Lê Chí Kiên diễn xuất thần trong "Mùi cỏ cháy"

12/12/2011 10:46 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Một “lý lịch trích ngang” quá mỏng và gần như là “tân binh” với điện ảnh, nhưng Lê Chí Kiên, cái anh chàng đại đội trưởng Phong (vai phụ) trong phim Mùi cỏ cháy của đạo diễn Hữu Mười lại khiến người ta tin chắc chàng diễn viên này đã làm đại đội trưởng từ trong… bụng mẹ.

1. Cái mặt lên gân thường trực, cái nhìn cố làm ra vẻ gườm gườm, cái miệng có hai khóe mép lúc nào cũng cố để không cười… Tất cả những cái “cố” ấy cuối cùng đã khiến người xem phải ứa nước mắt, khi lời thoại được thốt lên qua cái ôm xiết người lính cũ của mình: “Đừng oán tớ nhé!”.

Đừng oán, bởi những hy sinh của các chiến sĩ trên dòng Thạch Hãn của mùa Hè đỏ lửa 1972 ấy, chính là cái giá phải trả cho một chữ ký trên bàn đàm phán tại hội nghị Paris, mở đường cho hành trình đi đến hòa bình và thống nhất của Tổ quốc. Đừng oán, bởi mỗi hy sinh của những người lính trẻ măng ấy là một chấp nhận đầy đau đớn của người chỉ huy.

Đừng oán, bởi anh - đại đội trưởng - cũng có thể đã nằm dưới dòng sông Thạch Hãn cùng các chiến sĩ yêu quý của mình nếu không có một duyên may khó giải thích, đôi khi thậm phi lý, khi mà đại đội 107 người qua sông, mà bước lên bờ chỉ còn 49 người, (rồi vào chiến đấu chỉ còn 48 bởi Long đã trúng phi pháo chết ngay trong cơn hoảng loạn) và ba năm sau đó, đến ngày chiến thắng, không biết còn ai nữa không ngoài hai người ngẫu nhiên gặp nhau, ôm xiết nhau trong nước mắt ngay trước thềm Dinh Độc Lập?

Đó là thông điệp mà Đại đội trưởng Phong của diễn viên Lê Chí Kiên đã gửi đến được khán giả. Một thông điệp đau đớn, mà không thể không tiếp nhận.

Cái mặt lúc nào cũng “cố” của Lê Chí Kiên (bìa phải) trong Mùi cỏ cháy

2. Đã đành một vai diễn thành công không chỉ một mình người diễn viên làm nên. Trước hết chân dung ấy cần được khắc họa tốt từ kịch bản, và được dành đất diễn, tạo được tình huống thể hiện cho diễn viên… Rồi tiếp đến là chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn, là bối cảnh để diễn viên cảm thấy mình được sống thật với vai diễn của mình….

Nhân vật “Đại đội trưởng Phong” trong kịch bản Mùi cỏ cháy của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm là một nhân vật phụ. Thậm chí là một chân dung rất dễ “cũ”. Bởi hình ảnh người chỉ huy trong chiến trận, mà lại là giữa trận tiền như đại đội trưởng, là hình ảnh gần như đã thành công thức trong điện ảnh Việt Nam: hơi nóng tính một chút, nhưng thương lính. Thế nhưng, với những tình huống đã được thiết kế rất tinh tế bởi tác giả kịch bản và đạo diễn, thì diễn viên đóng cái vai “công thức” ấy đã khiến người xem phải bật cười, phải bị ám ảnh, phải rớt nước mắt… Nghĩa là trong cái vỏ công thức ấy, “đại đội trưởng Phong” của Lê Chí Kiên đã tạo nên một số phận với đủ những hỉ, nộ, ái, ố…

Diễn xuất đầy kìm nén của anh trong nửa đầu truyện phim khiến người xem dần cảm nhận cái tình yêu của cha đối với các con trong quan hệ chỉ huy - chiến sĩ. Gương mặt từng trải, thô nhám và nụ cười độ lượng luôn phải giấu đi của “đại đội trưởng” tương phản đặc biệt với cả một đại đội toàn lính mới nhập ngũ, những gương mặt trong veo, trinh trắng đến thắt lòng.

Lê Chí Kiên sinh năm 1965

Giải đặc biệt cho vai “Nhà sư” trong vở kịch thể nghiệm Sang sông tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2008.

Giải Bạc cho vai “Vua An Dương Vương” trong vở kịch rối Trấn Cổ Loa Thành.

Hiện công tác tại Nhà hát Múa rối Thăng Long trong vai trò đạo diễn và diễn viên…

Được dẫn dắt bởi sự cảm nhận rất tự nhiên này, khán giả đã buộc phải lặng đi cùng với anh khi giọt lệ đầu tiên trong mắt người chỉ huy ấy dâng lên trước thi thể của người lính trẻ vốn nghịch ngợm hồn nhiên, đã chết sau khi đã vượt sông thành công, mà không vỡ òa, không tràn xuống đôi má sạm đen khắc khổ, bởi trận đánh còn ở phía trước, và hơn bất cứ ai, anh biết cái chết của Long không phải là mất mát đầu tiên và cuối cùng của cuộc chiến.

Cái “biết” của một đại đội trưởng từng trải được Lê Chí Kiên thể hiện bằng những diễn xuất không lời. Một mệnh lệnh đi tìm bốn chiến sĩ vì nghi họ đào ngũ được phát ra với giọng nói rất quyết liệt, mà gương mặt lại hoảng hốt như người cha thấy mình có thể đã mất những đứa con. Cú đánh nhầm vào hạ bộ chỉ huy của cậu binh nhì vụng về khiến đại đội trưởng đau đến nghẹn thở, nhưng vẫn cố gượng cười, thừa nhận “Trúng rồi đấy” để cậu lính trẻ không mất tinh thần. Một cái ngoái đầu nhìn lại người vợ lên thăm chồng đúng lúc đơn vị chuyển quân đành lủi thủi ra về, với một cử chỉ kín đáo cho thấy anh biết nỗi thèm một mụn con trai của cả gia tộc, mà anh thì không thể, vì phải chuyển quân gấp, và vì… vừa bị lính lỡ tay đánh trúng cái cơ quan dùng cho việc sinh con trai ấy.

Và rồi chuyến sang sông đầy bi hùng, giọt nước mắt không rơi xuống trước cái chết của một chiến sĩ vì trúng phi pháo trong cơn sợ hãi thường tình của kẻ lần đầu ra trận… Nó được nuốt vào trong, như nỗi đau của người cha đối với một đứa con vừa nằm xuống, trong khi còn phải dẫn cả đàn con của mình tiếp tục lao vào chảo lửa, để đón nhận những hy sinh tiếp theo… và cuối cùng, vỡ òa trong ngày ôm vào lòng đứa con cuối cùng còn sống sót giữa ngày khải hoàn.

Một diễn viên không “biết” vai trò truyền dẫn thông điệp của mình, không từng trải nghiệm, không từng thấu cảm tình đời… không làm nổi những việc ấy.

3. Nước mắt nuốt vào trong, và nước mắt rơi không còn chút kìm nén nào… đó là hai khoảnh khắc diễn xuất tuyệt vời của Lê Chí Kiên trong Mùi cỏ cháy. Nó khiến cho hàng trăm khán giả rơi nước mắt theo anh. Nó khiến cho những người từng trải nghiệm chiến tranh thấy thức dậy nỗi thương bạn, thương mình, thương một thế hệ đã tự nguyện trả giá cho sự toàn vẹn của Tổ quốc. Nó khiến cho những người chưa từng trải nghiệm… nhận biết rõ ràng cái lý do khiến một thế hệ những người Việt Nam trước họ luôn đau đáu về những bất ổn trong lối sống thiếu đạo lý của một bộ phận người Việt Nam hôm nay.

Chiến tranh đã đi qua, những hy sinh mất mát đã lùi về quá khứ, nhưng cái thông điệp mà Lê Chí Kiên và ê - kíp làm phim Mùi cỏ cháy đã mang lại cho khán giả là không hề cũ. Chúng ta đã trả giá để có ngày hòa bình thống nhất, và sẽ không chấp nhận để sự trả giá ấy thành vô ích. Có lẽ không có nhiều những bộ phim được làm từ nguồn tài trợ của ngân sách làm được điều này.

Mạc Phiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm