22/06/2011 14:34 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Kể từ những năm 1920-1930 cho đến nay tại kinh đô Ur của người Sumer cổ đại chưa hề có cuộc khai quật lớn nào. Nhưng đáng nói là trong nửa thế kỷ qua, Iraq không hề có biện pháp gì để bảo tồn các di chỉ từng lưu giữ các di sản đã được phát lộ.
Cách đây hơn 4.000 năm, Ur là kinh đô của đế chế Sumer thịnh vượng thống trị khắp vùng Lưỡng Hà và nay nó thuộc vùng ngoại ô của thành phố Nasiriyah, cách thủ đô Baghdad 300 km về phía Nam.
Ur là một thành phố quan trọng cho đến khi Alexander Đại đế thống trị nơi này. Thành phố đã phát triển cực thịnh trong triều đại của Vua Ur-Nammu, người đã trị vì vào khoảng năm 2112-2095 trước Công nguyên.
Bảo tồn di sản còn cấp thiết hơn khai quật
Đứng trước ziggurat (cấu trúc xây dựng cổ xưa của người Sumer) đường bệ, nơi từng là một phần của khu quần thể đền thờ tại kinh đô Ur của người Sumer cổ đại, nhà khảo cổ Iraq Abdelamir Hamdani lo ngại các yếu tố thiên nhiên đang ăn mòn một trong những kỳ quan của vùng Lưỡng Hà thời cổ đại.
“Ở đây không có ai nghĩ đến việc bảo tồn những công trình này hay sao?” - Hamdani, một trong những người phụ trách dự án mới nhằm bảo tồn số ít di sản chưa được khai quật của vùng Lưỡng Hà thời cổ đại, bày tỏ lo lắng.
Lính Mỹ lên ziggurat ở di chỉ Ur hồi năm 2010
Các chuyên gia cho rằng cho đến nay mới chỉ tìm thấy khoảng 10% trong số các cổ vật vẫn bị chôn vùi ở nơi này. “Mọi người đều nghĩ đến việc khai quật và phải tìm được các cổ vật. Có những cổ vật nằm ngay dưới chân chúng ta, nhưng tại sao lại cứ phải nhét chúng vào bảo tàng trong khi lại không chú ý đến việc bảo vệ những công trình còn chưa khai quật” - Hamdani nói và ám chỉ đến những di sản được tìm thấy trong những cuộc khai quật lớn cách đây vài thập kỷ nhưng đã bị phát tán đi khắp các bảo tàng ở Iraq và nước ngoài.
Chiến tranh và xung đột trong hơn 30 năm qua đã cản chân các nhà khảo cổ nước ngoài đến Ur và kể từ sau cuộc xâm chiếm Iraq của quân đội Mỹ từ năm 2003 thì chính quyền thành phố Baghdad không quan tâm tới việc tài trợ cho những cuộc khai quật mang quy mô lớn ở Iraq - đất nước có hơn 12.000 di chỉ khảo cổ. Trong khi đó, mặc dù thời gian qua vẫn có các chuyên gia nước ngoài tới Iraq, nhưng họ lại chọn khai quật tại những vùng và khu vực gần Kurdistan thuộc miền Bắc, bởi nơi đó an toàn hơn. Họ cố gắng tránh tới Ur và các di chỉ khác, mặc dù mức độ bạo lực ở những nơi này đã giảm đi nhiều so với thời đỉnh điểm hồi năm 2006 - 2007.
Chuyên gia nước ngoài giúp sức
Nhưng giờ thì một số chuyên gia đang bất chấp những lo ngại về an ninh, như GS Franco d’Agostino thuộc trường ĐHTH Sapienza ở Roma, Italia, để thực hiện cuộc “phiêu lưu” tới miền Nam. Mùa Thu tới, ông sẽ bắt đầu khai quật tại Abu Toubairah, gần Nasiriyah và gọi đây là “sứ mệnh khai quật đầu tiên của chuyên gia nước ngoài ở miền Nam Iraq kể từ năm 2003”.
Ngoài ra, dự án bảo tồn của Hamdani cũng do tổ chức nước ngoài là Quỹ Di sản Toàn cầu (GHF), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở California (Mỹ), tài trợ. GHF sẽ đầu tư 580.000 USD cho dự án và hy vọng Chính phủ Iraq cũng tài trợ khoảng 1 triệu USD.
Khi công việc được xúc tiến vào mùa Thu tới, thì nhiệm vụ đầu tiên của các chuyên gia là phải thiết lập được bản đồ địa hình chính xác của di chỉ qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như radar xuyên đất nhằm phát triển một kế hoạch tổng thể trong việc bảo tồn di chỉ này. Sau đó, công trình tu bổ ở Ur sẽ được xúc tiến.
Hy vọng trở thành một Ai Cập thứ hai
Đối với nhà khảo cổ Hamdani thì nỗ lực đầu tiên sẽ chú trọng tới 2 “báu vật” tại di chỉ Ur là nghĩa trang hoàng gia và ngôi đền thờ nữ thần bảo trợ của thành phố là Nanna - vị thần mặt trăng của người Sumer - được xây dựng từ thế kỷ 21 trước Công nguyên. Trong những năm 1960, ngôi đền này đã được tu bổ một phần, “tuy nhiên tất cả các di sản được phát hiện tại Ur đang dần bị xói mòn vì gió, nhiệt độ cao của mùa Hè và độ mặn của đất” - sử gia nghệ thuật Italia Alessandro Bianchi cho biết. Ông là người đã dành 6 tháng để đào tạo các công nghệ phục chế đặc biệt cho 6 người Iraq.
Tuy nhiên, khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất đang gây hại tới di chỉ này mà nó từng phải hứng chịu những cuộc dội bom trong chiến tranh vùng Vịnh hồi năm 1990-1991.
Các nhà chức trách Iraq đang hy vọng, những nỗ lực đó sẽ không chỉ giúp bảo tồn được tốt hơn nhiều di chỉ ở Iraq mà còn thúc đẩy được du lịch khi ngành này hiện chủ yếu chỉ dựa vào lượng người Shiite hành hương tới các đền thờ tôn giáo ở Iraq. “Nếu xét về tiềm năng du lịch và phát triển di sản văn hóa thì Iraq có thể được xem như một Ai Cập kế tiếp” - Jeff Morgan, Giám đốc của GHF, nhận định.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất