"Người con của Rồng" trình làng

14/09/2010 08:45 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Trong khi các dự án phim về đề tài 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đều đang cố gắng “chạy hết tốc lực” vì ngày đại lễ đã cận kề, thì bộ phim hoạt hình thực hiện bằng công nghệ 3D: “Người con của Rồng” của Hãng phim Hội Điện ảnh trở thành tác phẩm đầu tiên trong loạt dự án này “cán đích”.

Phim ra mắt chiều qua (13/9) và sẽ được chiếu miễn phí trong ngày khánh thành rạp Kim Đồng (17/9 tới).

Dự án Người con của Rồng chính thức được thực hiện trong thời gian gần 2 năm với tổng kinh phí được UBND TP. Hà Nội đặt hàng là 6,7 tỷ đồng.


Cảnh trong phim Người con của Rồng
Để thực hiện Người con của Rồng, các họa sĩ đã phải tạo hình 30 nhân vật chính, phụ, thiết kế 20 bối cảnh lớn và hơn 800 cảnh diễn. Người con của Rồng kể về tuổi thơ của Tiểu Lý (tức Lý Công Uẩn). Theo lời bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, GĐ Hãng phim Hội Điện ảnh, kịch bản phim của tác giả Đoàn Triệu Long (Đà Nẵng) đã được chính bà Ngát chỉnh sửa, bổ sung từ các chất liệu dã sử, giai thoại dân gian... Những người làm phim đã khéo léo kể một câu chuyện khá hấp dẫn khán giả nhỏ tuổi. Tiểu Lý ra đời giống như câu chuyện về nòi giống Tiên, Rồng của dân tộc Việt và lớn lên dưới bàn tay nuôi nấng của thiền sư Vạn Hạnh. Bên cạnh đức ham học, Tiểu Lý cũng là cậu bé tinh nghịch với những trò chơi con trẻ. Sự xuất hiện của những nhân vật được “nhân cách hóa” thú vị, như: hai ông Hộ Pháp, các chú khỉ con... khiến bộ phim khá sinh động và hấp dẫn.

Nếu đúng như “kịch bản” ban đầu về những bộ phim 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì Người con của Rồng sẽ kể về tuổi thơ của Lý Công Uẩn, còn phim Thái tổ Lý Công Uẩn (bộ phim đã được đặt hàng Hãng phim Truyện VN và sau đó là “giãn tiến độ” vô thời hạn) thì nối tiếp liền mạch với câu chuyện về quãng thời gian trưởng thành của Lý Công Uẩn theo vua Lê Hoàn và sau đó lên ngôi vua, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long... Nhưng vì dự án phim truyện nhựa đứt gánh giữa đường, Người con của Rồng đã “ôm” thêm phần Lý Công Uẩn lên ngôi và dời đô. Chỉ một cái gạch đầu dòng, phim đã thêm hàng chục cảnh diễn, khiến đoàn phim suýt không kịp hoàn thành đúng thời hạn...

Đạo diễn Minh Trí cho biết, với thông lệ ở các nền điện ảnh như Mỹ, Nhật Bản, một bộ phim hoạt hình thời lượng 90 phút thực hiện bằng công nghệ 3D phải “ngốn” 3 - 4 năm. Số kinh phí cho những dự án như vậy cũng thường xấp xỉ cả triệu USD. Chính Hãng phim Hội Điện ảnh đã từng có những chuyến thực tế tới Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... tìm kiếm đối tác sản xuất. Đối tác ngoại có thể đảm bảo một bộ phim hoạt hình chất lượng cao, nhưng giá thành thì khiến các nhà làm phim trong nước... choáng! Vì thế, Hãng phim Hội Điện ảnh đành “ta về ta tắm ao ta”, nhưng đến giờ, như chia sẻ của bà Hồng Ngát, Hãng đã có thể bàn giao cho chủ đầu tư bộ phim hoàn toàn “thuần Việt”.

Thu Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm