“Chẩn bệnh” truyện tranh Việt (Bài 1)

15/11/2010 07:01 GMT+7 | Văn hoá

Truyện tranh Việt Nam: Tìm lại chính mình

Như chuyên đề Truyện tranh toàn cảnh đã đề cập, trên thế giới, truyện tranh không chỉ là một ngành công nghiệp với lợi nhuận khổng lồ mà còn vươn đến tầm nghệ thuật - người phương Tây xem truyện tranh là “nghệ thuật thứ chín”. Và quan trọng hơn, đây còn là một kênh quảng bá văn hóa dân tộc hiệu quả và phổ cập. Như tại Việt Nam, văn hóa Nhật Bản hóa ra gần gũi, thân quen là nhờ sự đóng góp không nhỏ của những “đại sứ văn hóa” bước ra từ những bộ manga như: Doraemon, Pokemon, Conan… Tuy nhiên, quan niệm xem truyện tranh chỉ là món giải trí rẻ tiền (dù giá một quyển truyện tranh không rẻ chút nào) chỉ dành cho… con nít, vốn ăn sâu vào tiềm thức đại bộ phận người Việt, khiến truyện tranh Việt Nam không có cơ hội phát triển, hoàn toàn lép vế trước “dòng thác” manga, manhwa, mahua… đổ về, đành thua trắng trên sân nhà. Và một nền “truyện tranh Việt của người Việt” vẫn là giấc mơ dài của những người có tâm với truyện tranh nước nhà.


(TT&VH Cuối tuần) - Không riêng gì Việt Nam, manga Nhật Bản đều đã có mặt và tác động sâu sắc đến văn hóa đọc nhiều quốc gia châu Á. Trong khi đó, truyện tranh đã phát triển ở Việt Nam suốt 20 năm, một thế hệ đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành, nhưng nền truyện tranh Việt vẫn chưa học hỏi được mấy để tìm được cho mình một chỗ đứng xứng tầm.

Viết 32 trang nhận… 1,5 triệu

Bìa bộ truyện tranh Bong bóng lên trời chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Theo ông Nguyễn Trí Công, Trưởng ban Truyện tranh NXB Trẻ: “Cần phải khẳng định rằng truyện tranh là loại hình nghệ thuật giữa văn học và phim ảnh nên sức thu hút rất lớn, nhất là với thanh thiếu niên. Ở một đất nước dân số trẻ như Việt Nam thì đây là một thị trường có tiềm năng khai thác rất lớn. Đáng tiếc là chúng ta chưa có đội ngũ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản ở lĩnh vực này. Lực lượng họa sĩ chủ yếu được đào tạo để vẽ tranh mỹ thuật chứ không phải để sáng tác truyện tranh. Đội ngũ sáng tác kịch bản truyện tranh chuyên nghiệp cũng không có. Ngay trong mùa Hè vừa qua, mảng văn học thiếu nhi chỉ toàn là sách dịch, vắng bóng hẳn tác phẩm trong nước. Các nhà văn thiếu nhi Việt Nam - những người có thể viết được kịch bản truyện tranh - đâu rồi? Chúng ta đã thiếu cả hai yếu tố cơ bản cấu thành một nền truyện tranh là tác giả và họa sĩ thì làm sao có thể phát triển nền truyện tranh Việt được. Bắt buộc phải lấy truyện tranh nước ngoài bù đắp vào sự thiếu hụt này làm món ăn tinh thần cho độc giả thôi”.


Theo ông Nguyễn Trí Công, thiếu hụt lực lượng là một lẽ nhưng còn một lẽ khác là vấn đề đãi ngộ: “Khi tác giả và người họa sĩ vắt óc moi tim viết một tác phẩm xứng tầm, vẽ một tác phẩm xứng tầm thì mức bồi dưỡng chất xám cũng phải xứng tầm như vậy. Chứ với một kịch bản 32 trang mà người viết nhận 1,5 triệu, người vẽ lấy 5 triệu (kể cả tiền bút, mực) mà với vật giá leo thang như hiện nay thì sống như thế nào? Với mức trả giá cho chất xám quá thấp thì đừng đòi hỏi một nền truyện tranh chất lượng”.

Họa sĩ truyện tranh người Bỉ gốc Việt nổi tiếng châu Âu, Vĩnh Khoa cho biết ông mất một tuần để vẽ một trang truyện tranh. Các NXB của Bỉ sẵn sàng cung cấp tiền, trang thiết bị, không gian riêng để cho họa sĩ chuyên tâm sáng tạo một tác phẩm chất lượng nhất. Và chắc chắn nếu vẽ với tốc độ 7 ngày/trang như thế, các họa sĩ Việt Nam sẽ… chết đói.

Họa sĩ Hùng Lân cũng chỉ ra cái vòng lẩn quẩn giữa giá trị đầu tư và chất xám mà nếu không giải quyết rất khó để một nền truyện tranh có thể cất cánh: Ở Nhật Bản “họa sĩ có thu nhập cao và vững vàng, tất nhiên sẽ an tâm làm việc, nét vẽ sẽ đẹp hơn, cốt truyện hay hơn, truyện hay nên thị trường phát hành sẽ rộng hơn…”. Còn ở ta “lợi nhuận thấp nên nhuận bút cho họa sĩ thấp, ai nấy đều chán và bỏ nghề vì theo nghề thì làm sao đủ sống? Thu nhập, thời gian không có đủ thì làm sao mong sáng tác ra được những cuốn truyện hay? Mà truyện không hay thì ít người mua, phát hành bị lỗ rồi chết yểu…”.

Thiếu chuyên nghiệp

Tập hợp được đội ngũ sáng tác rồi thì việc duy trì ê-kíp làm việc lại là vấn đề khác. Giám đốc Công ty Art Sign, Vương Quốc Thịnh thẳng thắn: “Họa sĩ của ta làm việc chưa chuyên nghiệp, hạn cuối nộp tác phẩm thường rất vô chừng. Năng suất làm việc lại không cao. Ở Art Sign có một người nước ngoài làm việc, trong một ngày họa sĩ hoàn thành 15 trang còn họa sĩ Việt Nam thì tối đa chỉ đạt 5 trang. Làm truyện tranh nhất thiết phải làm việc nhóm nhưng người Việt Nam lại làm theo nhóm không tốt, nhất là các họa sĩ trẻ, chỉ được vài tháng là lại “tan đàn xẻ nghé” ngay...”.

Ở Nhật Bản, truyện tranh là một nền công nghiệp khổng lồ với lợi nhuận còn cao hơn cả nền công nghiệp ô tô và được sự hậu thuẫn rất lớn từ chính sách nhà nước: Phát triển công nghiệp manga được liệt vào hàng quốc sách. Ở Trung Quốc, truyện tranh thật sự là một “mỏ vàng”, chính phủ đã đưa ra một kế hoạch phát triển nền manhua với 15 “căn cứ địa” sẽ được thiết lập tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến…; nhiều chiến dịch tìm kiếm và thu hút tài năng mỹ thật rầm rộ; chính quyền nhiều địa phương tạo nhiều ưu đãi thu hút đầu tư cho lĩnh vực…

Trong khi đó, đến tận hôm nay, khi truyện tranh đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đã tác động sâu sắc đến đời sống xã hội, nền văn hóa nước nhà (trào lưu cosplay, hiện tượng unisex) thì xem ra nó vẫn chưa tác động được mấy đến những người có trách nhiệm. Truyện tranh vẫn chỉ dành cho trẻ con hoặc luôn được nhìn với con mắt nghi ngại, coi thường. Họa sĩ Ngọc Linh nói: “Nhớ lại những năm trước, các kênh truyền hình của ta vẫn tràn ngập phim Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhưng bây giờ các đài đều ưu tiên chiếu phim Việt, đó là điều cần thiết để phát triển nền điện ảnh nước nhà. Có được điều đó là nhờ quy định bắt buộc về số giờ phát sóng phim Việt trên các đài của nhà nước. Nếu áp dụng tương tự với truyện tranh, quy định số đầu truyện tranh Việt Nam các nhà xuất bản phải ra trong một năm, thì chắc chắn truyện tranh Việt sẽ có động lực để khởi sắc thôi”. Thế nhưng hình như chưa có cơ quan hữu quan nào để ý đến điều này và chúng ta lại tiếp tục “lỡ chuyến tàu” để vượt ra khỏi cái bóng của manga.


Bộ truyện Dũng sĩ Hesman

Đau đầu vấn nạn in lậu

Là hai “ông lớn” của làng xuất bản nhưng NXB Trẻ và Kim Đồng lại là hai “nạn nhân” thê thảm nhất của nạn in lậu sách. Ông Nguyễn Trí Công cho biết NXB Trẻ đang rất “đau” vì ba bộ truyện tranh Thần chưởng Long kiếm phi, Tiểu ma đầu, Đại kiếm sư đã được mua bản quyền với giá khoảng nửa tỷ đồng chưa kịp ra đã bị “luộc”. Trước đó, các bộ Công chúa phiên bang, Chỉ cần có anh…, cũng được mua tác quyền đàng hoàng, chỉ mới quảng cáo chưa kịp tung ra là đã thấy bày bán khắp nơi.

In lậu không chỉ là cơn đau đầu kinh niên của các NXB mà thực sự là một vấn nạn khi gần như là một kênh công khai truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Truyện tranh cũng “mang tiếng lây” khi nhiều quan niệm cực đoan cho rằng đó chỉ là thứ nhảm nhí “không sex thì bạo lực”. Công tâm mà nói điều này rất oan cho truyện tranh. Và nguyên nhân sâu xa là do sự khác biệt giữa văn hóa các nước. Ở Nhật và nhiều nước trên thế giới, phân loại quy định lứa tuổi tiếp nhận một sản phẩm văn hóa là điều bắt buộc. Một người rất am hiểu về truyện tranh cho biết: “Ở nước ngoài truyện tranh chia làm hai loại cho thiếu nhi và cho người lớn. Truyện tranh dành cho người lớn có thể có những yếu tố về tình dục khi phân phối được quy định rất nghiêm ngặt như: cấm bán gần trường học, cấm bán cho trẻ em dưới 18 tuổi (khi mua phải trình chứng minh thư), nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý rất nghiêm... Ngay cả người mua cũng ý thức rất cao về phân loại, chỉ lựa chọn những ấn phẩm phù hợp với lứa tuổi này”. Tuy nhiên điều này vẫn còn xa lạ với Việt Nam. Mặc dù trên mỗi đầu truyện đều có ghi phân loại độ tuổi rõ ràng nhưng những dòng chữ: “Dành cho tuổi mới lớn”, “Dành cho tuổi 18+”… là hoàn toàn vô nghĩa nếu cả người bán lẫn người mua đều không tự ý thức, thậm chí nó rất “mời gọi” đối với những độc giả nhí vốn dễ tò mò.

Bản sắc nào?

“Không có bản sắc” – là lời nhận xét thường nghe được từ các bạn trẻ khi được hỏi về truyện tranh Việt. Một độc giả cho rằng “Cốt lõi của truyện tranh là hình vẽ và nội dung. Mà truyện tranh Việt nội dung không hấp dẫn, hình vẽ không đẹp, nếu không thì cũng ảnh hưởng manga. Thần đồng đất Việt là một bộ khá về nội dung nhưng hình vẽ không đẹp. Tôi ít thấy yếu tố văn hóa nước nhà trong truyện tranh Việt. Trong manga, kimono rất thường xuất hiện nhưng có mấy họa sĩ đưa áo dài vào truyện tranh Việt? Như đọc xong bộ truyện Vua bánh mì ta có thể biết rất nhiều về những phong tục tập quán, lễ hội của Nhật Bản, còn truyện tranh Việt hầu như không chú ý đến những yếu tố này…”.

Họa sĩ Lê Linh cho biết khi sáng tạo nhân vật Trạng Tý (Thần đồng đất Việt) anh đã tìm tòi nét vẽ riêng và cố gắng “né” manga càng xa càng tốt. “Nhiều em nhỏ vẫn thích tôi vẽ nhân vật phải mắt to long lanh kiểu manga kìa, các em thích vậy. Nhưng tôi lại thích để nhân vật mắt… hí vì truyện tranh Việt không thể giống manga được”, Lê Linh nói vui.

Vương Quốc Thịnh, giám đốc công ty Art Sign nói: “Tôi nghĩ truyện tranh do chính người Việt vẽ, nói về người Việt thì sẽ thể hiện được bản sắc Việt thôi. Nhiều người cứ đặt câu hỏi về bản sắc nhưng một nền truyện tranh chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu thì hình hài của bản sắc ra sao tôi cũng chưa rõ, cứ làm đã rồi sẽ hình thành được bản sắc. Những người làm truyện tranh rất cần sự động viên, ủng hộ của xã hội. Chứ như bây giờ có sơ sẩy gì là lập tức bị phản ứng ngay thì rất khó…”.

Đón đọc Bài 2: Truyện tranh Việt Nam và "mỏ vàng" cổ tích

Đông A

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm