Nạn nhân a-xít ở Pakistan: Sợ bị trả thù vì giải Oscar

24/05/2012 15:19 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Hồi đầu năm nay, đạo diễn Sharmeen Obaid -Chinoy đã làm nên lịch sử khi mang về cho Pakistan giải Oscar đầu tiên với bộ phim tài liệu Saving Face, kể về những người phụ nữ sống sót sau các vụ tạt a-xít. Song giờ đây, các nhân vật chính trong bộ phim này đang lo sợ họ sẽ bị tẩy chay và bị trả thù nếu như bộ phim được chiếu rộng rãi ở Pakistan.

Bộ phim tài liệu của Chinoy dài 40 phút, trong đó kể về Zakia và Rukhsana khi họ phải vật lộn để xây dựng lại cuộc sống sau khi bị chồng tạt a-xít. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ người Anh gốc Pakistan - Mohammad Jawad đã cố gắng chỉnh sửa ngoại hình bị biến dạng của họ. 



Các nạn nhân bị tạt a-xít Naila Farhat (phải) và Naziran Bibi tại bệnh viện mắt Al-Shifa Rawalpindi, Islamabad, hồi năm 2009.

Lo sợ lại bị tạt a-xít

Khi bộ phim Saving Face đoạt Tượng Vàng danh giá ở hạng mục Phim tài liệu thì nhiều nhà tổ chức chiến dịch chống lại nạn tạt a-xít ở Pakistan đã vui mừng khôn xiết.

Tổ chức "Những người sống sót sau khi bị tạt a-xít Pakistan" (ASF) đã phối hợp thực hiện bộ phim tài liệu này, song giờ đây một số người sống sót đang lo sợ khi một số thế lực ở Pakistan - một xã hội bảo thủ sâu sắc - sẽ phản ứng dữ dội và xúc tiến hành động pháp lý chống lại các nhà sản xuất. 

“Khi chấp nhận tham gia bộ phim này, chúng tôi chẳng hề nghĩ phim sẽ được chú ý và đoạt giải Oscar. Giờ đây chúng tôi mới thấy mình sai lầm. Chúng tôi không muốn họ chiếu bộ phim này ở Pakistan” - Naila Farhat (22 tuổi), người chỉ xuất hiện “thoáng chốc” trong phim, bày tỏ. 

Năm 13 tuổi, Farhat đã bị người đàn ông mà cô từ chối kết hôn tạt a-xít. Farhat bị mù một mắt và kẻ tấn công cô đã bị phạt 12 năm tù giam. Sau một thời gian dài hồi phục đầy đau đớn, giờ Farhat đang học để trở thành một y tá.

“Đây là một sự bất kính đối với gia đình, người thân của tôi và họ sẽ làm to chuyện này. Bạn biết xã hội Pakistan như thế nào không? Người ta sẽ bàn tán suốt nếu như nhìn thấy một phụ nữ trong phim” - Farhat nói. “Thậm chí chúng tôi sẽ gặp nguy hiểm hơn và tôi lo sợ về điều đó. Rất có thể chúng tôi sẽ lại bị tạt a-xít. Chúng tôi không muốn ‘phô’ mặt mình ra thiên hạ”.



Đạo diễn Pakistan Sharmeen Obaid-Chinoy giơ cao giải Oscar tại một cuộc họp báo ở Karachi hôm 10/3.

Khiến các nạn nhân khó sống hơn?

Luật sư Naveed Muzaffar Khan, người được ASF thuê làm đại diện cho các nạn nhân a-xít, cho biết cuối tuần trước nhiều thông báo đã được gửi tới nhà làm phim Obaid -Chinoy và nhà sản xuất phim Daniel Junge. “Các nạn nhân không đồng ý chiếu phim ở Pakistan” - ông Khan nói và cho biết thêm đây là lời đề nghị của tất cả những người phụ nữ xuất hiện trong phim, bất kể “lộ diện” nhiều hay ít.

Theo ông Khan, các nhà sản xuất có 1 tuần để đưa ra quan điểm về việc chiếu phim ở Pakistan, nếu quá hạn ông sẽ ra tòa để xin lệnh chính thức. “Các nạn nhân biết rõ rằng việc chiếu phim ở Pakistan sẽ gây nguy hại tới cuộc sống của họ và khiến họ khó sống trong các ngôi làng của mình” - ông Khan nói.

Nhưng nhà làm phim Obaid -Chinoy khẳng định, những người phụ nữ này đã ký vào các văn bản pháp lý, tức là chấp thuận chiếu phim ở bất cứ đâu trên thế giới, kể cả Pakistan.Obaid -Chinoy cho biết, do Rukhsana quá lo sợ và tôn trọng người phụ nữ này nên hình ảnh của cô đã được cắt bỏ trong bản phim chiếu ở Pakistan. Các nhà sản xuất đã cam kết doanh thu kiếm được từ việc chiếu phim ở Pakistan sẽ dành cho 2 nhân vật trong phim là  Zakia và Rukhsana.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         Song điều đó dường như cũng chẳng giúp các nhân vật trong phim giảm được nỗ lo sợ bởi ở Pakistan, nhiều phụ nữ thường xuyên bị chồng hoặc người thân đe dọa và họ đặc biệt sợ hãi nếu như hình ảnh của họ xuất hiện trên truyền hình. “Sức lan tỏa của truyền hình rất rộng nên cuộc sống của họ lại càng bị đe dọa”- ông Khan cho biết.

Bộ phim còn gây tranh cãi khi nhiều cán bộ y tế Pakistan cho rằng, các nhà làm phim đã sai lầm khi chọn một bác sĩ Pakistan xa xứ làm nhân vật chính trong phim, trong khi có nhiều nhà phẫu thuật thẩm mỹ địa phương đã điều trị cho hàng chục nạn nhân.

Nhiều người khác lại cho rằng phim quá nhạy cảm và đặt vấn đề liệu bộ phim có thực sự giúp được các nạn nhân bị tạt a-xít đang phải vật lộn để sống ở Pakistan, đất nước mỗi năm xảy ra hàng chục vụ tấn công a-xít hay không.

Việt Lâm

    

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm