Oscar phim nước ngoài - những quy định gây tranh cãi

09/12/2011 06:30 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Trong 24 hạng mục tranh giải Oscar hàng năm, chỉ duy nhất hạng mục phim nước ngoài là có cách thức lựa chọn gắt gao ngặt nghèo, nhưng cũng phức tạp rối rắm và gây ra nhiều tranh cãi nhất… Nhưng điều đó chẳng làm một quốc gia nào trên thế giới chùn bước, bởi chỉ cần lọt vào danh sách đề cử Top 5 thôi, cũng đủ làm thay đổi mọi thứ…

Điều kiện dự tranh phức tạp

Đầu tiên, tên thường gọi giải Oscar Phim nước ngoài trên báo chí và trên Internet, là sai. Mà phải là giải Oscar Phim tiếng nước ngoài, vì ngôn ngữ của một bộ phim quan trọng hơn nhiều so với quốc tịch của nó. Điều rõ nhất là bộ phim đó phải sử dụng một ngôn ngữ không phải là tiếng Anh. Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ (gọi tắt là A.M.P.A.S.) thường áp dụng yêu cầu này rất nghiêm túc, bằng cách truất quyền dự tranh những phim có quá nhiều lời thoại tiếng Anh, trường hợp gần đây nhất là bộ phim The Band’s Visit (2007) của Israel. Nhưng một bộ phim hoàn toàn không có lời thoại, chẳng hạn như Le Bal (1983) vẫn có thể được đề cử trong hạng mục Phim tiếng nước ngoài. Một nhân tố khác dẫn đến việc truất quyền dự tranh, nếu bộ phim được phát trên truyền hình hoặc Internet trước khi chiếu rạp, như Bluebird (2004) của Hà Lan đã từng bị loại.

Giai đoạn chờ đủ điều kiện cho hạng mục Phim tiếng nước ngoài khác với thời hạn chờ đủ điều kiện cho hầu hết các hạng mục khác. Như năm nay, thời hạn phát hành cuối cùng ở rạp đối với hạng mục Phim tiếng nước ngoài được ấn định vào ngày 30/9/2011, trong khi thời gian tuyển lựa đối với hầu hết các hạng mục khác kéo dài tới ngày 31/12/2011.

Từ Lễ trao giải Oscar năm 2006 (lần thứ 79), những bộ phim dự tranh ở hạng mục này không cần phải sử dụng một ngôn ngữ chính thức của nước nộp phim. Quy định này trước đây đã ngăn cản rất nhiều phim hay tham gia. Giám đốc điều hành của A.M.P.A.S. đã viện dẫn lý do cho sự thay đổi quy định này từ trường hợp của bộ phim Private (2004) của Ý (bị truất quyền dự tranh chỉ vì các ngôn ngữ chính của nó là tiếng Ả Rập và Do Thái, chứ không sử dụng tiếng Ý). Sự thay đổi quy định này cho phép Canada được đề cử cho bộ phim tiếng Hindi, Water (2006). Trước đó, Canada chỉ được đề cử cho những bộ phim nói tiếng Pháp.

Tuy nhiên, sự thay đổi quy định này đã tạo điều kiện hợp lệ cho những bộ phim Mỹ không nói tiếng Anh, được chính thức chuyển sang hạng mục danh giá, Best Picture (phim hay nhất). Như trường hợp của bộ phim tiếng Nhật Letters from Iwo Jima (2006) và bộ phim tiếng Maya Apocalypto (2006) đã không tham gia tranh giải Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất, do nó được bỏ vốn, sản xuất và đạo diễn hoàn toàn từ Mỹ.

Chỉ trích và tranh cãi

Quy định mỗi nước chọn phim để nộp chính thức theo luật lệ của riêng nước đó, nên các quyết định của ủy ban đề cử tại mỗi nước nộp phim thường xuyên gây tranh cãi (ở Việt Nam cũng không ngoại lệ). Ví dụ, Ấn Độ năm 2007 bị Bhavna Talwar, đạo diễn của bộ phim Dharm, cáo buộc là có thành kiến với bà. Nữ đạo diễn này khẳng định bộ phim của mình bị bác bỏ để ưu tiên cho bộ phim Eklavya: The Royal Guard, vì các mối quan hệ cá nhân của đạo diễn và nhà sản xuất của bộ phim này với ủy ban chọn phim.

Một vấn đề gây tranh cãi khác bị các nhà làm phim chỉ trích, là quy định “mỗi nước một phim” của A.M.P.A.S. quy định - được cho là công bằng này - cho phép các bộ phim từ những nước nhỏ như Việt Nam, Iceland, hay Bosnia & Herzegovina được A.M.P.A.S. đặt ngang hàng với những nước có truyền thống điện ảnh danh tiếng và hùng mạnh như Ấn Độ, Đức, Pháp, Ý. Nhưng quy định đó đã loại ra rất nhiều bộ phim hay vì họ bắt buộc chỉ chọn một phim. Ví dụ trường hợp đáng tiếc của La Vie en Rose năm 2007 - một phim rất có tiềm năng thắng giải - nhưng Pháp lại chọn phim hoạt hình Persepolis (2007).

Hơn nữa, việc một bộ phim cần phải được nộp từ một nước cụ thể đã cản trở cơ hội được đề cử của các xuất phẩm chung quốc tế. Ví dụ trường hợp của bộ phim đa quốc gia như The Motorcycle Diaries (2004). Quá trình sản xuất của bộ phim này có sự tham gia của 9 nước khác nhau, nhưng lại không thể liên kết cụ thể được với bất kỳ nước nào trong số đó. Vì thế nó đã bị loại khỏi cuộc đua Oscar Phim tiếng nước ngoài một cách đáng tiếc. Năm đó bộ phim đã nhận được giải Oscar Ca khúc hay nhất và được đề cử giải Kịch bản chuyển thể hay nhất.

Trong những năm gần đây, chính định nghĩa của A.M.P.A.S. về từ “quốc gia” đã gây tranh luận. Ví dụ như giải Oscar lần thứ 75 bị bao trùm trong làn sóng tranh cãi, khi nhà sản xuất Humbert Balsan, của bộ phim Palestine rất được giới phê bình khen ngợi Divine Intervention (2002), đã phản ứng dữ dội khi bị từ chối với lý do Nhà nước Palestine không được A.M.P.A.S. công nhận theo nguyên tắc của Viện.

Vấn đề là trước đây A.M.P.A.S. lại chấp nhận các bộ phim đến từ những thuộc địa như Hong Kong và Puerto Rico, nên việc Divine Intervention bị kỳ thị đã gây ra những lời cáo buộc về tiêu chuẩn kép từ các nhà hoạt động ủng hộ Palestine. Tuy nhiên, 3 năm sau, một bộ phim khác của Ả Rập và Palestine, Paradise Now (2005), lại thành công trong việc giành được đề cử Oscar Phim tiếng nước ngoài, mặc dù đề cử này cũng gây ra những lời phản đối, lần này đến từ các nhóm ủng hộ Israel tại Mỹ.

Scandal và kiện tụng

Phần rắc rối nhất của các quy định này ghi: “Nước nộp phim phải chứng nhận rằng, tài năng sáng tạo của nước đó nắm quyền kiểm soát nghệ thuật của bộ phim. Lời thoại phải sử dụng chủ yếu bằng ngôn ngữ của nước xuất xứ, trừ khi câu chuyện đòi hỏi một ngôn ngữ bổ sung, mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính”.

Một bộ phim có thể bị từ chối nếu nước nộp bộ phim đó không nắm đủ quyền kiểm soát nghệ thuật của bộ phim, mà trường hợp bị loại gần đây nhất là Sắc giới (2007), của Đài Loan tại giải Oscar lần thứ 80. Tuy nhiên, những trường hợp truất quyền dự tranh như thế thường xảy ra trong giai đoạn vòng loại, ngoại trừ trường hợp gây tranh cãi của bộ phim A Place in the World, của Uruguay tại giải Oscar lần thứ 65 (1992).

Bộ phim này có quốc tịch 100% Argentina (bối cảnh, lời thoại, đạo diễn, diễn viên). Nhưng năm đó Argentina lại chọn một bộ phim khác tham gia vòng loại Oscar, thế là các nhà sản xuất quyết định nộp nó từ Uruguay, với lý do một nhà đầu tư và một đồng tác giả kịch bản là người Uruguay!

A Place in the World bất ngờ lọt vào Top 5 đề cử. Tuy nhiên một tuần sau, A.M.P.A.S. đã lập tức mở cuộc điều tra khi có cáo buộc bộ phim này có chẳng dính dáng gì nhiều đến Uruguay, mà thực chất đó là phim Argentina. Cuối cùng, A.M.P.A.S. đã quyết định loại bộ phim ra khỏi danh sách Top 5 đề cử. Đạo diễn Adolfo Aristarain đã phản ứng dữ dội và gửi đơn kiện A.M.P.A.S. lên Tòa án Liên bang ở California. Ông viện dẫn trước đây đã có trường hợp các bộ phim Black and White in Color (1976), Le Bal (1983) và Dangerous Moves (1984), hoàn toàn là do Pháp sản xuất, nhưng lại được vào Top 5 đề cử dưới các quốc tịch Bờ Biển Ngà, Algeria và Thụy Sĩ! Tòa án công nhận quy định còn lỏng lẻo, nhưng họ lại tôn trọng những nguyên tắc của A.M.P.A.S. Cuối cùng Adolfo Aristarain phải bỏ cuộc.

A Place in the World là bộ phim duy nhất từ trước tới nay bị tuyên bố là không hợp lệ, sau khi đã lọt vào Top 5 đề cử, và tất nhiên bị loại khỏi vòng bỏ phiếu kín chung kết. Và giải Oscar lần thứ 65 là năm duy nhất chỉ còn lại 4 đề cử, sau khi A.M.P.A.S. quyết định không bổ sung phim khác thay thế A Place in the World.


Tùy tiện thay đổi quy định

“Hạng mục phim tiếng nước ngoài tất nhiên là một trong những hạng mục rắc rối của chúng tôi,” Bruce Davis, Giám đốc điều hành của A.M.P.A.S. thừa nhận, “và chúng tôi liên tục sửa đi sửa lại các quy định ấy để bớt đi những rắc rối đó”. Thập niên 1990 là thập niên mà những quy định cứ thay đổi liên tục.

Quy định của A.M.P.A.S. ghi rõ rằng “Bản phim được nộp để xem xét tranh giải Oscar phải giống hệt về hình thức với phiên bản gốc được phát hành tại nước xuất xứ”. Nhưng quy định này đã bị phá vỡ bắt nguồn từ cuộc tranh cãi về bộ phim Ý, Cinema Paradiso (1989). Bản gốc của phim chiếu ở Ý dài đến 3 giờ. Nhưng khi phát hành ở Mỹ, thời lượng của nó đã bị cắt xuống chỉ còn 2 giờ. Các nhà phân phối cho rằng nước Ý nên nộp bản gốc mà khán giả Ý đã xem, nhưng chẳng hiểu sao gửi đến A.M.P.A.S. lại là bản chiếu tại Mỹ (hay hơn bản gốc nhiều). Năm đó Cinema Paradiso đã đoạt giải Oscar với bản cắt lại - được đánh giá là bộ phim xuất sắc nhất trong lịch sử hạng mục Oscar Phim tiếng nước ngoài - và A.M.P.A.S. đã “phớt lờ” chính quy định của mình!

Năm 1993, A.M.P.A.S. lại một lần nữa bỏ qua quy định “giống hệt bản gốc về hình thức”, khi chấp nhận bộ phim Bá Vương biệt cơ (lọt vào Top 5 đề cử) - phiên bản bị cắt 15 phút so với bản gốc được chiếu tại Hong Kong. Từ đó trở đi quy định này gần như bị bãi bỏ.

Cũng từ sự cố gây tranh cãi năm 1992 với bộ phim A Place in the World, năm 1993 A.M.P.A.S. đã bổ sung một nguyên tắc mới “Nước nộp phim phải được đại diện ít nhất 2 hạng mục trong số 3 hạng mục này: sản xuất, đạo diễn, biên kịch. Ngoài ra, nước đó nên được đại diện trong ít nhất 3 trong số các hạng mục này: thiết kế nghệ thuật, quay phim, thiết kế trang phục, dựng phim, âm thanh và âm nhạc. Cuối cùng, dàn diễn viên từ nước nộp phim phải là một yếu tố quan trọng”.

Ngay lập tức tranh cãi bùng nổ, khi quy định mới vừa đưa ra đã quay ngoắt 180 độ… “tiêu diệt” bộ phim Three Colors: Blue của đạo diễn Ba Lan Krzysztof Kieslowski. Số là năm đó (1993) Pháp chọn gửi đến Oscar bộ phim sử thi Germinal. Các nhà sản xuất của Three Colors: Blue liền áp dụng quy định mới của A.M.P.A.S., nộp phim này dự tranh với quốc tịch Ba Lan (đạo diễn, kịch bản, âm nhạc, quay phim đều là người Ba Lan). Nhưng bộ phim không được chấp nhận vì… “yếu tố Ba Lan không đáng kể”! “Đó hoàn toàn là một bộ phim Pháp, với bối cảnh Pháp, diễn viên Pháp, nói tiếng Pháp và chuyện phim nói về nước Pháp”, Giám đốc điều hành Bruce Davis, bảo vệ quyết định của A.M.P.A.S.

Thế là cứ vài năm, lại có một bộ phim nước ngoài được ưa chuộng như Three Colors: Blue không né được “làn tên mũi đạn” của A.M.P.A.S..

Tùy tiện thay đổi gần như là một “truyền thống” của A.M.P.A.S., gần như năm nào quá trình nộp phim thường thu hút nhiều sự chú ý còn hơn các đề cử và phim đoạt giải. Phim nào được đề cử thì doanh thu phòng vé của phim đó có thể tăng lên tới 25% tại Mỹ, và uy tín của các nhà làm phim lẫn quốc gia có phim đề cử cũng tăng lên. Vì thế tuy rất vất vả để chạy theo các quy định mà A.M.P.A.S. cứ thay đổi xoành xoạch, các nước trên thế giới vẫn hăng hái kiên trì theo đuổi hạng mục này.

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm