng, tôi được "bao vây" bởi các anh chị phe vé. Họ mừng rỡ bắt tay ôm vai như là thân nhau, vì "Quý chị, chị đã dựng các vở đắt khách, bọn em làm ăn được" (cười tít). Cách chào đón vồn vã của lực lượng phe vé làm tôi vui không kém sự hâm mộ của khán giả, quý trọng của đồng nghiệp” - bà chia sẻ.

ĐD Phạm Thị Thành thuộc týp người bản lĩnh, cứng rắn, nhưng luôn biết lãng mạn. Sinh vào tháng 9 giữa Thu, bà thích mùa Xuân, lại thích Sen trắng - hoa của mùa Hè.

Căn hộ của mẹ con ĐD Phạm Thị Thành và cháu ngoại trên tầng 22  trong lành, yên tĩnh. Bà thích ra ban công ngắm TP lúc hoàng hôn hay những đêm thức khuya viết. Từ đâu Hè tới giờ, bà chưa mua được bó hoa sen nào cho mình. Lúc công việc ô tô đón, đến Nhà hát xem thì bắt xe ôm hay taxi, nhìn thấy hoa mà lại không tiện dừng, vì bận rộn. Chịu thúc giục của chính mình ham làm, chăm xem, Phạm Thị Thành vẫn đong đầy dự định, kế hoạch của một người “đương độ”.

“Sau vở Mắt phố dựng 2009 cho Nhà hát kịch HN, tôi vẫn còn muốn dựng kịch, ngặt nỗi SK gần đây ít khán giả, nên tôi thích dựng lễ hội hơn. Đổ công sức, được nhiều người thưởng thức sẽ kích thích mình hào hứng sáng tạo”.

Vi Vi



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm