KTS Lê Thành Vinh: Không nên quá tiếc nuối những hình ảnh rêu phong, xuống cấp...

12/11/2010 13:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Việc tu bổ di tích Ô Quan Chưởng (Hà Nội) đã gây tranh cãi gay gắt trong dư luận trong thời gian qua. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng việc quét lên Ô Quan Chưởng lớp vôi mới, làm mất đi cái gọi là “màu thời gian” của di tích này.

Để rộng đường dư luận, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, đơn vị thi công trùng tu di tích này.

Ông Vinh khẳng định:

- Giá trị đích thực của di tích kiến trúc không phải là những lớp rêu phong sống ký gửi và ngày ngày âm thầm làm hại di tích. Cần phải phân biệt “màu thời gian” của công trình kiến trúc được tạo ra bởi năm tháng - cái cần phải bảo tồn và lớp rêu phủ hay cây cỏ dại xuất hiện trên bề mặt công trình - cái cần phải loại bỏ...


KTS Lê Thành Vinh

* Nhưng trước hết xin bắt đầu từ việc tại sao lại phải tu bổ Ô Quan Chưởng, thưa ông?

- Ô Quan Chưởng là một di tích hết sức đặc biệt ở Hà Nội. Đây không những là kiến trúc duy nhất còn tồn tại trong hệ thống các cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa mà còn là một điểm nhấn đặc biệt quan trọng của khu phố cổ Hà Nội.

Trước khi tiến hành tu bổ lần này, di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cấu trúc của khối xây bị nứt vỡ, có mảng tường bị phồng đến 30 cm so với bề mặt gốc; các bức tường bị phong hóa, rêu mốc, ẩm mục, có nhiều khối xây bằng gạch vồ bị thay thế bằng gạch chỉ hoặc gạch chịu lửa bởi những lần trùng tu trước; hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị tác động xấu đến sự ổn định của công trình... Di tích đứng trước nguy cơ có thể sụp đổ từng phần bất cứ lúc nào.

* Việc tu bổ Ô Quan Chưởng được thực hiện với quy mô như thế nào?

- BQL Di tích và Danh thắng Hà Nội (Sở VH,TT&DL) phối hợp với Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH, TT&DL) đã thực hiện dự án tu bổ Ô Quan Chưởng (đợt I) một cách khẩn trương nhưng hết sức thận trọng với mục tiêu chấm dứt quá trình xuống cấp, đảm bảo độ ổn định và bền vững lâu dài của di tích đồng thời bảo tồn những đặc điểm, giá trị lịch sử văn hóa vốn có của di tích.


Hiện trạng Ô Quan Chưởng trước khi được tu bổ

Sau khi tổ chức nghiên cứu, khảo sát một cách kỹ lưỡng, việc tu bổ Ô Quan Chưởng (đợt I) lần này đã được thực hiện với các nội dung chính là: Gia cố, tu bổ cấu trúc của công trình, các khối xây bị nứt vỡ, phồng rộp được xử lý triệt để, đảm bảo độ ổn định và bền vững lâu dài của di tích, xử lý bề mặt công trình bằng công nghệ hóa bảo quản... những thành phần đã bị hư hỏng hay những thành phần sai lệch do những lần tu sửa trước đã dùng vật liệu khác là gạch chỉ hoặc gạch chịu lửa được thay thế bằng gạch vồ gần với gạch nguyên gốc, xử lý hệ thống thoát nước, một số phần vữa trát tường phía trên bị hư hỏng, sứt vỡ được trát lại, sau đó sơn phủ theo màu sắc cũ. Hiện nay phần sơn phủ chưa thực hiện xong.

Việc tu bổ đợt I này tuy có quy mô không lớn, thực hiện trong một thời gian ngắn nhưng giải quyết được những vấn đề hết sức cốt lõi và cấp thiết đối với di tích Ô Quan Chưởng đang ở trong tình trạng khá nguy kịch.

* Khử sạch rêu trên bề mặt di tích và quét lên đó lớp vôi mới, làm mất đi cái gọi là “màu thời gian” của di tích. Đây chính là lý do khiến cho dư luận phản ứng dữ dội trong thời gian qua!?  

- Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa là, trong việc tu bổ Ô Quan Chưởng lần này, bằng công nghệ hóa bảo quản sử dụng hợp chất TB57, các lớp rêu và cây cỏ dại trên bề mặt công trình đã bị loại bỏ. Ở phần dưới, các bức tường đá ong đã sạch sẽ trở lại mà vẫn giữ được bề mặt cũ của đá ong. Còn ở phần trên, màu vôi quét lại sẽ được chọn theo màu cũ vẫn còn thấy rõ trên bề mặt công trình tại các vị trí không bị rêu mốc. Đương nhiên màu này sẽ không giống với màu tường bị rêu mốc như trước khi tu bổ nên gây sự khác lạ so với hình ảnh rêu mốc đã trở nên quen mắt. Song cần hiểu rằng, màu của tường khi không có rêu mới chính là màu gốc của di tích.

Có lẽ nên làm quen với sự sạch sẽ của di tích cùng với những đặc điểm về kiến trúc và các giá trị lịch sử, văn hóa đích thực của nó, hơn là nuối tiếc những hình ảnh rêu phong, xuống cấp - biểu hiện sự lãng quên và thiếu chăm sóc dài ngày đối với di sản của cha ông mình.

* Còn đợt tu bổ lần hai, các ông sẽ làm những gì nữa?

- Những việc dự kiến sẽ phải làm tiếp trong đợt II là: khảo sát sâu về nền móng, gia cố và xử lý nền móng ở những vị trí cần thiết, xử lý các vấn đề hạ tầng như hệ thống thoát nước đường phố dưới chân di tích, đường giao thông xuyên qua di tích, hệ thống đường dây điện thành phố chạỵ qua di tích, giải tỏa hoặc xử lý những phần công trình nhà ở liền kề di tích...

Huy Thông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm