* Thưa nhà văn Trần Thùy Mai, cảm giác của chị như thế nào khi biết tin bộ phim Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn: Nguyễn Vinh Sơn, biên kịch: Châu Thổ, quay phim: Trinh Hoan) được giải Cánh diều bạc 2008?
- Tôi thấy vui, và tiếc. Vui, vì anh Vinh Sơn đã thực hiện đúng lời anh nói khi bắt đầu làm bộ phim này: “Không có ai dựng truyện của Mai thành phim hay hơn mình đâu”. Tiếc, vì con diều bay lên từ không gian Huế đã không bay thêm được một nấc nữa... (để đoạt Cánh diều Vàng – PV).
* Chị viết truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng trong hoàn cảnh nào? Và hình như truyện ngắn này cũng đã giúp chị dành được giải thưởng văn học?
- Tôi viết năm 2000 trong một giai đoạn rất buồn của đời tôi, lúc ấy tôi chỉ còn có niềm an ủi là viết. Thế là tôi nhìn ra quanh mình và viết lại chuyện đời của những người phụ nữ sống quanh tôi, trong không gian gần gũi của thành phố nơi tôi ở... Truyện ngắn này đã in trong tập truyện Quỷ trong trăng do NXB Trẻ ấn hành, được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 và giải Văn học Cố Đô năm 2005.
* Đến bây giờ, khi phim phim Trăng nơi đáy giếng đã “an bài” ở giải Cánh diều 2008, nhà văn Trần Thùy Mai vẫn chưa được xem phim. Thưa, chị hình dung bộ phim của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn sẽ như thế nào?
- Cho mãi đến khi tranh giải Cánh diều 2008 thì phim Trăng nơi đáy giếng mới được chiếu chính thức trong nước lần đầu, ở Hà Nội. Bạn bè ở Huế gặp tôi ai cũng hỏi, thấy phim quay xong lâu rồi, nghe nói được giải quốc tế nữa, phim chiếu ở đâu để đi xem? Tôi đa có lần nhờ anh Vinh Sơn gửi cho mấy đoạn phim để xem trước, nhưng vẫn chưa được. Anh Vinh Sơn có hẹn tháng ba này sẽ đem phim về chiếu, mong là lời hẹn không bị đẩy lùi lại vì nghe nói đã có thêm hai liên hoan phim Quốc tế mời, kiểu này lời hẹn với Huế dễ bị hoãn lại lắm...
Phim Trăng nơi đáy giếng
* Từ góc độ của tác giả truyện ngắn được chuyển thể thành phim, chị mong muốn bộ phim trung thành với truyện hay chờ đợi một sự bứt phá hơn với những chi tiết mới, mà thường là văn học không cần đến hoặc không thể làm được?
- Từ kinh nghiệm của hai phim đã ra đời trước đó là Gió thiên đường và Thập tự hoa, tôi biết chắc rằng phim dù thế nào cũng sẽ khác với truyện. Vì thế điều tôi trông chờ là phim hay, miễn hay là được, trung thành hay không với truyện gốc theo tôi không phải điều quan trọng. Truyện chỉ cung cấp hạt nhân về ý tưởng, trên nền hạt mầm đó nhà làm phim còn phải tốn rất nhiều công sức và tác phẩm làm ra tất nhiên phải mang đậm dấu ấn của họ.
* Được biết chị cũng đã tham gia viết nhiều kịch bản phim, tại sao chị không tự mình chuyển thể Trăng nơi đáy giếng? Và nếu tự mình chuyển thể kịch bản phim, chị sẽ trung thành với truyện ngắn bao nhiêu % và số phận các nhân vật sẽ có gì thay đổi?
- Trăng nơi đáy giếng được ký hợp đồng chuyển thể năm 2001 khi đó tôi chưa nghĩ gì đến việc viết kịch bản. Khi đó tôi thu mình ở một góc Huế và đang say viết truyện ngắn, hết truyện này đến truyện khác. Hơn nữa, nếu tôi viết kịch bản, chắc không thể thành công như nhà biên kịch Châu Thổ - một tác giả lúc đó đã có nhiều kinh nghiệm với thể loại này.
* Khi xem Trăng nơi đáy giếng về, có nhà báo đã viết trên báo TT&VH: “Điều đáng tiếc nhất của Trăng nơi đáy giếng, theo đánh giá của người viết, là mặc dù các tác giả khá trung thành với nguyên tác, bộ phim đã không làm đầy đặn thêm, mở rộng phát triển nội dung câu chuyện và nhân vật, nếu như không nói là còn hạn chế trí tưởng tượng của người xem, nhất là người đã được đọc tác phẩm gốc”. Và nhà báo ấy đã trích ý của một khán giả, bảo là “Về đọc truyện cho nhanh”. Dù chưa được xem phim, nhưng chị nghĩ sao về nhận xét ấy?
- Bạn chắc có nhớ truyện ngắn Trong hẻm núi của nhà văn Nhật Bản Akutagawa? Một câu chuyện xảy ra giữa ba người trong hẻm núi, mà khi ba người đó kể lại, lại thành ba câu chuyện rất khác nhau. Tôi, đạo diễn Vinh Sơn và đạo diễn Ái Như hình như cũng tương tự ba người trong hẻm núi đó... Mà đâu có sao, vì tác phẩm của ai người ấy ký tên và chịu trách nhiệm mà.
* Trăng nơi đáy giếng đã được đạo diễn Ái Như dàn dựng thành vở Hãy khóc đi em “sáng đèn” trên sân khấu Idecaf. Thưa nhà văn Trần Thùy Mai, chị thích câu chuyện “rất Huế” của mình trên sân khấu kịch hay trên phim?
Trăng nơi đáy giếng đã được đạo diễn Ái Như dàn dựng thành vở Hãy khóc đi em. |
- Qua trao đổi tôi thấy đạo diễn Ái Như và đạo diễn Vinh Sơn có quan niệm và cách triển khai câu chuyện rất khác nhau. Ái Như chủ yếu nhấn mạnh bi kịch của sự dối lừa và nỗi đau của lòng tốt bị hy sinh. Do phải tránh sự phiền toái trong khâu xét duyệt đối với sân khấu kịch, tránh bị hiểu lầm là đề cao “mê tín dị đoan” nên Ái Như đã giảm bớt toàn bộ phần liên quan đến đời sống tâm linh của nhân vật Hạnh. Đạo diễn Vinh Sơn thì trái lại, chú trọng rất nhiều đến phần tập tục, tín ngưỡng dân gian, khai thác nhiều nét văn hóa tinh thần truyền thống của người dân ở Huế, đồng thời giảm nhẹ bớt phần cảm xúc của câu chuyện mà anh cho là “mélodrame” (kịch tình cảm lãng mạn), trong khi Ái Như thì phát biểu thẳng thừng: “Mélodrame thì đã sao?” Nếu nói về chủ quan của riêng tôi, thì tôi ước có cả chiều sâu tâm linh của anh Sơn lẫn độ dồi dào cảm xúc của Ái Như. Như vậy là tôi tham lam quá chăng, dù sao tôi vẫn nghĩ sự cảm thụ của công chúng Việt Nam thiên về xu hướng duy cảm, nên người xem thường thích được chinh phục qua những rung động của trái tim.
Hoàng Thu Phố (thực hiện)