Viết tiếp vụ poster phim “Cánh đồng bất tận”: Nhầm địa chỉ

30/11/2010 11:21 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Vụ lùm xùm về poster phim Cánh đồng bất tận giữa nhiếp ảnh gia Đặng Minh Tùng (người chụp hình hiện trường) với Công ty BHD, nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan, có thể nói ngắn gọn: “nhầm địa chỉ”.

>> Chuyên đề: Hiện tượng Cánh đồng bất tận

Đầu tiên, vụ việc (chỉ tính trên mặt báo và internet) cho thấy Đặng Minh Tùng thắc mắc hình trong các poster treo nơi công cộng do mình chụp sao lại đề tên Trần Huy Hoan? Từ thắc mắc này dẫn đến chuyện dư luận kết tội Trần Huy Hoan “đạo ảnh”. Và Trần Huy Hoan lên tiếng trả lời là mình không có liên quan gì đến các poster mà Đặng Minh Tùng đề cập, vì những poster do anh thiết kế chưa thấy nhà sản xuất sử dụng ở công cộng. Đây là cái “nhầm” đầu tiên của Đặng Minh Tùng cũng như một bộ phận dư luận.

Đặng Minh Tùng (và cả Trần Huy Hoan) cũng nhầm Công ty BHD là nhà sản xuất của bộ phim, nên sự vụ lại liên can “mật thiết” tới BHD, trong khi nhà sản xuất là Hãng phim Việt. Đây là cái nhầm một địa chỉ nữa của Đặng Minh Tùng và do sơ ý, Trần Huy Hoan cũng “chỉ điểm nhầm” cho Đặng Minh Tùng. 

Đáng lý Đặng Minh Tùng phải hỏi Trần Huy Hoan và xem lại hợp đồng trước khi đưa sự việc ra công luận và Trần Huy Hoan cũng phải xác định xem nên đề cập đến BHD hay Hãng phim Việt trên công luận. Trong vụ việc này, cả hai nhiếp ảnh gia đã “quy gộp” BHD (nhà phát hành) và Hãng phim Việt (nhà sản xuất) thành một.

Trong thông cáo báo chí (TCBC) chính thức đề ngày 29/11/2010, Công ty BHD chỉ nói ngắn gọn: “Công ty BHD là công ty phát hành bộ phim Cánh đồng bất tận do Hãng phim Việt sản xuất. Toàn bộ poster cũng như các tư liệu quảng bá của bộ phim là do Hãng phim Việt cung cấp cho Công ty BHD. Và hợp đồng ký làm nhiếp ảnh hiện trường của ông Đặng Minh Tùng là ký với Hãng phim Việt. Vì vậy nếu ông Đặng Minh Tùng có bất cứ khúc mắc hay kiện tụng gì thì phải làm việc với Hãng phim Việt”.
 
“Poster phim được hiểu như bao bì sản phẩm…”


Poster phim Cánh đồng bất tận

Bộ phim Cánh đồng bất tận trong quá trình sản xuất có tên là Sông nước, đơn vị sản xuất là Hãng phim Việt. Cho nên, hợp đồng chụp hình hiện trường bộ phim Sông nước được ký giữa Hãng phim Việt với Đặng Minh Tùng; cũng được biết, người được ủy quyền ký hợp đồng này, cũng như nhiều hợp đồng liên quan đến việc sản xuất phim Sông nước là NSƯT Ngọc Hiệp. Đáng lý Đặng Minh Tùng phải bắt đầu vụ việc từ người đứng đại diện tư cách pháp nhân này.

Hợp đồng thời vụ giữa Hãng phim Việt với Đặng Minh Tùng ký ngày 23/11/2009, sau đó hãng phim này đã thanh toán thù lao đúng thỏa thuận. Trong TCBC cũng đề ngày 29/11/2010, Hãng phim Việt cho biết, theo hợp đồng: “Hãng phim Việt là chủ sở hữu và đăng ký bản quyền toàn bộ các bức ảnh và Đặng Minh Tùng không được phép lưu giữ các hình ảnh chụp ở hiện trường, phải đảm bảo bàn giao toàn bộ hình ảnh trong thẻ nhớ, ổ cứng cho hãng phim cũng như không được phát tán và lưu hành ra ngoài công chúng. Hãng phim Việt được toàn quyền sử dụng bộ hình ảnh mà Đặng Minh Tùng thực hiện tại hiện trường phim cho bất kỳ một mục đích nào của mình (trừ mục đích vi phạm pháp luật)”.

Tuy điều kiện như vậy, nhưng trong phần “credit”, tạm hiểu là phần thông tin về đoàn phim (kiểu lý lịch trích ngang) khi phim kết thúc, mục nhiếp ảnh vẫn đề tên Trần Huy Hoan và Đặng Minh Tùng.

Cũng theo TCBC của Hãng phim Việt, trong phần “Định nghĩa và thông lệ về poster phim và ảnh hiện trường của phim tại Việt Nam và trên toàn thế giới”, Hãng phim Việt “định nghĩa”: “Poster phim chỉ có ghi tên một số những thành phần chính tham gia đoàn phim với mục đích quảng cáo và theo thông lệ về poster phim trên thế giới cũng như tại Việt Nam, không có đưa thông tin về người chụp ảnh, người thiết kế, cũng như không đưa hết tên tuổi của những người tham gia đóng góp xây dựng bộ phim. Vì vậy hầu như không thể tìm thấy tên của bất cứ nhiếp ảnh, chụp ảnh poster thông thường hay nhà thiết kế thông thường của poster, trên thế giới và tại Việt Nam.

Dưới góc độ pháp lý, poster phim được hiểu như bao bì sản phẩm, nhãn hiệu và quảng cáo của hàng hóa và không cần ghi tên những người thực hiện poster là ai”.

“Ảnh hiện trường của phim là sáng tạo tập thể của đoàn phim”

Cũng tại TCBC của Hãng phim Việt, mục “Ảnh hiện trường của phim” được diễn giải theo Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan: “Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh hay tương tự như điện ảnh không được coi là tác phẩm nhiếp ảnh mà là một phần của tác phẩm điện ảnh đó”.

TCBC này phân tích thêm: “Ảnh hiện trường trong một bộ phim khác với một tác phẩm nhiếp ảnh thông thường vì: 1. Ảnh hiện trường mang thông tin về bộ phim và chỉ là hình ảnh tĩnh được ghi lại từ tác phẩm điện ảnh; 2. Sự sáng tạo của một bức ảnh hiện trường phim không phải là sự sáng tạo của riêng nhà nhiếp ảnh mà là sự sáng tạo của tập thể đoàn phim. Cụ thể hiện trường để chụp ảnh trong phim Cánh đồng bất tận là do đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, D.O.P. Nguyễn Tranh và phó đạo diễn Lý Thái Dũng lựa chọn và Hãng phim Việt ký hợp đồng thuê. Bối cảnh do họa sĩ Mã Phi Hải thiết kế và lên ý tưởng. Diễn viên cũng do Hãng phim Việt ký hợp đồng. Trang điểm và phục trang theo yêu cầu kịch bản và do các tổ phục trang và trang điểm thể hiện... Vì vậy những bức ảnh hiện trường phim Cánh đồng bất tận là do sự sáng tạo của cả tập thể đoàn phim, chứ không phải là sự sáng tạo của cá nhân nhà nhiếp ảnh Đặng Minh Tùng.

Vì vậy nếu muốn ghi quyền nhân thân lên bức ảnh hiện trường phim thì phải ghi tên của cả tập thể đoàn phim chứ không phải chỉ của nhà nhiếp ảnh hiện trường. Và theo thông lệ quốc tế cũng như ở Việt Nam, các bức ảnh hiện trường phim không ghi tên nhà nhiếp ảnh mà chỉ ghi tên nguồn của đoàn phim hoặc ghi tên nhà sản xuất hoặc nhà phát hành”.

Qua hai TCBC được gửi đi vào chiều 29/11/2010, BHD và Hãng phim Việt cho thấy họ chọn giải pháp ôn hòa để kết thúc vụ việc. Tuy nhiên, ẩn bên trong, vẫn hé lộ cho thấy họ đã sẵn sàng việc kiện tụng, nếu có.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm