Họa sĩ Ngọc Mai: Nàng Kiều "thuần Việt" tranh lụa

15/09/2011 13:15 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Họa sĩ Ngọc Mai đã mất 12 năm để hoàn thành 28 bức tranh về Truyện Kiều và những bức tranh này vừa được xuất bản thành sách Tranh lụa Kiều (NXB Văn học). Kiều và các nhân vật trong danh tác của Nguyễn Du được nữ họa sĩ Ngọc Mai thể hiện rất “thuần Việt”.

Nàng Kiều của cụ Tiên Điền Nguyễn Du với tài sắc tuyệt trần đã làm say đắm nhiều thế hệ người Việt. Họa sĩ Ngọc Mai cũng say đắm nàng Kiều như triệu triệu người Việt khác. Năm nay tròn 60 tuổi, nhưng nữ họa sĩ này đã ấp ủ vẽ Truyện Kiều từ thuở thanh xuân.

12 năm thao thức cùng Kiều

Họa sĩ Ngọc Mai

Nàng Kiều mang thân phận nữ giới trong xã hội Á Đông khá tiêu biểu. Họa sĩ Ngọc Mai đã dùng màu sắc để thể hiện sự đồng cảm của mình với các biến cố trong đời Kiều. Bởi như họa sĩ tâm sự, bà góa chồng từ thuở đôi mươi, vẫn sống vậy đến bây giờ, một mình nuôi cậu con trai khôn lớn. Đức hy sinh của nàng Kiều làm họa sĩ cảm động, nên bà muốn chuyển tải những cảm xúc đó thành tranh.

Họa sĩ Ngọc Mai khẳng định: “Tôi không minh họa Truyện Kiều, tôi vẽ lại những rung cảm trong nội tâm mình về Kiều”.

Ngoài nàng Kiều là nhân vật chủ đạo trong 28 bức tranh, những Kim Trọng, Thúy Vân, Từ Hải, Hoạn Thư... hiện lên bằng đường nét và sắc màu “mười phân vẹn mười”. Mỗi bức tranh của họa sĩ Ngọc Mai thể hiện các giai đoạn thăng trầm của đời Kiều. Những ai yêu quý Truyện Kiều, chỉ cần nhìn vào tranh vẽ là thấy được “con tạo xoay vần” trong 15 năm dâu bể của đời Kiều.

Họa sĩ, giảng viên đại học mỹ thuật, lão làng về tranh lụa Nguyễn Thị Tâm đã dành những lời quý trọng cho đồng nghiệp Ngọc Mai: “Từ cuộc sống rộn ràng hối hả, từ những mảng màu xanh đỏ tím vàng của sơn dầu, của phần đông họa sĩ hiện nay, tôi nhận được một tập ảnh tranh khổ lớn, miêu tả những nỗi niềm khắc khoải của Kiều được giải bày bằng tranh vẽ trên lụa như cộng hưởng thêm tấm lòng của người hậu thế với cụ Nguyễn Du. Từ chất liệu nhẹ nhàng bay bổng, từ sự lung linh huyền ảo của sắc màu, từ những cung bậc buồn vui, suy tư lãng mạn đầy nữ tính, họa sĩ đã đưa ta vào trạng thái hư hư thực thực của Truyện Kiều, của thân phận một mỹ nhân tài hoa nhưng đầy truân chuyên”.

Trong thời buổi tốc độ này, mọi sự cần phải nhanh, vội vã kể cả “vội sống”, thì việc mất 12 năm thao thức để chỉ vẽ Truyện Kiều như họa sĩ Ngọc Mai quả là kỳ tích. Nhiều bức, họa sĩ đã mất nửa năm để hoàn thành. Nếu không có tình yêu bền bỉ dành cho truyện Kiều và ước mơ vẽ Kiều, họa sĩ rất khó để dày công như vậy.

Họa sĩ Trần Văn Phú chia sẻ với Ngọc Mai: “Đời người, không có hạnh phúc nào bằng ước mơ dai dẳng triền miên mà thực hiện được, ấy là hạnh phúc vàng. Nó chạm đến mảng trí tuệ mênh mông của biển nghệ thuật hội họa, đòi hỏi người họa sĩ phải có quyết tâm cao”.

Một tác phẩm tranh lụa Kiều của họa sĩ Ngọc Mai

Kiều mặc áo dài, áo tứ thân…

Gần như người Việt nào cũng biết, Truyện Kiều là tên phổ biến của Đoạn trường tân thanh được cụ Nguyễn Du phóng tác từ tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân - Trung Quốc. Do vậy, vẽ Kiều với sắc diện, trang phục ra sao là cả vấn đề để người xem thấy Truyện Kiều thực sự mang bản sắc Việt.

Đến nay, dường như không có nhiều họa sĩ lấy Truyện Kiều làm cảm hứng để sáng tác. Tuy nhiên, người viết bài này có dịp xem một cuộc triển lãm nho nhỏ của họa sĩ Phạm Cung vẽ Kiều bằng chất liệu sơn dầu. Nàng Kiều của cụ Nguyễn Du trong tranh Phạm Cung mặc trang phục đời nhà Minh bên Tàu theo đúng những gì cụ Nguyễn Du giới thiệu ở mở đầu thiên truyện: Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Họa sĩ Phạm Cung cũng vẽ “Hậu Kiều” của thi sĩ Phạm Thiên Thư. Trong loạt tranh sơn dầu vẽ “Hậu Kiều”, Phạm Cung đã để nàng Kiều mặc chiếc áo dài Việt Nam.

Như vậy, họa sĩ Phạm Cung vẽ theo đúng những gì cụ Nguyễn Du đã viết, hiểu một nghĩa nào đó là “minh họa” Truyện Kiều.

Còn họa sĩ Ngọc Mai đã vẽ Kiều theo cảm nhận của riêng mình. Có thể nói họa sĩ Ngọc Mai đã vẽ Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du bằng tâm thức của người Việt Nam. Những nhân vật trong Tranh lụa Kiều đa phần mặc áo dài khăn đóng, hoặc áo tứ thân khăn mỏ quạ rất Việt Nam, chứ không mặc trang phục nào khác của Trung Quốc. Điều này có thể được xem là sáng tạo riêng của nữ họa sĩ 60 tuổi này.

Không bán Kiều

Họa sĩ Ngọc Mai sinh năm 1951 tại Sài Gòn. Năm 1997, bà cùng họa sĩ Nguyễn Thị Tâm triển lãm tại Texas Hoa Kỳ. Trong các năm 2000, 2003, 2004 họa sĩ Ngọc Mai đã có các triển lãm cá nhân tại TP.HCM, Texas (Hoa Kỳ) và Rennes (Pháp).

Lúc 10h thứ Bảy ngày 17/9, tại Nhà triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, Q.1), triển lãm 28 bức tranh lụa vẽ Truyện Kiều của họa sĩ Ngọc Mai sẽ khai mạc, đồng thời ra mắt cuốn sách Tranh lụa Kiều. Họa sĩ Ngọc Mai cho biết: “Tất cả tranh trong triển lãm chỉ trưng bày cho người xem chứ nhất định không bán dù bất cứ lý do gì”. Được biết, “nhà tài trợ” in sách và triển lãm Tranh lụa Kiều là người mà suốt đời họa sĩ Ngọc Mai hy sinh tuổi thanh xuân để nuôi dưỡng - kỹ sư Lê Minh Thụy - con trai họa sĩ.

Mời bạn đọc cùng chiêm ngưỡng bộ tranh lụa Kiều














Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm