Phùng Tiểu Cương: Giấc mơ có thật của điện ảnh châu Á

25/03/2009 15:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Họ là 3 đạo diễn quyền lực nhất của điện ảnh Trung Quốc đương đại: Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca và Phùng Tiểu Cương. Nhưng nếu như phim của cặp Trương - Trần thường đi đường vòng chinh phục những khán giả phương Tây trước khi quay về chính quốc và luôn là đối tượng của các giải thưởng điện ảnh danh giá, thì phim do họ Phùng đạo diễn là một hình ảnh hoàn toàn ngược lại.

Phùng Tiểu Cương ít được biết đến ở phương Tây và khá vô duyên với các giải thưởng. Tờ China Daily từng mô tả rằng, ở Trung Quốc, mọi người kính trọng Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca như những bậc thầy, nhưng nói đến Phùng Tiểu Cương thì ai nấy đều cười xòa và xem ông như một người hàng xóm tốt bụng luôn sẵn sàng tiếp bạn tại nhà với những chiếc bánh bao được dọn sẵn trên bàn!

 Phùng Tiểu Cương

Tuy vậy, Phùng Tiểu Cương lại là cái tên thèm muốn của bất cứ nhà sản xuất phim nào ở đất nước tỷ dân này: Các tác phẩm điện ảnh của ông thường nêu kỷ lục mới về doanh thu tại thị trường nội địa. Từ năm 1997 đến 1999, tên ông luôn nằm trong top những đạo diễn có phim ăn khách nhất Trung Quốc. Trong ba năm, từ 2001 đến 2003, theo đánh giá của một công ty nghiên cứu thị trường Trung Quốc, phim của đạo diễn họ Phùng kiếm tiền nhiều nhất ở Đại lục.
 
Năm 2006, thử thách với bộ phim cổ trang đầu tiên, Dạ yến, đã thu về 19,7 triệu USD dù có bị các nhà phê bình chê tơi tả. Bộ phim mới nhất của Phùng Tiểu Cương- Phi thành vật nhiễu (tựa tiếng Anh: If You Are The One; tựa tiếng Việt trong các bản DVD được dịch như tên một ca khúc: Nếu em là người tình) - cũng rất ăn khách tại Trung Quốc. Sau 19 ngày công chiếu, Phi thành vật nhiễu đạt hơn 310 triệu NDT (khoảng 45 triệu USD) doanh thu từ phòng vé. “Người hùng chân đất”, “người đàn ông có bộ mặt cười” Phùng Tiểu Cương là một hình ảnh có thật của giấc mơ điện ảnh châu Á, thay vì mơ đến Hollywood.

Tuổi trẻ khốn khó và con nợ làm phim

Thoạt nhìn “dung nhan” của Phùng Tiểu Cương, khó ai tin ông là một đạo diễn điện ảnh, và lại còn rất nổi tiếng. Vào vai thủ lĩnh băng đảng Búa Rìu trong Kung Fu Hustle của đạo diễn Châu Tinh Trì (trớ trêu là chính phim này đã “hốt” gần trọn các giải thưởng quan trọng tại LHP Kim Mã 2005, nơi Thiên hạ vô tặc của Phùng Tiểu Cương “đại bại”, thậm chí ông còn không có tên trong danh sách đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất) có lẽ... hợp với “dung nhan” rất đỗi bình dân của ông hơn. Cũng như vậy, chẳng ai nghĩ chàng trai xấu xí họ Phùng lớn lên ở chốn “bình dân”, thay vì trong phim trường như Trần Khải Ca (có cha là đạo diễn), và cũng không có cơ may được tham gia làm phim sớm như Trương Nghệ Mưu (năm 1982, Trương tốt nghiệp khoa Quay phim Học viện Điện ảnh Bắc Kinh thì chỉ một năm sau đã đảm nhiệm vị trí quay phim cho Một người và tám người của đạo diễn Trương Quân Chiêu) lại có thể thành một “quyền lực” trong ngành điện ảnh Đại lục như ngày nay.
 
Cảnh trong phim Phi thành vật nhiễu

Sinh năm 1958 tại Bắc Kinh, Phùng Tiểu Cương yêu thích hội họa khi còn ngồi trên ghế nhà trường, song hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến giấc mơ theo học đại học mỹ thuật của ông tan vỡ. Thay vì vào trường, ông gia nhập quân đội. Để được tiếp tục với giấc mơ hội họa, suốt 8 năm trong quân ngũ, ông xin làm thiết kế sân khấu cho những buổi biểu diễn văn nghệ, bằng kỹ thuật vẽ sơn dầu tự học của mình. Đây cũng là thời gian anh lính văn nghệ có cơ hội được xem những bộ phim do Liên Xô (cũ), Mỹ, Nhật sản xuất. Sau khi giải ngũ, có thời gian Phùng Tiểu Cương đi làm xuất khẩu... gạo, nhưng rồi ông quyết định trở lại với nghề thiết kế sân khấu trong một nhóm kịch truyền hình. Công việc này tạo cơ hội đưa ông đến Trung tâm nghệ thuật truyền hình Bắc Kinh, nơi Phùng Tiểu Cương bắt đầu những ngày sống với thế giới phim ảnh của mình.

Quãng thời gian không dài làm việc tại đây, được tiếp xúc, trao đổi với ê-kíp làm phim truyền hình đã mang lại cho ông rất nhiều kinh nghiệm. Thường mở đầu câu chuyện bằng một chuyện hài, sau đó, say sưa nói, tranh luận về bộ phim vừa xem hay cuốn sách vừa đọc - Phùng hồi ấy là như thế. Liu Sha, một trong những nhà sản xuất phim truyền hình kỳ cựu ở Bắc Kinh và là người bạn suốt hơn 20 năm qua của Phùng Tiểu Cương, nhớ lại: “Anh ấy ham học, rất thông minh, làm việc chăm chỉ và không bao giờ ngại thử thách. Ở đây có nhiều người làm thiết kế và bây giờ vẫn làm công việc này, nhưng hãy nhìn anh ấy thử xem”.

Cuộc đời Phùng Tiểu Cương bất ngờ rẽ sang ngả khác khi một lần, kịch bản của đoàn làm phim bị mất. Ông đã viết lại bằng trí nhớ của mình. Và khi đạo diễn quá mệt, Phùng Tiểu Cương ngỏ ý muốn làm thay và đã được chấp nhận. Ông đã hoàn tất phần giữa và đoạn kết phim một cách hoàn hảo. Và thế là nghề thiết kế ở đoàn làm phim không giữ chân ông được lâu nữa. Năm 1994, Phùng Tiểu Cương bắt tay vào viết kịch bản và sau đó tự vay tiền ngân hàng để thực hiện bộ phim đầu tiên của mình.

“Ngay từ khi bắt tay vào làm phim, tôi đã phải vay nợ. Điều đó tạo cho tôi một sức ép rất lớn tại các phòng vé, vì nếu không thành công, tôi sẽ phải... vào tù”, Phùng Tiểu Cương thổ lộ, “Nhiều người nói rằng Phùng Tiểu Cương quan tâm đến thị trường nhiều hơn giá trị nghệ thuật, nhưng họ không biết sức ép mà tôi đã chịu đựng trong những ngày đầu tiên khó khăn như thế nào”.

Vinh quang ngoài rạp, cuộc chiến trên báo

“Khi quyết định bước chân vào ngành công nghiệp điện ảnh, tôi biết khán giả muốn xem cái gì”, đạo diễn họ Phùng tự tin, “Hãy tưởng tượng mình là khán giả và tự hỏi xem ta muốn gì”.
Cát Ưu, vai nam chính trong phim If you are the one là một trong
những diễn viên "ruột" của đạo diễn Phùng
 
Nguyên tắc “đặt mình vào vị trí khán giả” ấy nhà làm phim nào cũng biết, nhưng thành công thì chẳng được mấy người. “Bởi vì nhiều đạo diễn thích giành giải thưởng hơn là khán giả. Nếu nghĩ về giải thưởng trước khi làm phim thì anh sẽ ở quá xa khán giả”, Phùng Tiểu Cương lý giải cho sự thành công tại phòng vé nhưng thất bại ở các giải thưởng của mình.
 
Với Dạ yến, khi chuyển “tông” từ sở trường phim hài đời thường sang phim cổ trang, mang phong cách cổ điển, đến mức khó nhận ra dấu ấn tác giả, trả lời câu hỏi liệu ông có quên những khán giả trung thành của mình hay không, Phùng nói cứng: “Tôi không làm mất đi sự thích thú của khán giả. Dạ yến nằm trong số những bộ phim có doanh thu cao nhất của tôi. Nếu phim này tệ, sao nó lại thu được nhiều tiền như vậy?”. Lý luận ấy của Phùng Tiểu Cương đã không nhận được nhiều sự ủng hộ, đặc biệt từ báo giới Trung Quốc, thậm chí đã có những lúc hai bên cùng công kích nhau.

Sau Dạ yến, Phùng Tiểu Cương còn có cuộc thử thách thứ hai với bộ phim về đề tài chiến tranh, Lệnh tập kết. Ông cũng đã nhận được khá nhiều lời cảnh báo khi thực hiện dự án “hoành tráng” tiêu tốn tới 80 triệu đô-la Hong Kong này, với kịch bản dựa trên một cuốn tiểu thuyết bán chạy do Lưu Hằng - nhà biên kịch của các phim Thu Cúc đi kiện, Cúc Đậu - chuyển thể. Công chiếu cuối năm 2007, doanh thu 206 triệu NDT của Lệnh tập kết tiếp tục củng cố cho Phùng Tiểu Cương quan điểm: “Giữa các nhà phê bình và khán giả, tôi quan tâm nhiều hơn đến khán giả bởi vì họ quyết định tôi sống sót hay là chết!”.

“Gay cấn” là vậy, nhưng có lẽ đến Phi thành vật nhiễu thì giới báo chí và khán giả đã không còn phải tranh cãi. Phùng Tiểu Cương đã trở lại cùng phong cách không thể lẫn với ai khác, với chất hài hước trong các tình huống giản dị đời thường và chan chứa những nỗi yêu thương rất con người. Và cả Cát Ưu, người gắn bó với hầu hết phim của đạo diễn họ Phùng, cũng trở lại trong một vai diễn tưng tửng mà khiến người xem rơi nước mắt.
 
Phạm Thị Thu Thủy (theo China Daily)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm