Khi người tình đến Việt Nam (phần 2)

04/11/2010 07:36 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Cho đến giờ, L’amant vẫn là bộ phim nước ngoài lớn nhất từng được thực hiện ở Việt Nam kể cả về quy mô lẫn tầm vóc. Đồng thời nó cũng đặt viên đá đầu tiên trong việc mở cửa chào đón những du khách nước ngoài đến đây sau chiến tranh.

Thế giới tâm linh

Do có rất ít phim tài liệu về Việt Nam thời thuộc địa, đạo diễn Annaud đã hết sức may mắn khi mời được nhà văn Sơn Nam giữ vai trò cố vấn lịch sử cho phim, người hỗ trợ đoàn phim để hạn chế tối đa những thiếu sót về văn hóa, giao tiếp của người Việt Nam lẫn Hoa kiều thời thuộc địa.

Trong suốt thời gian quay phim, mỗi sáng, nhà văn đều cầm nhang và vái lạy thần linh, nhất là vào ngày quay cảnh đám cưới. Ông lo rằng một chiếc thuyền có thể bị lật, và rằng Thần sông có thể cướp đi một mạng sống hoặc gây trắc trở cho việc quay phim… Điều này thật lạ lẫm với người phương Tây, và thú vị là những người Pháp, đặc biệt đạo diễn Annaud, đã rất tôn trọng tập tục này. Họ cũng khấn vái rất thành khẩn để cho mọi người thấy rằng, họ đã làm đúng mọi nguyên tắc. Trong suốt những ngày Người tình ở Việt Nam, hầu như không có một sự cố đáng tiếc nào xảy ra.

Nhà văn Sơn Nam thường nói với đạo diễn Annaud: “Hãy cố gắng để 50 năm sau, khi hậu thế muốn biết về mảnh đất Nam bộ giữa 2 cuộc chiến tranh, người ta sẽ tìm xem phim của ông”. Đạo diễn Annaud đã nhận xét về ông Sơn Nam: “Một nhà văn hiếm có của Việt Nam”.

Công phu để tái hiện lịch sử

Giá trị nghệ thuật của việc tái hiện lại lịch sử là sự kết hợp hài hòa giữa phục trang và bối cảnh. Chuyện phim xảy ra vào năm 1929 nên cần phải dựng lại tất cả, từ bối cảnh đến trang phục, từ diễn viên chính cho đến người nông dân đang làm ruộng.

Do không tìm được những mẫu in ở thập kỷ 1920, tổ chế tác phải tìm mọi cách để thực hiện khoảng 2.000 bộ trang phục từ quý tộc tới dân thường. Một xưởng phục trang nhỏ với khoảng 50 người làm việc được thành lập, ngoài ra một số xưởng may của Việt Nam còn được đề nghị làm giúp một loạt 300 - 600 bộ quân phục theo mẫu đoàn phim đưa ra. Sau đó còn phải thêu, nhuộm vải, rồi vẽ… Và những nhà làm phim Pháp đã rất ngạc nhiên trước tay nghề tinh xảo của người Việt Nam.

Đoàn phim còn lập một xưởng thiết kế và chế tác đạo cụ khổng lồ với khoảng 800 người làm việc, trong đó 90% là người Việt Nam – những người đã tạo được niềm tin cho tổ chế tác Pháp, dù đây là lần đầu tiên họ được tiếp xúc với kỹ thuật và yêu cầu gắt gao của một đoàn làm phim Phương Tây.


Cảnh quay gây tranh cãi trong phim

Những chuyện tàu xe khó tin

Khi đọc đến đoạn tả về chiếc phà trên sông Mê Kông, đạo diễn Annaud đã hình dung đến một khúc sông rất rộng kiểu Amazon ở Brazil, và ông biết rằng việc tái hiện đoạn văn này là rất khó. Trước đó ông đã cùng với đoàn tiền trạm "quần nát" các cửa sông Tiền và sông Hậu. Nhưng sự hùng vĩ của dòng Cửu Long khiến ông phải chùn bước vì sẽ rất tốn kém nếu quay ở đúng nơi được tả trong tiểu thuyết. Cuối cùng trước sự ngạc nhiên của nhiều người, ông quyết định quay ở... bến phà Cát Lái, cách TP.HCM khoảng 10km!

Một vấn đề khó khăn và mất thời gian khác là việc chế tạo chiếc phà thời xưa cách đây gần 100 năm. Nó phải vận hành được và có kích thước phù hợp để có thể “cõng” được chiếc xe đò chở khách và chiếc Limousine của chàng Hoa kiều. Khói tàu cũng là một khó khăn để hình ảnh trở nên xác thực hơn. Đó là thành quả lao động của 3 kỹ thuật viên luôn túc trực trong hầm tàu. Điều trở ngại nhất là không thể kiểm soát được thời tiết cũng như hướng gió. Nó thổi khói tàu đen kịt về phía camera và che mất chiếc phà. Đoàn phim phải đợi hàng giờ, có khi hàng ngày để gió thổi đúng hướng!

Đoàn phim tiêu tốn khá nhiều tiền cho chiếc Limousine bóng lộn của chàng trai Hoa kiều. Không tìm thấy một chiếc Limousine của năm 1929, vì hầu như trên thế giới không còn loại xe này. Thế là trong 6 tháng ròng rã, một chuyên gia hàng đầu về xe cổ đã đi đến cả chục nước, xem xét nhiều bãi rác xe, thăm tất cả các viện bảo tàng. Cuối cùng, ông ta đã thấy được chiếc xe cần tìm ở… Seattle (Mỹ). Nó thật tuyệt và gần như hoàn hảo! Chiếc xe quý giá đã được vận chuyển bằng máy bay đến Việt Nam. Tại đây một xưởng nhỏ được dành riêng cho chiếc xe với đầy đủ đội ngũ bảo trì và cắt riêng một người chuyên “săn sóc sắc đẹp” cho nó trong suốt thời gian quay phim. Mỗi khi quay phải có một chiếc xe tải “cõng” nó ra hiện trường. Tất cả phải hết sức cẩn thận vì không thể đào đâu ra chiếc xe thứ hai!

Phải công phu như vậy vì trong tiểu thuyết, bà Marguerite Duras đã dành những dòng chữ rất ấn tượng về chiếc xe này. Ngay cả những năm cuối đời, khi nhắc về “người tình”, bà vẫn thú nhận điều cuốn hút bà đầu tiên là chiếc xe – một chiếc xe màu đen rất đẹp, và tiếp theo là chiếc nhẫn kim cương anh ta đeo ở tay.

Tìm thấy một chiếc Limousine của năm 1929, làm ra một chiếc xe đò chở khách thập niên 1930, tạo được một chiếc phà cũ kỹ trên sông Mê Kông… Tất cả cũng chỉ rất nhỏ bên cạnh những gì chờ đợi bộ phim ở cảnh cuối, khi chiếc tàu thủy Alexandre Dumas vĩ đại thời đó, rời cảng Sài Gòn. Có thể nói việc tìm ra chiếc tàu thủy này chính là thử thách khó khăn nhất của đoàn làm phim, một kỳ công khi chiếc tàu thủy khổng lồ này chỉ xuất hiện có vài cảnh cuối.

Những trợ lý của Annaud phải đi lùng sục khắp thế giới để tìm con tàu theo những ảnh tư liệu. Từ Australia đến Nam Mỹ, Hy Lạp, Trung Hoa, Liên Xô… Họ đã xem đủ loại tàu thủy chở khách trên thế giới nhưng không hài lòng với chiếc nào. Cuối cùng một chiếc ưng ý được tìm thấy ở Bắc Âu, nhưng hiện nó đang… nằm dưới đáy băng giá! Chính quyền nước sở tại đã đồng ý trục vớt nó lên, nhưng khổ thay muốn gỡ bỏ hoàn toàn lớp băng bao quanh con tàu ra phải cần đến 2 năm. Trong lúc tưởng đâu tuyệt vọng thì may mắn thay một nhóm khác đã tìm được một chiếc tương tự từ đảo Síp, chỉ cần sửa sang lại là có thể dùng được. Trên đường về nó còn làm cả đoàn hết hồn vì máy tàu hỏng đột ngột khi đang ở kênh đào Suéz.

Tình dục trong phim – thật hay giả?

Nguyên tác L’amant kể lại một câu chuyện tình, nhưng đạo diễn Annaud lại âm thầm “qua mặt” tác giả Marguerite Duras, khi xoáy sâu vào khía cạnh tình dục của bộ phim – đặc biệt là mô tả sự lạ lẫm và đam mê nhục dục của cô gái trẻ mới bước vào đời. Phim chỉ dài chưa đến 2 giờ, nhưng tổng cộng các cảnh quay tình dục chiếm đến 1/5 thời lượng. Điều gây choáng cho khán giả là những cảnh quay này rất trực diện và trần trụi như thật.

Sài Gòn là nơi đầu tiên trên thế giới có vinh dự được đón chào buổi chiếu ra mắt đầu tiên của bộ phim vào cuối năm 1991, do đích thân đạo diễn Jean Jacques Annaud mang sang giới thiệu. Rạp Rex sang trọng (nay là khách sạn Rex) đầy ắp khán giả đã gần như “nghẹt thở” trước những cảnh tình dục “vượt quá sức tưởng tượng” của mọi người.

Cảm giác đó cũng xảy ra trên khắp thế giới – những nơi bộ phim đặt chân đến. Có nhiều nguồn dư luận trái chiều, nhưng đa số là phản đối – nhất là các fan của tác phẩm văn học. Tất nhiên người phản đối kịch liệt nhất chính là tác giả Marguerite Duras, dẫn đến một cuộc “bút chiến” dữ dội giữa bà và các nhà làm phim trên khắp các mặt báo Paris. Càng ầm ĩ, bộ phim càng… thắng to!

Chủ đề gây “sốt” trong dư luận là những cảnh quay cực sốc ấy là thật hay giả? Jane March phủ nhận rằng cô và Lương Gia Huy làm tình thật: “Tôi chưa bao giờ quan hệ tình dục với anh ta, kể cả trong lẫn ngoài phim trường!”.Nhưng đạo diễn và các nhà sản xuất khi quảng bá cho bộ phim lại cứ ỡm ờ, khiến báo chí tiếng Anh chuyên về sex, đã loan tin đồn ấy trên trang nhất trong suốt nhiều ngày.

Cuộc sống của March và gia đình khổ sở tới nỗi cô đổ bệnh và suy sụp tinh thần, phải sang đảo Seychelles để trốn tránh búa rìu dư luận. Mãi về sau, khi bộ phim đã hoàn thành sứ mệnh phát hành, đạo diễn Annaud mới phát biểu khẳng định sex trong phim không phải là thật, “Lúc đầu, tôi đã rất khoái chí khi mọi người tin sex trong phim là thật…Dĩ nhiên, họ đã không quan hệ tình dục thật.”

Thật ra tất cả những cảnh làm tình đều được thực hiện một cách bí mật tại trường quay ở Paris với sự biên đạo cẩn thận và các diễn viên đóng thế. Góc máy và kỹ thuật cắt dựng siêu việt khiến người xem có cảm giác Jane March và Lương Gia Huy đã làm thật, nhưng nó đã được ngụy trang khéo léo. Người “tung hê” tất cả chuyện này chính là Cécile Fleury – cô gái đóng thế cho Jane March trong một số cảnh khỏa thân và những cảnh “bạo” nhất của bộ phim. Mặc cho hãng sản xuất Renn Productions biện hộ rằng Cécile Fleury chỉ là stand-in (đứng thế cho diễn viên chính để đo sáng và quay những cảnh xa). Nhưng “bí mật” đã được “bật mí”!

Giờ đây, L’amant luôn ở “đầu bảng” trong danh sách bầu chọn những bộ phim tình dục táo bạo nhất trong lịch sử điện ảnh.

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm