Bài 3 & hết: Ngoảnh lại và hướng tới

26/05/2010 07:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - LHP Cannes 2010 đã khác xa LHP Cannes của thập niên “B.B”. BB-Brigitte Bardot, cái tên tượng trưng cho một thời đẹp đẽ nhất của điện ảnh Pháp và cũng tượng trưng cho một thời Cannes nồng nàn, đoàn kết và ấm áp nhất. Từ Cannes 2010 nhớ về Cannes những năm xưa không đơn giản là một hoài niệm.

Ngoảnh lại

Đã xa rồi, cái thời mà những gương mặt điện ảnh xuất chúng, với sơ-mi hay váy đầm đơn giản, không kính râm, không cận vệ, lang thang tản bộ trên đại lộ La Croisette… Thời đó là thế. Những người am tường thường nhắc lại câu nói: “Hãy đến đây vào thời điểm 25 năm về trước thì rõ!”. Mấy mươi năm sau mà nhắc lại chuyện cũ này hẳn sẽ không làm cho những ai thật sự yêu thích và ngưỡng mộ LHP Cannes phật ý, bởi chính họ có lẽ cũng khó mà tận hưởng lại được không khí của Cannes thời BB. Bởi ngày hội điện ảnh lớn nhất hành tinh này giờ đây thoắt ẩn hiện sau những hàng rào chắn, được bảo vệ bằng một đội an ninh gân guốc, lấp lánh những huy hiệu. Ngày nay, Cannes đã tạo nên hình ảnh của một kỳ “hội chợ” hơn là một “ngày hội”. Irène Bolling, lúc đó đang là đặc phái viên của tạp chí Paris Match, nhớ lại: “Rất đơn giản, lúc 5 giờ chiều, khi mọi người đã kết thúc công việc, chúng tôi kéo tay diễn viên Kirk Douglas ra chơi ném bi sắt ngay trước đại lộ La Croisette”.

Phóng viên Nicole Cornuz - Langlois làm việc cho kênh truyền hình France 2 cũng chưa thể quên được cái thời mà nhà sản xuất phim Maurice Tinchant, một người rất vui tính, tổ chức họp báo ngoài trời, ngay trong sân vườn. Khi đó, tiền không tuôn chảy ồ ạt, nhưng tiếng cười thì vang khắp nơi. Các diễn viên, đạo diễn, cánh báo chí, những người hâm mộ và cả những kẻ hiếu kỳ đều đến để rồi sau đó tự tay ngẫu hứng nên những chiếc bếp lò trên mặt cỏ cho bữa tiệc tối. Một BB bước xuống từ chiếc xe Citroën 2CV để đi ăn trưa với diễn viên Jacques Charrier tại nhà hàng La Maison des Pêcheurs, mà giờ đây đã được thay thế bằng một khách sạn sang trọng. Thời đó, người ta có thể gặp gỡ bất cứ ai và tại bất cứ địa điểm nào.

Còn ngày nay, tất cả đều kín như bưng. Người ta chỉ có thể mục kích các ngôi sao qua lớp cửa kính đen của những chiếc limousine chạy tọt đến tận chân cầu thang và cũng chẳng ai buồn nhoẻn miệng cười. Rồi khi các buổi lễ kết thúc, cũng chính những chiếc xe hơi đó nhanh chóng rẽ đám đông rồi mất hút sau những cánh cổng biệt thự sang trọng. Ngày nay, theo phóng viên Anne de Gasperi - một nhà bình luận và người yêu thích những ngày hội điện ảnh này từ hơn 30 năm nay - “LHP Cannes đã trở thành một sự kiện quá to tát, mặc dù việc khám phá ra một bộ phim mới luôn là niềm đam mê cháy bỏng của nhiều người mà chỉ có Cannes mới có thể mang lại. Nhưng tình hình kinh tế chung và việc chạy theo lợi nhuận đã giết chết giới phê bình”.

Trên thực tế, LHP Cannes đã ít nhiều trở nên biệt lập. Và thế là, vẫn còn đó những kỷ niệm về một thời hạnh phúc và say mê không thể chối cãi được của ngày xưa, khi ta đang dạo chơi trên đại lộ La Croisette rồi bất ngờ “chạm trán” diễn viên Burt Lancaster. Có một buổi phỏng vấn đạo diễn Luchino Visconti vào những năm của thập niên 1970 trong đó một phóng viên hỏi: “Ông nghĩ sao về đời sống xã hội?”. Vẫn điềm tĩnh, đạo diễn Visconti trả lời bằng một câu “hỏi lại” bất hủ: “Vậy anh thấy đời sống xã hội ở đâu?”

Thảo Nguyên (lược dịch từ Le Figaro)

Và hướng tới


Từ 10 năm nay, nhà kinh doanh điện ảnh Grégory Gajos làm việc cho hãng phát hành phim Ad Vitam, luôn có mặt tại LHP Cannes để tháp tùng các nhà làm phim và tìm cho mình những nguồn phim mới. Bài viết dưới đây của Gajos do báo Libération (Pháp) “đặt hàng” cho chúng ta thấy một phần sôi động khác diễn ra bên ngoài sân khấu chính thức của Cannes, nhưng chính nó lại là nguồn nuôi dưỡng cho sức sống của LHP này.

Tối 12 khai mạc chính thức LHP Cannes, nhưng ngay từ sáng, những nhà kinh doanh điện ảnh đã đến để săn lùng những bộ phim cho mùa LHP năm sau.

Tôi viết ra đây những chi tiết khá trần trụi và “khó nuốt”, khi biết rằng những bộ phim được chọn cho LHP Cannes lần thứ 63 này đã được chúng tôi xem xong hết từ khá lâu rồi! Chính vì thế mà năm nào vợ tôi cũng hỏi tôi đến Cannes để làm gì. Nhưng chắc quý vị cũng đã có câu trả lời rồi chứ? Tôi đến là để thương lượng mua các bộ phim cho LHP Cannes lần thứ 64 vào năm sau!

Quả thật vậy, bạn hãy luôn nhớ điều này, các nhà điện ảnh lớn luôn chi phối các LHP. Do đó, các tác phẩm tương lai của họ sẽ nhanh chóng được các nhà phát hành phim ghi nhận, và thậm chí họ còn đặt mua chúng ngay khi còn là kịch bản, hoặc đôi khi họ ngã giá trực tiếp bằng ngay tên của đạo diễn: “Ông bán Hou Hsiao Hsien (Hầu Hiếu Hiền, đạo diễn, nhà làm phim Đài Loan) à? Giá bao nhiêu? 400.000 USD à? OK, phim này chắc sẽ giành được Cành cọ vàng thôi!”.

Lý do thứ hai mà tôi đến đây là một bộ phim nào được chọn từ Cannes luôn đắt tiền. Bởi phải có nơi ăn ở cho cả đoàn phim, thường là rất đông, phải tổ chức ăn uống, tiệc tùng, phải đặt làm áp-phích quảng cáo, và in các tài liệu dành cho báo chí, phải thuê mướn các nhân viên phụ trách truyền thông biết tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác. Do đó, một hãng sản xuất phim sẽ rất hạnh phúc khi một trong số các bộ phim của họ được chọn, và còn hạnh phúc hơn khi được một nhà phát hành nào đó mua, vì như vậy tổng chi phí trang trải sẽ giảm đi đáng kể.

Thế là, trong suốt thời gian diễn ra LHP Cannes, tôi sẽ đi gặp các hãng phim để nghe giới thiệu về những bộ phim sắp tới của họ. Như sáng nay, có buổi ra mắt của hãng sản xuất phim Focus Features của Mỹ được tổ chức tại khách sạn Carlton. Trong vòng 30 phút, chúng tôi đã được xem họ quảng cáo. Phần quảng cáo này là đoạn trích của một bộ phim chưa làm xong phần hậu kỳ. Lúc đó chúng tôi chưa nắm bắt hết bộ phim, nhưng với con mắt nhà nghề, chúng tôi sẽ nhận ra ngay là tác phẩm điện ảnh đó hay, hay dở và có ăn khách hay không. Chúng tôi đã xem vài trích đoạn từ bộ phim sắp tới của đạo diễn Anton Corbijn người Hà Lan có tên The American, với diễn viên Georges Clooney; đạo diễn Sofia Coppola với bộ phim Somewhere, và phim của đạo diễn Cary Fukunaga - Sin Nombre - với diễn viên Michael Fassbender, và nhiều phim khác nữa. Mà quý vị có tin không, đó sẽ là những bộ phim dành cho LHP Cannes 2011 đấy!

Sau phần quảng cáo là bữa tiệc nhẹ mà tôi đã “tận dụng” được gấp đôi! Vì sao à? 9h30? Thật là quá quắt! Tôi đâu có thời gian để dự tiệc nên tôi đã nhanh chân “chuồn” ra khỏi cửa, cuỗm theo một chiếc cốc nhỏ giấu trong túi áo veste để làm kỷ niệm, bổ sung cho bộ sưu tập cá nhân của mình! Tôi thừa biết rằng mỗi một bộ phim được quảng cáo như vậy có giá tối thiểu phải đến triệu USD, khá đắt đối với hãng Ad Vitam của chúng tôi, thế nên tôi đã quyết chí là khi đã đến rồi thì sẽ không “về tay không”!

Thế là, suốt cả ngày trước khai mạc LHP Cannes, là một chuỗi những cuộc gặp gỡ với những hãng phim có những cái tên rất kêu như Match Factory hay Protagonist Pictures. Tôi đã lắng nghe họ quảng cáo những bộ phim sắp ra đời, tôi đã xem những trích đoạn và tôi cũng đã luôn từ giã họ bằng câu: I’ll read the script and I’ll get back to you (Tôi sẽ đọc kịch bản rồi  và tôi sẽ quay lại sau), rồi ra về, tay ôm những chồng tài liệu và brochure dày cộm, nặng gần cả kí-lô.

Tối khai mạc chính thức của LHP Cannes lần thứ 63 trình chiếu bộ phim Robin Hood với diễn viên Russel Crowe. Và hẳn đã không ai nói với người diễn viên người New Zealand này rằng: Robin Hood thật sự, chính là nhà sản xuất phim, diễn viên diễn viên gạo cội Sean Connery đấy thôi. Kinh thật!

Mạnh Hùng (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm