31/05/2012 07:01 GMT+7 | Phim
(TT&VH Cuối tuần) - Nếu chỉ mải mê với thảm đỏ của những cái tên thời thường cùng xu hướng thời trang mới nhất, và nếu chỉ lo xếp lịch để xem những tác phẩm hứa hẹn ở Cannes, có lẽ ½ cuộc sống bên lề tại đây đã bị bạn bỏ quên một cách lãng phí…
Cuộc sống “hai tuần”
Nếu tính luôn cả hơn 4.600 nhà báo được cấp phép tác nghiệp ở Cannes, 700 vệ sĩ được huy động để giữ gìn an ninh, cộng với khoảng 40.000 người thuộc ngành công nghiệp điện ảnh tham dự và cư dân địa phương 75.000 người dân, thì cứ vào mỗi mùa Cannes, thành phố có dân số 75.000 người này sẽ tăng gấp ba lần dân số! Việc tìm chỗ ăn, ở và làm việc ở Cannes mùa này là cả một vấn đề gây thách thức, nhất là với những du khách lần đầu tiên đến Cannes.
Có lẽ người ta sẽ khoái đọc Cannes Diary của nhà báo Sasha Stone vào mỗi năm mùa Cành cọ vàng đến, bởi không chỉ viết rất đầy đủ về cuộc sống “không thảm đỏ” ở Cannes mà Sasha còn cho người đọc rất nhiều thông tin bổ ích để năm sau, khi họ có ý định đến thành phố nằm bên bờ Địa Trung Hải này, thì cũng đã hiểu nhiều chuyện.
Tuy nhiên, ngay cả Sasha cũng phải thừa nhận vào ngày đầu tiên đến Cannes lần thứ 65, cô lúc nào cũng phải tốn kha khá tiền để được an toàn (nghĩa là luôn đúng giờ - kịp thời), và để được một chỗ ăn ở tốt nhất.
Đúng là sống ở Cannes, dù chỉ hai tuần, cũng bằng vài tháng lương của nhiều tay chơi thứ thiệt. Theo Hollywood Reporter đưa tin, có khoảng 60 tàu thuyền neo đậu tại cảng địa phương trong suốt LHP. Để có một chỗ đậu tàu tại đây tốn khoảng từ 130.000 USD tới 400.000 USD! Các khách sạn lớn như Carleton, Majestic và Martinez luôn sẵn sàng chào đón các ngôi sao với những gian hầm ngập champagne (chỉ riêng khách sạn Majestic đã thủ sẵn 15.000 chai rượu để phục vụ tiệc tùng). Các nhà hàng-khách sạn cho biết họ thu lời được khoảng 15% tổng doanh thu cả năm chỉ trong vòng có hai tuần! Ít ai biết giá một đêm ở khách sạn Martinex với khung cảnh nhìn ra biển là 1.930 USD nên có rất nhiều người đi làm cật lực nửa năm trời chỉ để có được hai tuần “xa hoa” tại Cannes.
Hầu như năm nào ở Cannes cũng mưa, nhưng đường phố sạch sẽ và thoáng đãng về đêm sẽ khiến nhiều người không thể không hài lòng. Nhưng giá để mua một cây dù đội mưa những 50 euro! Tuy nhiên ở Cannes, bạn sẽ không phải tốn quá nhiều tiền khi mua sắm bởi cách sắp xếp cửa hàng của nó không giống ai. Sẽ là xen kẽ giữa cửa hiệu café, quán ăn, shop thời trang, hàng trái cây, quầy bán thịt… Bạn sẽ không thấy con đường chỉ bán toàn quần áo thời trang, và đó theo tôi nghĩ, là lí do để bạn biết tiết kiệm tiền.
Bánh mì là thức ăn phổ biến ở Cannes những ngày này, giá của chúng khá rẻ và giúp cho bạn vừa di chuyển vừa lót dạ một cách nhanh chóng, khi dòng người tại đây cứ hối hả suốt “hai tuần”. Xem phim, ngắm cảnh đẹp và chụp ảnh… có lẽ là không đủ nếu như bạn đang ở Cannes. Đó là một nơi hào phóng và giàu có đủ cho bạn có thời gian nhìn lại thế giới bên ngoài kia, thế giới còn nhiều điều đáng phải suy ngẫm và hành động.
Hãy nhớ đó là Cannes!
Cannes kiếm tiền không thua kém Hollywood. Đó là tin từ hãng thông tấn AFP, rằng cứ mỗi 25 triệu USD bỏ ra mỗi năm để thực hiện LHP, Cannes thu lời gấp 10 lần sau đó. Chả trách người ta gọi LHP Cannes là “cung điện của xa xỉ”. Hơn thế nữa, đặc biệt là năm nay, Cannes còn cho thấy rõ “khát khao” kiếm tiền của mình.
Bằng chứng ư? Một loạt phim Mỹ, những ngôi sao Hollywood đắt đỏ… đều có nhiều phim trình chiếu ở Cannes, thậm chí là tranh giải (trường hợp điển hình là Nicole Kidman và Matthew Mcconaughey đều có hai phim tham gia; hay cặp đôi diễn viên Chạng vạng - Kristen Stewart và Robert Pattinson). Càng nhiều người Mỹ, càng nhiều ngôi sao Hollywood đặt chân đến, thì có nghĩa Cannes sẽ càng thu hút thêm khán giả, gom về số tiền lãi kếch xù.
Khi bài báo đến tay bạn đọc, ngày bế mạc của giải Cành cọ vàng đã gần kề, kết thúc một mùa giải ấn tượng với nhiều tác phẩm xuất sắc, “dọn đường” cho những “chiến binh bất khuất” vào năm sau. Cuối cùng, khi người ta quên hoặc vô tình không biết, thì có lẽ là phải nhắc lại một trong những giây phút quan trọng nhất của những kì LHP khi nó trôi qua mà người ta chỉ biết nhìn vào những gì hiện hữu trước mắt, vào kết quả của đêm trao giải lộng lẫy.
Đó là vào một buổi sáng sớm, trước hai ngày khi Lễ khai mạc chính thức bắt đầu, hàng trăm nhân viên thuộc ban tổ chức đã chuẩn bị trải thảm đỏ dài 60m trên 24 bậc thềm, giúp các minh tinh có cơ hội một lần được tạo dáng chụp ảnh trước hàng trăm ống kính, khoảng khắc khó quên của bất kì ai. Ngay trước hội trường lớn, một số paparazzi nghiệp dư đã cắm trại phục sẵn từ một ngày trước đó, chờ đợi sự xuất hiện của các ngôi sao, còn các nhiếp ảnh gia được cấp phép hành nghề thì đã được sắp xếp đâu đó một ví trí ổn thỏa vào ngày hôm sau. Đó là một khoảnh khắc khó tả, nó bao hàm nhiều ý nghĩa mà không phải chỉ đến Cannes bạn mới có thể hiểu được, cảm nhận được.
+ Điện ảnh Việt Nam đến Cannes với 8 gương mặt nghệ sỹ: Kathy Uyên, Tina Tình, Lê Khánh, Đinh Ngọc Diệp, Huy Khánh, Trang Nhung, đạo diễn Ngô Quang Hải và Trần Lực. Đoàn sẽ trở về Việt Nam trước ngày bế mạc LHP (25.5). + Phim ngắn 2, 4, 6 của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp được mời tham gia trình chiếu trong khuôn khổ Short Film Corner. Quan trọng hơn trong chuyến đi này, dự án Đập cánh giữa không trung của Điệp cũng được Cannes chọn vào một trong 10 phim đầu tay trên Thế giới, để hỗ trợ sản xuất phim. + Phim ngắn Canh Ba Ba (Turtle Soup)giải nhất cuộc thi Làm phim 48 giờ năm 2011 đã được chọn trình chiếu tại LHP Cannes năm nay. Đây là một trong những cơ hội tốt để các nhà làm phim trẻ Việt Nam giới thiệu mình đến khán giả toàn cầu. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất