Cầm dao rạch tranh giả giữa gallery

03/03/2011 11:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vào một gallery rồi tự tay hủy đi bức tranh giả có ghi tên mình, họa sĩ Văn Thơ cho biết ông đã không giữ nổi bình tĩnh trước sự xâm phạm bản quyền và ngang nhiên bôi nhọ tác giả như vậy.

Câu chuyện trên diễn ra vào sáng 25/2/2011, khi họa sĩ Văn Thơ tiện đường ghé vào một gallery khá nổi tiếng nằm gần Hồ Gươm. Bức tranh giả chép lại tác phẩm sơn dầu Ông công nhân già (kích thước 135 x135 cm) của ông một cách khá vụng về và ngô nghê, đồng thời cũng sao nguyên chữ ký “Văn Thơ” bên góc.

Hủy tranh giả vì quá bức xúc

Trước thắc mắc của ông Văn Thơ, câu trả lời của chủ gallery là lời khẳng định chắc nịch: “Chính tranh của bác vẽ chứ ai”! Phẫn nộ, tiện tay nhặt lên con dao xén giấy dưới góc bàn, vị họa sĩ già 74 tuổi này rạch chéo lên bức tranh rồi mời công an phường tới làm biên bản.

“Tôi quá bức xúc vì chuyện này lặp đi lặp lại vài lần. Thật ra, nóng nảy như vậy cũng là không nên - họa sĩ Văn Thơ cho biết - Khi ấy, tôi cũng chẳng biết phải làm gì, trong khi chỉ cần thêm vài phút nữa là đủ để cửa hàng mang bức tranh giả này cất đi chỗ khác”.

Họa sĩ Văn Thơ
Cần nói thêm, đây không phải là lần đầu tiên tranh giả của họa sĩ Văn Thơ bị bày bán tại gallery nói trên. Cách đây vài năm, một số tác phẩm của ông đã được chủ gallery mua lại để tiếp tục kinh doanh. Năm 2008, trong một lần tình cờ ghé qua, họa sĩ Văn Thơ đã phát hiện tác phẩm Hạnh phúc của mình bị sao chép để bày bán. Sau phản ứng của tác giả, chủ gallery đã viết đơn cam kết tự hủy bức tranh này. Để rồi, một thời gian ngắn sau đó, ông Thơ tiếp tục gặp một “ca” tương tự cũng tại gallery ấy và... tiếp tục bỏ qua khi nghe lời xin lỗi.

Họa sĩ Văn Thơ là người vẽ khá nhiều tranh. Đơn cử, trong năm 2010, ông đã vẽ được hơn 150 họa phẩm, và bán được khoảng 100 bức với giá hàng trăm USD/ tranh. Trong khi đó, nếu được bán đúng giá, một bức tranh chép thường có giá từ vài trăm tới vài triệu đồng tùy theo trình độ sao chép của người vẽ. Bởi vậy, cụm từ “tranh giả” vẫn được dư luận sử dụng khi nói về những bức tranh được sao chép lại từ tranh gốc, sau đó “đánh lộn sòng” để bán với danh nghĩa tác phẩm gốc cho người chơi. Có nghĩa, từ một bức tranh độc bản, người chép tranh giả có thể chép ra vài ba bức “độc bản” khác và xoay vòng kinh doanh.

Bức tranh gốc Ông công nhân già (trái) và bức tranh giả (đã bị rạch bằng dao)
Bản cam kết “không bán tranh giả của họa sĩ Văn Thơ”

Có thâm niên và uy tín trong nghề, họa sĩ Văn Thơ khá lo lắng khi nhắc tới việc nhiều bức tranh của ông đã được bán ra thị trường mỹ thuật thế giới. “Đó là sự bôi nhọ và làm mất uy tín tác giả - khi những bức tranh vẽ lại một cách ngô nghê, vụng về ấy tới tay những người chơi thiếu kinh nghiệm và chỉ quen mua tranh theo thương hiệu tác giả”.

Nói về tranh chép, họa sĩ Văn Thơ cho biết: tại các nước có nền mỹ thuật nổi tiếng phát triển như Pháp hay Italia, việc chép tranh đã trở thành công nghệ. Ở đó, những người họa sĩ khéo tay có thể sao lại một bức tranh giống tác phẩm gốc như đúc, thậm chí là dùng kỹ thuật để làm bản tranh chép “cũ đi” như có dấu vết thời gian. Tuy nhiên, các bức tranh chép này phải chịu quy định nghiêm ngặt về kích thước (không được vẽ theo đúng khổ tranh thật) và tuyệt đối không được chép lại chữ ký tác giả. Ngoài ra, người thực hiện sao chép tranh cũng phải trả phí cho tác giả nếu còn trong thời hạn bảo hộ bản quyền (50 năm sau khi mất). “Ở Việt Nam, về nguyên tắc thì người chép tranh cũng phải tới xin phép họa sĩ và làm việc bản quyền. Nhưng tôi và đồng nghiệp gần như rất ít gặp những trường hợp như vậy” - họa sĩ Văn Thơ nói.

Chiều 1/3/2011, dưới sự chứng kiến của công an, chủ gallery đã có buổi gặp và xin lỗi họa sĩ Văn Thơ về sự việc trên. (Trao đổi với TT&VH, chủ gallery giải thích việc vi phạm bản quyền vì lý do “cũng là nạn nhận mua nhầm tranh chép với giá tranh thật từ giới buôn tranh”). Một lần nữa, biên bản cam kết “không bán tranh giả của họa sĩ Văn Thơ” lại được ký kết, kèm theo lời hứa từ phía gallery về việc sẽ dẫn khách hàng tới trực tiếp gặp ông để cùng thẩm định tranh khi có nhu cầu mua.

Đặt trong mặt bằng chung về nạn xâm phạm bản quyền hiện nay, liệu vị họa sĩ 74 tuổi này có thể yên tâm khi tác phẩm của mình đang được ký gửi tại rất nhiều gallery khác?

Chiêu Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm