Xem Tây làm phim hoạt hình ta: Ngạc nhiên chưa?

12/07/2010 07:45 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Khán giả sau khi xem xong hai bộ phim hoạt hình, trong đó có một phim về Việt Nam là Xin chào ông chủ Mei Ling trong chương trình chiếu phim của nhóm Mê Phim gồm các thành viên là những bạn trẻ yêu phim ngắn tại TP.HCM, diễn ra tại quán cà phê nghệ thuật Himiko hôm 1/7 vừa qua, đều không khỏi bị ấn tượng đến ngạc nhiên khi biết tác giả của hai phim ấy là một cặp vợ chồng người Pháp.

Ngạc nhiên

François tốt nghiệp chuyên ngành phim hoạt hình tại trường Gobelins, Stephanie tốt nghiệp chuyên ngành thời trang, trường Ensaama, hiện đang làm giám đốc nghệ thuật cho một số tạp chí và ấn bản tại Pháp. Tình yêu với phim hoạt hình đã đưa Stephanie và François lại gần với nhau và đám cưới được tổ chức cách đây hơn một năm. Xin chào ông chủ được thực hiện trên cơ sở cả hai có chung niềm đam mê dịch chuyển và một tình yêu lớn với Việt Nam. Từ năm 2002 đến nay, Stephanie và François đã 10 lần tới Việt Nam. Đôi bạn Pháp cho hay, lúc mới tới họ chưa có ý định làm phim về Việt Nam. Sau này, qua nhiều lần tới và sống tại đây, họ bắt đầu yêu và muốn làm phim để chia sẻ với bạn bè những hình ảnh về đất nước này. Thời điểm bắt tay vào làm phim, cả Stephanie và François đều mới 24 tuổi, và mới chỉ tới Việt Nam hai lần nên vốn hiểu biết về văn hóa, cuộc sống, con người nơi đây chưa nhiều; phần lớn phim được thực hiện dựa vào cảm giác và trí tưởng tượng, cộng thêm những gì tìm hiểu được thông qua bạn bè. Xem Xin chào ông chủ, khán giả sẽ ngạc nhiên lẫn bất ngờ khi nhận ra một cuộc sống rất Sài Gòn, rất Việt Nam diễn ra trên màn ảnh.


Một cảnh trong phim Xin chào ông chủ
Ý tưởng làm Xin chào ông chủ được khơi gợi từ hình ảnh một người đạp xích lô và một cậu bé câu cá. Những ngày cận kề rằm tháng Bảy, cậu bé Hải vô tư chạy nhảy trên đồng, bằng cách cột những con chuồn chuồn vào dây, cậu đã bắt được một con chim. Trong khi đó, bố cậu lại tất tả ngược xuôi với chiếc xích lô trong cuộc sống mưu sinh. Ông có một nhiệm vụ là ngày ngày chở chú cá vàng trong túi nước đi dạo quanh thành phố theo yêu cầu của một ông chủ già huyền bí. Vào đêm rằm tháng Bảy, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, hai bố con cậu đem cá vàng phóng sinh xuống một dòng sông... Phim là những lát cắt chân thực về cuộc sống Sài Gòn, ở đó có những hình ảnh đầy sinh động: cánh đồng, con chuồn chuồn ớt, tiếng người cười nói ở khu Chợ Lớn, tiếng ồn ào phố xá của Sài Gòn...

Thêm một ngạc nhiên khi xem Xin chào ông chủ là ngoài ca khúc Sài Gòn đẹp lắm vang lên rộn ràng thì khán giả còn được đắm mình trong điệu dân ca quan họ Người ơi người ở đừng về hết sức bay bổng và da diết. Theo François, anh đã phải nghe hết tất cả giai điệu để chọn ra 70 bài trong tổng số 2.000 bài hát được chọn. Với sự giúp đỡ của Lê Đình Hoàng Hà, hiện đang là du học sinh tại Pháp, giải nghĩa lời từng bài, từ đó anh mới lựa chọn được hai bài hát nói trên đưa vào phim. Không có độ chênh nào khi sử dụng một bài hát truyền thống vào trong một bộ phim hoạt hình hiện đại, thậm chí, cái da diết của Người ơi người ở đừng về càng tăng thêm sự quyến luyến bịn rịn lúc cậu bé Hải thả con cá vàng xuống sông.

François cho biết, thời gian để thực hiện cho 15 phút bộ phim hoạt hình Xin chào ông chủ là một năm rưỡi và kinh phí là 70.000 Euro (khoảng 1,7 tỷ đồng). Đến nay, Xin chào ông chủ đã được chọn dự thi ở hơn 45 LHP khắp thế giới và với những thành tích đáng kể: giải đặc biệt LHP hoạt họa quốc tế Seoul (Hàn Quốc) tháng 5/2006, Phim hay nhất LHP Ecological – Bourges (Pháp) tháng 10/2006, Giải thưởng lớn và Giải Emile Raynaud LHP hoạt hình quốc gia – Auch (Pháp) tháng 4/2007…

Và hơn cả ngạc nhiên...

Xin chào ông chủ Mei Ling ra mắt khán giả Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2006 tại Viện trao đổi văn hóa Pháp ở TP.HCM (IDECAF) và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace). Bộ phim là tổng hợp của các kỹ thuật vẽ, nhiếp ảnh, video… Tất cả những khâu liên quan đều do Stephanie và François cùng một cộng sự là Amandr Sun – sinh viên mỹ thuật thực hiện.

Lâu nay ở Việt Nam, phim hoạt hình vẫn được mặc định là món ăn của thiếu nhi. Và khi xem Xin chào ông chủ hay Mei Ling, chắc chắn người xem không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng. Vì cho đến nay, đã hơn 50 năm tính từ ngày bộ phim hoạt hình đầu tiên Đáng đời thằng cáo được ra đời (1959) thì phim hoạt hình của ta vẫn còn thua Tây quá xa! Vẫn biết sự so sánh nào cũng là khập khiễng nhưng trông người lại ngẫm đến ta, có muốn không tủi thân cũng không được! Chưa có một cuộc điều tra nào xem thử thiếu nhi đã “phát ngán” với món ăn của mình hay chưa nhưng tình trạng loay hoay của phim hoạt hình Việt Nam cũng khiến nhiều người e ngại. Hơn 50 năm – quãng thời gian có thể khiến một người già đi nhưng phim hoạt hình của ta thì vẫn trẻ. Hầu như trong một thời gian khá dài, khi nhắc tới phim hoạt hình Việt Nam, khán giả luôn nghĩ tới những câu chuyện cổ tích, đồng thoại hay những câu chuyện mô phỏng lịch sử… mà hiếm thấy những bộ phim hoạt hình nào đáp ứng đúng khẩu vị của các em.

Xem hai bộ phim của Stephanie và François, quan niệm phim hoạt hình chỉ dành cho thiếu nhi đã không còn đúng nữa. Thực tế trên thế giới, cụ thể ở đây là hai bộ phim của Stephanie và François, đã chứng minh một điều: phim hoạt hình vẫn có thể là món ăn dành cho cả người lớn. Ngoài Xin chào ông chủ, bộ phim Mei Ling với bối cảnh ở Hong Kong là câu chuyện giữa con bạch tuộc và cô gái trẻ trong một căn hộ sang trọng. Trong lúc người bạn trai không quan tâm thì con bạch tuộc lại giúp cô thoát khỏi sự buồn chán. Mei Ling được chọn dự thi ở hơn 80 LHP thế giới, mang về cho Stephanie và François khá nhiều giải thưởng quan trọng.

Sau buổi chiếu phim tại TP.HCM, Stephanie và François lại tiếp tục rong ruổi tới Hội An, Đà Nẵng, Huế rồi dừng chân tại Hà Nội. Tại đây, đôi bạn Pháp sẽ thực hiện một bộ phim hoạt hình thứ ba về những cậu bé từ nông thôn lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề chơi nhạc. François cho biết, Xin chào ông chủ là bộ phim đề cập tới văn hóa còn bộ phim tới đây sẽ đề cập tới xã hội, về những con người có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Tạm thời, phim sẽ được đặt tên là Sông Hồng.

Huy Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm