Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Điện ảnh Việt Nam chưa thể làm được phim lịch sử!

23/09/2010 06:48 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - “Yếu tố Trung Hoa quá rõ” trong bối cảnh, phục trang của bộ phim truyền hình 19 tập Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (ĐTTTL) khiến bộ phim lẽ ra được khởi chiếu từ tháng Chín này trước thềm Đại lễ, nay phải hoãn chiếu để sửa chữa theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim quốc gia. Đây cũng là chủ đề đang nóng trên nhiều diễn đàn của những người quan tâm tới các dự án phim lịch sử Việt Nam. Xung quanh chủ đề này, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, cố vấn lịch sử văn hóa cho phim ĐTTTL, đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và tâm huyết với TT&VH Cuối tuần.

* Ông từng nói: ông chỉ là cố vấn của bộ phim ĐTTT L nên ý kiến của ông không có ý nghĩa quyết định. Xin ông nói rõ hơn về điều này?

- Tôi được mời làm cố vấn lịch sử văn hóa cho bộ phim ĐTTTL của hãng phim Trường Thành trong vòng hai tháng, từ 13/12/2009 đến 13/2/2010. Tất nhiên, vai trò cố vấn chỉ có tính chất tham khảo, không có tính chất quyết định.

Hiện nay, bộ phim theo tôi biết đã xong và có nhiều ý kiến, nhất là phía khán giả trong nước, mà chủ yếu là ý kiến chê trách các hình ảnh văn hóa không được rõ hình ảnh Việt Nam và bị “Trung Quốc hóa”. Là người tham gia vào bộ phim, nếu bộ phim thành công, tôi chúc mừng đoàn làm phim và bộ phim chưa thành công, tôi cũng nhận lỗi về những việc mình làm chưa tốt.


Một cảnh đánh trận với áo giáp "đặc Trung Hoa"
* Theo ông thì vì sao bộ phim lại chọn phương thức “Trung Quốc hóa” từ biên kịch, đạo diễn, bối cảnh, trang phục đến diễn viên quần chúng? Với vai trò cố vấn, ông có tiếng nói gì khi bộ phim được tiến hành không?

- Trước đây, ngay từ năm 2005, tôi được Xưởng phim Truyện Việt Nam mời làm cố vấn văn hóa cho bộ phim Lý Công Uẩn (bộ phim không được dựng nên công việc đình lại). Tuy nhiên trước đó, đoàn làm phim cũng sang Trung Quốc tìm bối cảnh, trang phục, đạo cụ, trường quay và sau này cả phim về Trần Thủ Độ cũng thế.

Vấn đề này nói lên chúng ta thiếu điều kiện làm phim lịch sử: trường quay, phục trang, phương thức làm phim lịch sử nên xu hướng cộng tác với Trung Quốc là một hiện thực bấy giờ, không chỉ riêng hãng Trường Thành.

Trước khi sang Trung Quốc, tôi tham khảo ý kiến họa sĩ Lương Xuân Đoàn là có đi hay không. Ông Đoàn nói: Không đi thì phim vẫn quay, nên vẫn đi để xem giữ được hình ảnh văn hóa Việt Nam trong phim hay không? Và chúng tôi đã rất khó để giữ hình ảnh Việt Nam khi làm ở Trung Quốc như vậy.

Thực ra, bộ phim được hãng Trường Thành làm: diễn viên Việt Nam, đạo diễn Trung Quốc, thiết kế trang phục là cô Đoàn Thị Tình, nhưng may trang phục lại ở xưởng may Trung Quốc, diễn viên quần chúng Trung Quốc, bối cảnh là trường quay Hoành Điếm và vùng lân cận. Ban đầu, phía Trung Quốc (đạo diễn và họa sĩ thiết kế) mời chúng tôi đi chọn bối cảnh, đạo cụ… và họ không có can thiệp vào việc đó mà chỉ giúp sao cho mình chọn được đúng ý. Nhưng vấn đề ta ở đất Trung Quốc chọn những gì của Việt Nam là rất khó. Phần lớn chúng tôi chọn kiến trúc và đạo cụ phong cách Tần - Hán, có tính thô phác, nhưng trên thực tế quy mô vẫn đồ sộ, xa lạ với ta và không làm thế nào khác được.

Về phục trang được thiết kế ở Việt Nam nhưng những người thiết kế căn cứ vào tài liệu cha ông để lại. Nhưng tài liệu cha ông ta lại sao chép quy chế về trang phục của Trung Quốc, cho nên khi người thợ Trung Quốc may, họ bảo rằng cái gốc này của Trung Quốc thì tốt nhất cứ làm theo như cũ. Có rất nhiều bộ trang phục may như truyền thống của họ và họ không chịu thay đổi. Tất nhiên có một số trang phục may đúng yêu cầu của ta. Nhưng nếu may đúng như Trung Quốc thì mặc được, diễn được, may như ta thiết kế vừa khó mặc, vừa khó diễn vì người thiết kế không hiểu kết cấu của trang phục xưa, đặc biệt là áo giáp. Người ta thiết kế áo giáp sai, mặc xộc xệch và có thể làm thương diễn viên (cái này tôi sẽ trình bày trong một nghiên cứu sâu hơn). Ở đây, tôi suy nghĩ vấn đề: tại sao cha ông ta cố gắng học tập Trung Quốc mà vẫn làm ra phong cách Việt Nam, còn chúng ta bây giờ muốn tránh xa ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc mà làm ra cái gì cũng giống Trung Quốc?


Nhân vật Lý Công Uẩn lúc nhỏ
* Thời gian qua, một loạt bộ phim lịch sử Việt Nam ra đời đều vướng vào vấn đề phục trang, bối cảnh góp phần tạo nên “sự giả” trong phim, ĐTTTL cũng không tránh khỏi, ông có thể giải thích về điều này?

- Người đạo diễn Trung Quốc chủ yếu chỉ huy về diễn xuất. Còn các khâu phục trang, đạo cụ, bối cảnh, hóa trang, họ giao phó gần như tuyệt đối cho các bộ phận chuyên môn và họ gần như không can thiệp. Các bộ phận chuyên môn lại có tiếng nói độc lập và có quyền nhất định đối với bộ phim. Ví dụ, thợ may Trung Quốc có một hội đồng riêng và hội đồng quyết định như thế nào thì người may phải theo họ chứ không làm theo người đặt hàng. Làm không đúng với trang phục truyền thống, họ từ chối vì họ cho rằng đó là xuyên tạc lịch sử. Nếu không, anh phải thiết kế hoàn toàn mới. Quan niệm của người làm phim Trung Quốc là phim thị trường, phim lịch sử cổ trang không phải nhấn mạnh lịch sử mà phải nâng lên trên mức nghệ thuật để hấp dẫn người xem miễn là nội dung lịch sử không thay đổi cho nên quần áo phải đẹp, đầu tóc nhiều kiểu, phim phải có tình yêu, võ thuật ly kỳ, họ không chấp nhận việc làm một bộ phim kỷ niệm chiếu xong rồi cất đi. Quan điểm này trùng với một công ty điện ảnh tư nhân ở ta.

Một vấn đề nữa, khí hậu Trung Quốc rất lạnh, cuối năm 2009, đầu năm 2010, nhiệt độ tụt xuống 0 độ, ăn mặc sơ sài nhiều diễn viên ốm, và thực tế nhiều diễn viên đã ốm. (Dường như diễn ở bất kỳ đâu, cũng không thể thuyết phục được diễn viên Việt Nam cởi trần đóng khối bôi răng đen). Lúc đầu, chúng tôi cũng thảo luận có bôi răng đen hay không, bên Trung Quốc bảo có hóa chất để làm nhưng phần đông bên ta lại không đồng ý.

* Ông từng nói, “làm phim lịch sử thì sự thật chỉ chiếm 60 - 70%, còn lại là hư cấu”, nhưng hư cấu không có nghĩa là “sạn” trong phim?

- Ở Trung Quốc, lịch sử được ghi chép chi tiết, chính xác, văn hóa các thời kỳ để lại đầy đủ, sách để nghiên cứu cũng phong phú. Tôi thấy, mỗi một bộ phận phục vụ cho việc làm phim đều có sách nghiên cứu riêng, sách về áo giáp, quan chế, võ thuật, hóa trang… người đạo diễn chỉ việc tra ra và trên cơ sở đó họ làm. Còn chúng ta thì tay không.

Khâu nghiên cứu văn hóa truyền thống của ta không có một quyển sách nào cho các nhà làm phim cả. Tôi ví dụ trong phim có một màn múa, chúng tôi không biết đưa ra lối múa nào của Việt Nam vào đời Lý. Trong chạm khắc đời Lý, có hình ảnh những vũ nữ Chàm tấu nhạc và múa, những vũ nữ này chỉ đeo trang sức. Nếu dựng điệu múa đó lên thì những người trong nước chắc chắn sẽ kêu và thực tế không làm được. Còn những tư liệu phía đoàn làm phim mang theo là vài điệu múa của cung đình nhà Nguyễn.

Tất cả điều này cho thấy hiện nay điện ảnh Việt Nam chưa thể làm được phim lịch sử. Cứ mong ước để làm bằng được, hoặc sẽ rất sơ sài, hoặc phải chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Cho nên tôi nghĩ rằng bộ phim này đúng là một bài học để thấy rằng chúng ta về lâu dài cần chuẩn bị cho tương lai trường quay, phục trang, đạo cụ, ngựa chiến, áo giáp và sách công cụ. Còn nếu không làm được như vậy, đừng nói chuyện gì đến phim lịch sử cả.

* Vậy ông có thể giải thích thêm về vấn đề ông từng nêu, “Làm phim lịch sử cổ trang chứ không phải làm phim lịch sử hiện thực”?

- Có thể nói điện ảnh là một nghệ thuật, còn phim tư liệu thì phải khác, nó có xu hướng đi theo khảo cổ học. Đã là nghệ thuật thì phải có sáng tạo, ngay cả những bộ phim lịch sử tốt nhất trên thế giới cũng không đảm bảo được 100% giống như thực tế lịch sử. Trong một bộ phim lịch sử, đạt được 60 - 70% hiện thực lịch sử là nhiều.

Ví dụ như bộ phim Nàng Dea Jang Geum của Hàn Quốc thành công vì tạo ra được tinh thần văn hóa người Hàn Quốc chứ phim đó chỉ có ba loại trang phục: của vua, của quan, của dân và giống nhau. Chúng ta nên đi theo xu hướng này, vừa tiết kiệm tiền và trọng tâm là tinh thần văn hóa chứ không phải là các chi tiết lịch sử văn hóa.

* Hiện tại trang phục và bối cảnh của ĐTTTL đang bị yêu cầu làm lại, theo ông, cách giải quyết tốt nhất là gì?

- Tôi nghĩ rằng nên dũng cảm chấp nhận sự thật để xây dựng hình ảnh văn hóa Việt Nam cho chân xác hơn.

* Xin cảm ơn ông!
Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm