02/03/2012 10:30 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Với chiến thắng ngoạn mục của bộ phim câm Artist, Lễ trao giải Oscar vừa qua trở thành dịp để tôn vinh và tưởng nhớ về "một thời đã mất" của điện ảnh - đó là kỷ nguyên phim câm. Nhưng ít ai ngờ rằng, sau đây "kỷ nguyên phim nhựa 35mm" cũng sắp đến hồi vãn cuộc. Và cuộc chia ly đầu tiên là sau lễ trao giải Oscar năm nay, Hollywood sẽ tạm biệt với Nhà hát Kodak, địa chỉ quen thuộc của sự kiện điện ảnh lớn nhất hành tinh từ năm 2002.
Chỉ cách đây 1 thập kỷ, nhà hát bề thế có sức chứa 3.300 chỗ ngồi này được xem là “ngôi nhà vĩnh viễn” đầu tiên của giải Oscar. Tuy nhiên, Công ty Eastman Kodak (131 năm tuổi) đã bị tước quyền bảo trợ cho nhà hát này khi công ty đang trên bờ phá sản.
Từ "cái chết" của Kodak
Nhà hát Kodak được xây dựng và hoàn thành vào năm 2001, với tổng giá trị 94 triệu USD.
Sự kiện này cũng đồng nghĩa rằng “sức mạnh ngôi sao” của dòng phim Kodak đang tàn lụi. Mặc dù trong số 9 phim được đề cử Oscar Phim hay nhất năm nay có tới 7 phim được quay bằng phim Kodak, song nền kinh doanh in phim của công ty Kodak đang ngày càng bế tắc khi nền công nghiệp điện ảnh ngày nay lại “chuộng” cách làm phim và chiếu phim bằng công nghệ kỹ thuật số hơn.
Kinh doanh in phim từng là “cỗ máy” kiếm tiền của Kodak. Thời mà phim Kodak còn là sản phẩm ưa chuộng của các nhà quay phim thì quay mỗi một bộ phim nhựa tốn khoảng 300 nghìn mét phim, nhưng các hãng phim phải dùng tới 3 triệu mét để in các bản sao phát hành ở thị trường Bắc Mỹ.
Nhưng điều đó đã lùi xa bởi theo thống kê, hiện có khoảng một nửa số phim thương mại trên thế giới được chiếu bằng kỹ thuật số. Do vậy, việc chiếu phim cuộn sẽ nhanh chóng là chuyện của quá khứ.
“Phim 35 mm sắp chết rồi. Trong vòng vài năm tới sẽ không còn nền kinh doanh in phim nữa” - David Hancock, phụ trách mảng điện ảnh và rạp chiếu của Công ty nghiên cứu IHS Screen Digest, khẳng định.
Theo HIS, ở thời đỉnh cao, phim nhựa chiếm khoảng 3,6 tỷ mét phim trong tổng số lượng phim được sản xuất hằng năm. Nhưng năm nay con số này giảm xuống còn 1,2 tỷ mét khi nhiều rạp chiếu “nhận” phim thông qua vệ tinh hoặc đĩa cứng.
“Chúng tôi không còn phải chuyển phim tới hầu hết các rạp chiếu nữa” - Philippe Dauman, Giám đốc điều hành của Paramount Pictures, nói tại một cuộc họp báo hồi tháng trước. “Chúng tôi đã hỗ trợ họ bằng cách phát hành phim kỹ thuật số”.
Nhờ làm phim và phát hành phim bằng kỹ thuật số mà các hãng phim lớn đã tiết kiệm được hàng tỷ USD, song việc này đã khiến hãng Kodak điêu đứng. Trong nửa đầu năm 2011, doanh thu từ phim nhựa của Kodak chỉ đạt 763 triệu USD, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2008: 1,57 tỷ USD.
Hồi tháng 1, Công ty Kodak đã tuyên bố phá sản với khoản nợ tới 6,7 tỷ USD, trong đó tập đoàn này đang nợ nhiều tập đoàn truyền thông lớn như Sony (16,7 triệu USD), Warner Bros. (14,2 triệu USD), NBC Universal (9,3 triệu USD), Paramount (6,8 triệu USD), Disney (4,2 triệu USD), Amazon (3 triệu USD) và Nokia (2 triệu USD).
Được biết, mỗi năm Kodak phải trả 3,6 triệu USD để tên của mình được gắn liền với nơi diễn ra lễ trao giải Oscar. Song với tình hình tài chính khó khăn hiện tại, khoản tiền đó trở nên “quá sức” với Tập đoàn Eastman Kodak Company.
Buồn vui lẫn lộn
Nhà hát Kodak giờ được gọi bằng cái tên đơn giản là Trung tâm Hollywood & Highland. “Tôi nghĩ, giờ bất cứ ai nhìn vào tên mới của Nhà hát Kodak sẽ xen lẫn nỗi buồn và sự kính trọng. Thật không may là nhiều công ty lớn từng góp phần xây dựng nên nền kinh doanh phim lại không thể không đi theo xu thế của thời đại” - theo Chris McGurk, Giám đốc điều hành của Cinedigm Digital Cinema Corp., công ty lắp đặt máy chiếu kỹ thuật số cho hàng ngàn rạp chiếu.
Máy chiếu phim nhựa sắp đi vào quá vãng
Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đang cân nhắc tới việc đưa lễ trao giải Oscar tới một địa điểm khác.
Mặc dù cái tên đã bị “tuột” khỏi lễ trao giải Oscar, nhưng Kodak sẽ vẫn chiếm 1 phần trong quá trình làm phim của Hollywood, khi các nhà bình chọn của Viện Hàn lâm vẫn tiếp tục chọn lựa phim theo cách xem phim để “nhặt sạn”. Phim Kodak vẫn được dùng để quay các bộ phim được đề cử Oscar năm nay như War Horse, The Tree of Life và The Help, nhưng sau đó chúng đã được chuyển sang công nghệ kỹ thuật số để biên tập và phát hành.
Mark Graziano, phụ trách phần hậu kỳ của phim War Horse tại hãng DreamWorks, nói sự “thất thế” của phim Kodak khiến người ta nghĩ đến “nghệ thuật đã mất” của quá trình sản xuất phim và những người từng được gọi là “máy cắt phim”. Chẳng hạn, thông thường họ phải mất 2 tuần để chuẩn bị một bản phim nháp để chiếu cho các nhà điều hành hãng phim xem. Nhưng giờ quá trình này gần như được xử lý tức thời. “Sự việc này khiến người ta nhớ nhiều về thời chỉ quay phim bằng phim 35 mm và những thước phim đó mang hình ảnh tuyệt đẹp. Giờ thì thật khó trở lại thời kỳ đó” - Graziano trầm ngâm nói.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất