Vĩ Thanh Oscar 2010

14/03/2010 08:17 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Trước khi bước vào khán phòng Kodak, Avatar mang theo kỳ vọng của khán giả năm châu - những người góp phần mang lại kỳ tích hơn 2,5 tỷ USD cho bộ phim. Nhưng thực chất, những người trong cuộc cũng đã biết trước họ không thể thắng The Hurt Locker.

>> Chuyên đề Oscar lần thứ 82

Oscar ư? Không có chỗ cho phim giả tưởng!


Những giải “Tiền” Oscar gần như đã dự báo chắc chắn điều đó. Đặc biệt với 2 giải cực kỳ quan trọng của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ và Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ, Kathryn Bigelow và The Hurt Locker nắm chắc 90% lên ngôi ở giải Oscar. Còn James Cameron và Avatar chỉ còn biết trông mong vào bất ngờ giờ chót vẫn thường hay xảy ra.


Một cảnh trong phim The Hurt Locker
Trong lịch sử, chưa có bộ phim giả tưởng nào được giải Oscar thừa nhận, đó thật sự là một điều đáng tiếc. Trước đây tầm cỡ như 2001: A Space Odyssey (1968) của Stanley Kubrick và Star Wars (1977) của George Lucas là 2 kiệt tác đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới điện ảnh, thế mà vẫn bị Viện Hàn lâm gạt ra ngoài lề. Huống hồ Avatar xét về tầm vóc vẫn còn kém xa 2 kiệt tác trên.

Không ai phủ nhận Avatar là một kỳ quan hoàn hảo về mặt thị giác. Nhưng điều đó có được là hoàn toàn nhờ vào công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Có chăng là chỉ nghiêng mình bái phục trí tưởng tượng siêu việt của đạo diễn James Cameron, chứ thông điệp và nội dung của Avatar quá lộ liễu và mang đầy màu sắc thương mại, khó mà thích hợp với tiêu chí nghệ thuật hàng đầu của giải Oscar.

Giả thiết “khác” về nguyên nhân thất bại của Avatar

Theo số liệu mới nhất từ hãng truyền hình ABC, buổi lễ Oscar năm nay đã thu hút tới 41,3 triệu người xem - lập một kỷ lục mới trong 5 năm trở lại đây - để đạt được con số đó, phần lớn là nhờ sự có mặt của Avatar trong danh sách đề cử. So với 9 ứng cử viên còn lại, chỉ có Avatar được sự hậu thuẫn tinh thần rất lớn từ hàng triệu khán giả, nhưng họ lại không có quyền bỏ phiếu!

Còn một nguyên nhân nhạy cảm khác không thể không đề cập tới, có thể gọi đó là sự đố kỵ hay gọi một cách khác là “Hội chứng James Cameron”!

Năm 1997, khi Titanic thâu tóm 11 giải Oscar và hàng tỷ USD tiền vé, James Cameron đã không nén nổi sự sung sướng để hét lớn trên sân khấu Oscar “Ta là vua của thế giới!”. Thật ra đó chỉ là lập lại một câu thoại nổi tiếng của anh chàng Jack trong Titanic, nhưng đối với hầu hết cử tọa và đồng nghiệp trong giới điện ảnh, tất cả đều xem đó là cử chỉ ngạo mạn không thể tha thứ!

Kể từ đó về sau, không hiểu vô tình hay cố ý, không hiểu Viện Hàn lâm có mời hay không… nhưng chẳng bao giờ thấy bóng của James Cameron trong các buổi lễ trao giải Oscar nào nữa!

Tái xuất giang hồ sau 13 năm vắng bóng, James Cameron lại tiếp tục khuấy đảo hành tinh này bằng siêu phẩm Avatar. Hàng loạt kỳ tích doanh thu đã được thiết lập… Avatar hùng dũng chuẩn bị cuộc chinh phục giải Oscar với 9 đề cử và trên 2,5 tỷ USD tiền vé! Nhưng thật trớ trêu là đối thủ số 1 của Avatar và James Cameron là The Hurt Locker và Kathryn Bigelow - người vợ cũ của James Cameron - kém ông về mọi mặt: quyền lực, tiếng tăm, tiền tài, danh vọng…

Mọi người không quên một sự kiện xảy ra trước ngày trao giải: Nhà sản xuất Nicolas Chartier của The Hurt Locker đã vi phạm nghiêm trọng điều lệ, khi vận động bỏ phiếu trái phép và bôi nhọ đối thủ. Lẽ ra với hành động ấy, The Hurt Locker có thể bị loại khỏi cụôc đua. Nhưng nếu điều đó xảy ra, đâu còn phim nào là đối thủ của Avatar! (vả lại thật tâm James Cameron và Avatar cũng đâu muốn thắng theo kiểu này!). Viện Hàn lâm đã có lý và tỉnh táo khi chỉ trừng phạt riêng cá nhân của Nicolas Chartier, khiến cuộc chơi công bằng và hấp dẫn cho đến phút cuối cùng!


Kathryn Bigelow và nụ cười chiến thắng với chồng cũ -James Cameron
Trong khán phòng Kodak, nếu ai tinh ý một chút sẽ thấy, tuy là một ứng cử viên quan trọng, nhưng James Cameron lại bị bố trí ngồi ở đầu hàng thứ 6, còn Kathryn Bigelow thì được xếp ngồi ở đầu hàng thứ 5 (với Titanic năm 1997, James Cameron được xếp ngồi ở đầu hàng thứ 3). Ở những hạng mục khác, đoàn The Hurt Locker cũng được bố trí ngồi ở những vị trí thuận lợi hơn của đoàn Avatar!

Đến khi bà Barbra Streisand tiến ra sân khấu để trao giải đạo diễn - lần đầu tiên trong lịch sử một nữ đạo diễn được cử làm người giới thiệu giải thưởng quan trọng này - phong bì chưa mở, kết quả chưa đọc, nhưng ai cũng hiểu Kathryn Bigelow sẽ thắng người chồng cũ của mình.

Trên đây chỉ là một giả thiết được đưa ra sau những gì đã xem đã nghe và đã thấy! Đó có thể là một chút lập luận an ủi cho những ai đã hết mình ủng hộ Avatar cho đến phút cuối cùng. Nhưng dù có thế nào đi nữa, kết quả giải Oscar 2010 càng lúc càng cho thấy giá trị thực sự của nó. Bất chấp những áp lực từ người hâm mộ, hay từ con số khủng khiếp 2,5 tỷ USD, những hội viên của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ đã không làm hoen ố bức tượng vàng danh giá.

Giải Oscar không phải là cuộc chơi dành cho một nhóm người “yếu bóng vía”, mà là sân chơi công bằng của 6.000 thành viên có quyền bỏ phiếu để chọn ra những giá trị đích thực. Họ xứng đáng với điểm 10 và những tràng pháo tay ca ngợi của người hâm mộ điện ảnh toàn cầu!

… And the Time Has Come!

“… Và thời khắc đã đến!”. Câu nói của nhà làm phim danh tiếng Barbra Streisand trước khi đọc tên người thắng giải đạo diễn là Kathryn Bigelow đã chính thức mở ra một chương mới trong lịch sử Oscar! Một sự sắp đặt quả là ngọt ngào khi chiến thắng đến đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3!

Đạo diễn điện ảnh không phải là nghề thích hợp với phụ nữ. Đa phần các đạo diễn nữ do đặc thù về giới tính nên phim của họ thường nhẹ nhàng và ít đột biến, chủ yếu hướng đến các nhân vật trung tâm là phụ nữ. Đó cũng là một trong những nguyên do chính khiến cơ hội dành cho họ vừa thiếu lại vừa hiếm. Nhưng có lẽ Kathryn là một khác biệt hiếm hoi trong thế giới điện ảnh.

Ngoài đời bà là một phụ nữ mảnh mai và có chút ít nhan sắc, khác với hình dung và quan niệm về đạo diễn nữ thường thô kệch và dung nhan khiêm tốn. Nhưng thật ngạc nhiên là phim của Kathryn lại khá mạnh mẽ, hầu hết là phim hành động với nhân vật trung tâm là nam giới.

So với các đồng nghiệp nữ khác, Kathryn may mắn hơn nhiều khi được làm việc với nhiều diễn viên nổi tiếng, và là đạo diễn nữ duy nhất được làm phim với kinh phí “bom tấn” 100 triệu USD là K 19: The Widowmaker. Nhưng bộ phim này thất bại thảm hại suýt nữa làm tiêu tan sự nghiệp của bà.

Kathryn đã phải ẩn dật suốt 6 năm trước khi đến với The Hurt Locker - Một bộ phim độc lập với kinh phí thấp, nhưng rốt cuộc nó lại mang đến cho bà vinh quang lớn nhất trong đời ở tuổi 58.

Người ta sẽ còn nhắc mãi về chiến thắng này của Kathryn Bigelow và The Hurt Locker - một chiến thắng được ví như điển tích chàng David bé nhỏ đả bại gã khổng lồ Goliath trong Kinh Thánh. Tượng vàng Oscar dành cho The Hurt Locker là một đoạn kết có hậu, một niềm khích lệ lớn lao cho bất cứ ai đang ấp ủ thực hiện cuộc hành trình vươn tới những giấc mơ có thật!

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm