Phục chế Đông Tà Tây Độc để tưởng nhớ Trương Quốc Vinh

16/04/2009 16:24 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Khi được hỏi tại sao lại phục chế Đông Tà Tây Độc, đạo diễn Hong Kong Vương Gia Vệ nói rằng ông làm như vậy để tưởng nhớ Trương Quốc Vinh. Vai diễn Âu Dương Phong trong Đông Tà Tây Độc đã đưa Trương Quốc Vinh lên nấc thang mới trong sự nghiệp điện ảnh. Bản phim phục chế đang có mặt tại nhiều rạp chiếu ở châu Á, 15 năm sau khi bộ phim gốc ra mắt và 6 năm sau ngày mất của Trương Quốc Vinh.

Về danh nghĩa, Đông Tà Tây Độc là sự tái hiện cuốn Anh hùng xạ điêu của Kim Dung trên màn bạc. Nhưng thực tế, những gì Vương Gia Vệ giữ lại chỉ là tên tuổi và thân thế của các nhân vật. Đông Tà Tây Độc là một câu chuyện không bao giờ cũ mà đạo diễn Vương Gia Vệ đã kể lại bằng hình ảnh cách nay 15 năm và giờ đây kể lại một lần nữa qua phiên bản phục chế, sau 9 bộ phim với những câu chuyện của quá khứ, hoài niệm và nỗi khắc khoải.

Câu chuyện xảy ra khi Hoàng Dược Sư (Lương Gia Huy) chưa là Đông Tà, Âu Dương Phong (Trương Quốc Vinh) chưa thành Tây Độc, Hồng Thất Công (Trương Học Hữu) vẫn còn đủ mười ngón tay và Độc Cô Cầu Bại (Lâm Thanh Hà) chưa nổi danh khắp giang hồ. Lấy Âu Dương Phong làm trung tâm, câu chuyện xoay quanh những tao ngộ của gã môi giới sát thủ ở vùng quan ngoại này với những con người khác nhau tìm tới gã: khách hàng có, bằng hữu có và sát thủ làm thuê cũng có. Mỗi cuộc gặp gỡ lại khơi dậy một chút quá khứ đã ngủ yên trong lòng Âu Dương Phong, thôi thúc nhân vật này trở lại Bạch Đà sơn, để rồi trở thành bá chủ võ lâm một miền Tây Vực.

Mặc dù rất xa rời nguyên tác của Kim Dung nhưng có những giây phút Đông Tà Tây Độc lại mang đến cho người xem cảm giác dường như bộ phim này mới phản ánh đúng con người thật của Âu Dương Phong và Hoàng Dược Sư. Vương Gia Vệ có lẽ cũng là người mê những câu chuyện kiếm hiệp, theo cách của ông, bởi thế đã hiểu và diễn dịch lại nó qua góc nhìn riêng.

Cốt truyện của Đông Tà Tây Độc bản phục chế hầu như không thay đổi so với bản gốc 1994, ngoại trừ một số cảnh giao đấu đã được cắt bỏ. Lần này, câu chuyện được kể lại qua góc máy đẹp đến ngỡ ngàng của Christopher Doyle. Tên tuổi tay máy người Anh đã gắn liền với Vương qua rất nhiều tác phẩm, nhưng có lẽ Đông Tà Tây Độc là dịp để cả hai thả sức tung hoành với những thể nghiệm của mình: Vương phá bỏ mọi hạn chế của chuyển thể kịch bản và tạo ra một cốt truyện hoàn toàn mới, ước lệ và mơ hồ tới mức dường như lỏng lẻo; còn Doyle phô diễn các góc quay cận cảnh, cách bài trí ánh sáng đầy biến ảo, với những khung hình chỉ có thể miêu tả bằng hai chữ “thấm đẫm” sắc màu. Sự phá cách không hạn chế của cả kịch bản và người quay phim chính là lý do khiến Đông Tà Tây Độc “khó xem” với đa số khán giả khi nó ra đời năm 1994.

Nếu những thay đổi về hình ảnh của bản phục chế so với bản gốc dừng lại ở chỗ màu sắc nồng hơn, đậm hơn, lấy sắc vàng sa mạc làm chủ đạo, khiến cảnh vật đôi khi như tranh hơn là phim (!), thì phần nhạc đã thay đổi gần như hoàn toàn. Phần nhạc cũ chủ yếu là nhạc điện tử, mang lại một âm hưởng lạ lẫm rất “tiên phong”, đặc biệt phù hợp với không gian nặng tính biểu tượng của phim. Bản phim phục chế sử dụng một số giai điệu cũ, song được Ngô Đồng phối lại cho dàn nhạc giao hưởng, kết hợp với nhiều đoạn solo của Yo-Yo Ma.

Tuy nhiên, với một kết cấu và phong cách kiểu Đông Tà Tây Độc thì có lẽ ngoại trừ Trương Quốc Vinh, nhân vật chính và đồng thời là người dẫn chuyện, các diễn viên khác không có đất để thể hiện nhiều. Dĩ nhiên không thể phủ nhận Lâm Thanh Hà là lựa chọn chính xác nhất cho Mộ Dung Yên, bởi ngoài cô ra khó ai có thể đóng một vai “phản xuyến” (nữ cải nam trang) ngọt ngào và tà dị đến thế. Cái phong lưu của Lương Gia Huy, nét nội tâm ở Lương Triều Vỹ và gương mặt hài hước nơi Trương Học Hữu rất hợp với vai diễn của họ, nhưng cũng vì thế mà không đòi hỏi cả ba phải nỗ lực quá nhiều để đóng tròn vai. Về Dương Thái Ni và Lưu Gia Linh, ngoài cảm giác thú vị khi được nhìn lại gương mặt hai mỹ nhân của điện ảnh Hong Kong ở thời hoàng kim thì không có gì nhiều hơn để nói.
Nham Hoa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm