11/02/2012 10:14 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Đến 14/2 thì Ngôi nhà trong hẻm (KB-ĐD: Lê Văn Kiệt) mới chính thức ra rạp trên toàn quốc, nhưng từ ngày 9/2, dư luận đã bắt đầu râm ran về phim này bằng cái nhìn khá băn khoăn. Với một tác phẩm chào hàng khán giả trong nước (dù không phải là phim đầu tay) của một gương mặt mới, hoàn toàn khen hoặc chê đều rất khó.
Lê Văn Kiệt sinh 1978 tại Biên Hòa, từng học khoa điện ảnh truyền hình của đại học danh tiếng UCLA, với học bổng toàn phần. Trước khi về Việt Nam, anh đã thực hiện hai phim là Bụi đời (Dust Of Life), Sầu ngư (Sad Fish) và một số phim ngắn, được dư luận khen ngợi. Tại Việt Nam, anh từng đạo diễn phim truyền hình Cuối đường băng và phim truyện Bẫy cấp 3, nên đã có khá nhiều kinh nghiệm.
Cảnh phim Ngôi nhà trong hẻm. Ảnh: Psycho Lĩnh
Sản xuất khôn khéo
Điểm nổi bật nhất của Ngôi nhà trong hẻm là sự khôn khéo trong việc tổ chức sản xuất, nó cho thấy phim được làm với kinh phí không nhiều. Điều này khá ổn với tình hình bán vé tại Việt Nam, khi miếng bánh thị phần ngày một chia nhỏ, mà số rạp chiếu và thói quen xem phim ở rạp chưa có nhiều thay đổi, nên vài phim Việt bị thua lỗ nặng vào dịp cuối năm 2011 và đầu năm 2012.
Phần lớn phim chọn bối cảnh quay trong nước, theo công thức “một địa điểm” của những đạo diễn trẻ hoặc của các nhà làm phim kinh phí thấp trên thế giới. Được biết, phim này quay ngay tại căn nhà mà nhà sản xuất Trần Trọng Dần đang thuê ở, nên phần xử lý địa điểm khá thuận lợi. Những cảnh bên ngoài ngôi nhà rất ít và không tốn nhiều chi phí; riêng trường đoạn công nhân biểu tình ở xí nghiệp, đạo diễn khá khéo khi cho họ la hét bên ngoài cửa kính, trong phòng chỉ có 2-3 người, đó cũng là cách tiết kiệm.
Hơn nữa, tính chất của phim kinh dị là buộc các nhân vật chính phải “sa lầy” vào một địa điểm nào đó, không thể rời bỏ hay chạy thoát được. Địa điểm đó càng thân thuộc bao nhiêu thì càng hấp dẫn, vì nó tạo sự tương phản giữa cái thân thiện và cái bất thường, quái dị.
Phim khá theo công thức khi chỉ tách hai nhân vật chính ra khỏi cái thế giới ồn ào xung quanh để họ đơn phương đối mặt với thực tại riêng của mình. Chứ chỉ cần thắc mắc, với một ngôi nhà ở trong hẻm, thường đông hàng xóm, hai người và ma quái la hét ầm ĩ như vậy, chẳng lẽ họ không nghe? Người chồng thất thanh khi vợ cầm rìu chém đứt mấy ngón tay, chẳng lẽ hàng xóm không can thiệp hoặc báo cơ quan chức năng? Tất cả điều này trong tác phẩm hư cấu đều được phép, cho nên, nhà sản xuất càng được lợi, họ loại bỏ phần lớn các nhân vật có tính móc xích.
Cuối cùng, cách tổ chức hình ảnh của Joel Spezeski và cách thiết kế phim trường của Trần Trung Lĩnh khá ổn, họ đã biết “xấu che tốt khoe” hiệu quả, để khán giả cùng khám phá không gian quen thuộc của ngôi nhà với cái nhìn tò mò. Điều này càng giúp cho nhà sản xuất tiết kiệm, bởi họ không phải quay nhiều cảnh đệm ở các địa điểm khác.
Cũng nói thêm, Lê Văn Kiệt đã làm xong phim Bẫy cấp 3 tại Việt Nam, thế nhưng nhà sản xuất lại chọn Ngôi nhà trong hẻm để chiếu trước, điều này chứng tỏ họ khá cẩn trọng và khôn khéo trong đường đi của mình.
Kịch bản yếu kém
Điều làm cho người xem băn khoăn nhất có lẽ là sự non yếu của kịch bản, khi mà Lê Văn Kiệt đã quá tự tin để “ôm trọn” gói. Phim này “thừa hưởng” nhiều sự ngây ngô của một vài phim trước đây (thường của Việt kiều) như Sài Gòn nhật thực, 14 ngày phép, Chuyện tình xa xứ, Giữa hai thế giới, Cảm hứng hoàn hảo…
Sự non yếu thể hiện đầu tiên qua việc chọn ý tưởng cho kịch bản, đó là việc cho Thảo giữ lại xác đứa con bị sẩy thai ở trong nhà - một ứng xử đi ngược lại đạo lý của người Việt nói chung. Tác giả muốn tạo cảm giác rùng rợn từ hành động kỳ quặc này, để qua đó móc nối với oan hồn của nhiều đứa trẻ khác - vốn chết cháy trong căn nhà này trước đây - giúp họ hiện về quấy phá. Phải nói ngay rằng, hư cấu nghe có vẻ bất thường này thực ra không mới, bởi qua báo chí gần đây, chắc người xem đã biết nhiều trường hợp giữ xác chết còn ly kỳ hơn. Chính vì không mới nên khó tạo ấn tượng lạ, khiến khán giả dễ săm soi vào những điểm chưa ổn.
Hơn nữa, tác giả chưa tìm được cách móc nối hợp lý giữa cái chết của đứa con, những oan hồn trong ngôi nhà với người vợ trở nên ma quái sau khi sinh. Vì thế, kịch bản khá lòng vòng, các tình huống chưa thật khớp với nhau, nên một vài chuyển cảnh còn gượng ép do thiếu đường dây. Ngay cả tình huống bổ trợ là chuyện Thành bị mẹ áp lực liên tục để gây căng thẳng, vì xí nghiệp xảy ra chuyện thì người xem cũng không biết đó là chuyện gì để có thể liên thông chia sẻ.
Nói tóm lại, phim lưỡng lự giữa việc tìm kiếm thông điệp và tạo tình huống rùng rợn, nó không rõ hướng mà đạo diễn muốn đi đến. Đó là chưa nói lời thoại thiếu tinh tế đã làm suy kém sự diễn xuất khá ổn của Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn. Nhiều cảnh cần sự “nghẹt thở” nhưng khán giả lại bật cười là vì kiểu viết thoại “ngố” này.
Có thể Việt Nam chưa có nhiều nhà văn thông thạo việc viết kịch bản điện ảnh, nhưng để sửa lời thoại của một kịch bản như Ngôi nhà trong hẻm thì không khó. Nhà sản xuất và đạo diễn vẫn để một kịch bản non yếu được bấm máy, chứng tỏ họ quá tự tin, hoặc không coi trọng yếu tố này…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất