Chơi vơi sẽ... “thách thức” khán giả

10/11/2009 15:06 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Ngày 13/11 bộ phim Chơi vơi (KB: Phan Đăng Di, ĐD: Bùi Thạc Chuyên) sẽ chính thức ra rạp tại Việt Nam, sau khi đã chu du nhiều nơi trên thế giới và mang về giải Fipresci của Hiệp hội Phê bình Điện ảnh Quốc tế, tại LHP Venice 2009. Tuy nhiên, từ buổi chiếu ra mắt báo chí (1/11), đã có những ý kiến cho rằng kiểu phim tác giả này khi ra rạp bán vé, chắc chẳng mấy người đến xem (!?).

Chơi vơi - nối tiếp một cách làm phim

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, phim này dễ làm cho giới chuyên môn gợi nhớ về Mùa hè chiều thẳng đứng (À La Verticale De L’été) của Trần Anh Hùng thực hiện năm 2000. Một kiểu tác phẩm đi vào lát cắt thời gian và tâm lý, thường rất mờ nhạt, mỏng, hoặc thoáng qua của nhân vật, khiến người xem “không kịp nắm” về câu chuyện muốn kể. Sự mơ hồ về kết cục, về tâm lý... là những cảm giác thường đến với phần đông khán giả, nhất là khi xem các phim của điện ảnh Pháp, Ý, Nhật.


Mở rộng hơn một chút, kiểu phim này là một tiếp nối về cách làm phim nhấn vào xúc cảm của những tên tuổi lớn hồi nửa đầu thế kỷ 20 như Giovanni Verga, Alessandro Blasetti, Yasujiro Ozu, Jean Renoir, Roberto Rossellini, Manoel de Oliveira, Luchino Visconti... Đặc biệt là quan niệm tân hiện thực (neorealism) trong điện ảnh Ý trước đây, với các tác phẩm như Roma, Città Aperta (Roberto Rossellini, 1945), Sciuscià (Vittorio De Sica, 1946), La Terra Trema (Luchino Visconti, 1948), Bitter Rice (Giuseppe De Santis, 1949), La Strada (Federico Fellini, 1954)... Các nhà tân hiện thực thường nhấn mạnh vào cảm xúc hơn là những ý tưởng trừu tượng, ưu tiên chọn các diễn viên quần chúng hoặc ít tiếng tăm... thể hiện các vai chính. Chơi vơi thì không chọn diễn viên quần chúng vào vai chính, mà là Đỗ Hải Yến, Phạm Linh Đan... nhưng câu chuyện thì lại hết sức “tuân thủ” cảm xúc của nhân vật, dường như không thấy “dấu vết” của ý tưởng, biên kịch, đạo diễn.

Trong buổi họp báo hôm 1/11, Bùi Thạc Chuyên nói đi nói lại mấy lần đại ý rằng anh muốn có cái nhìn khách quan về nhân vật, hết sức tôn trọng nhân vật, nên không muốn điều khiển họ theo ý mình. Anh cũng nói thay cả đoàn phim rằng, khi phim đóng máy, xong hậu kỳ và sau khi công chiếu, mọi người trong đoàn dường như cũng không muốn phán quyết rằng nhân vật rồi sẽ đi đâu, vì họ có quyền sống và theo cảm xúc của riêng mình. Đoàn phim chỉ muốn dõi theo cảm xúc của nhân vật mà thôi; và câu chuyện của họ có cái gì đó như không toại nguyện, không thỏa mãn và u buồn...

Sẽ thách thức khán giả

Bùi Thạc Chuyên nói rằng mình cùng Phan Đăng Di viết đi viết lại kịch bản này khoảng 13 lần trong nhiều năm, vậy mà cũng chưa biết cảm xúc của nhân vật rồi sẽ đi đâu hay kết thúc thế nào? Nên đây là thách thức đầu tiên với khán giả, khi họ chỉ có khoảng 2 giờ để xem phim, trong khi rất thiếu thông tin về chuyện “bến núc” của việc làm phim.

Thách thức tiếp theo là ở cách kể chuyện, cái gì cũng tiết chế đến mức tối đa, nên câu chuyện luôn giữ được thế chơi vơi, mơ hồ. Nếu xét về ý đồ của đạo diễn, thì khá thành công; nhưng người xem phổ thông sẽ “rất tức” vì có quá nhiều thắc mắc hay những câu hỏi không được trả lời. Suốt cả phim, nó như một lát cắt mỏng của đời sống, không có gì là rõ ràng cả; nhân vật, câu chuyện chẳng tuân theo luật nhân quả gì cả, cứ tự nhiên xảy ra như vậy. Cho nên người xem bình thường rất khó theo dõi, chẳng biết phải theo tuyến của câu chuyện nào, vì nó quá “kiệm lời”, quá mờ về đường dây.

Phim cũng thấp thoáng kể cho người xem về lý do ngoại tình của một cô vợ trẻ mới lấy chồng (Đỗ Hải Yến thủ vai); về mối tình đồng tính của cô với một nữ văn sĩ (Phạm Linh Đan thủ vai); về cái chết vì ghen tuông, thất vọng trong tình ái; về những cảm xúc hiện sinh bị bẻ gãy do sự bề bộn của đời sống... Tất cả những câu hỏi lớn này được dồn vào trong những thước phim “nhỏ và gọn”, được kể với thủ pháp tối giản (minimalism), người xem bị thách thức và cảm thấy nặng nề là đương nhiên.

Cũng cần nói thêm, nhiều phim của điện ảnh thế giới trước đây, khi đoạt giải Fipresci, thì cũng thường kén khán giả giải trí, vì hiệp hội này có tiêu chí đề cao phong cách riêng và sự thể nghiệm của đạo diễn. Giải Fipresci thường chỉ “được lòng” các nhà chuyên môn, các tạp chí chuyên ngành điện ảnh và khán giả khó tính ở châu Âu, nơi nhiều phim được ca ngợi hết lời, nhưng khi ra rạp, rất ít người mua vé vào xem.

Trong buổi họp báo, Bùi Thạc Chuyên nói rằng ai làm phim thì cũng nghĩ đến khán giả của mình, vấn đề là khán giả số đông hay số ít mà thôi. Xem xong phim và nghe các trao đổi trực tiếp với đoàn phim, có vẻ như đạo diễn này muốn hướng đến khán giả số ít (?); và tất nhiên, đây cũng là thách thức với số đông khán giả, khi đa phần chỉ thích mua vé vào xem phim để giải trí.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm