Comic - Ngành nghệ thuật thứ Chín của nhân loại (Bài Kết)

10/11/2010 06:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Khởi nguồn từ nhiều thế kỷ trước, bắt đầu hình thành từ khoảng cuối thế kỷ 19 và phát triển liên tục từ đầu thế kỷ 20, cho tới nay, comic hay nghệ thuật kể truyện bằng tranh đã trở thành một thể loại nghệ thuật giải trí gắn bó với cuộc sống đại chúng. Comic (bắt nguồn từng tiếng Hy Lạp có nghĩa là “gắn với tiếng cười”) gần như khai sinh đồng thời với điện ảnh, được coi như là nghệ thuật thứ Chín của nhân loại.

>> Bài 1: Truyện tranh vòng quanh thế giới - Một vài thuật ngữ
>> Bài 2: Khi người Nhật viết truyện tranh

Tây âu - Nơi khai sinh Comic

Người được coi là cha đẻ của comic là Rodolphe Töpffer, một họa sĩ người Thụy Sỹ, ông đã sáng tác tập truyện tranh dài 30 trang với sáu ô hình một trang mang dáng dấp của một cuốn truyện tranh hiện đại. Đầu thế kỷ 20, comic với hình thức như chúng ta biết đến hiện nay (tranh chia khung và lời nằm trong các “bong bóng thoại”) được in trên báo dưới dạng những truyện tranh liên hoàn (comic strip), chủ yếu đi theo chủ đề gây cười mua vui cho độc giả. Những truyện tranh ngắn này sau đó được chọn lọc lại, in thành những tập truyện với giá rẻ, và từ đây, hình thức truyện tranh dài, bắt đầu được hình thành. Nội dung hài hước mua vui dần dần được thay thế bằng nhiều chủ đề khác nhau và comic chia thành nhiều thể loại tương tự như văn học. Cho tới giờ, comic đã xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ comic trên báo, truyện tranh một trang đến tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel). Trong giai đoạn đầu, comic được coi như một loại hình nghệ thuật cấp thấp. Nhưng, cùng với thời gian, comic được chính thức công nhận như một thể loại nghệ thuật ngang bằng với những nghệ thuật khác. Điều này càng được khẳng định mạnh mẽ hơn tại Nhật Bản, nơi comic được biết tới với tên gọi manga và được coi như là một trong những đặc trưng văn hóa đất nước. Nhật Bản cũng là một trong những trung tâm lớn nhất của comic, cùng với Pháp, Bỉ và Mỹ.


Chàng cao bồi miền viễn Tây, một trong những tác phẩm comic nổi tiếng nhất của Tây Âu

Hai đất nước Pháp và Bỉ thường được xếp chung khi nói về comic, và đây cũng là nơi có truyện tranh phát triển nhất châu Âu cho tới nay. Kế thừa từ nghệ thuật vẽ biếm họa phát triển mạnh trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, truyện tranh bắt đầu xuất hiện trong báo, tạp chí, và bên cạnh đó, có mặt cả trong những tập san dành cho trẻ em do các nhà thờ phát hành. Từ thời kỳ này, comic đã trở nên rất phổ biến với người đọc hai nước và ngay sau chiến tranh thế giới thứ nhất, tác giả người Bỉ Hergé đã cho ra mắt truyện tranh Những cuộc phiêu lưu của Tintin – nhân vật cho tới giờ vẫn còn rất nổi tiếng. Comic Pháp-Bỉ những năm 30 chịu ảnh hưởng lớn của Mỹ, nhưng sau đó, khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, việc Đức chặn văn hóa Mỹ đã trở thành động lực cho nhiều tác giả comic tại Pháp tự tìm kiếm lấy phong cách, nhân vật của riêng mình và trở nên nổi tiếng với những tác phẩm về các anh hùng. Tuy nhiên, khi chiến tranh kết thúc, chính phủ Pháp đưa ra chính sách cấm sử dụng những hình ảnh người lớn và bạo lực, dẫn tới hàng loạt nhà xuất bản comic tại Pháp chuyển hướng sáng tác theo lối hài hước. Phong cách này dần trở thành đặc trưng cho truyện tranh Pháp – Bỉ. Nhiều truyện tranh đã có mặt trước chiến tranh được đưa trở lại huy hoàng hơn, trong đó nổi bật nhất là SpirouTintin. Các thập kỷ kế tiếp, comic Pháp càng trở nên phổ biến hơn với sự ra mắt của Lucky Luke hay Asterix. Những thập kỷ gần đây, comic Pháp - Bỉ được biết tới không chỉ với yếu tố hài hước, mà còn với những vấn đề về tâm lý, triết học và thể hiện cho những thể nghiệm táo bạo về nghệ thuật… Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême tại Pháp được tổ chức hàng năm từ 1974 là một trong những sự kiện lớn nhất thế giới của những người yêu nghệ thuật comic.

Comic kiểu Mỹ

So với Pháp – Bỉ của châu Âu, nơi khai sinh ra comic, nước Mỹ cũng không hề thua kém về độ xuất hiện sớm của comic. Đây cũng là nơi comic dưới dạng sách được xuất hiện đầu tiên, và nhanh chóng được áp dụng những quy chuẩn xuất bản. Lịch sử truyện tranh Mỹ được chia thành nhiều giai đoạn, nhưng có lẽ nổi bật nhất chính là thời kỳ Hoàng Kim kéo dài từ cuối những năm 1930 tới đầu những năm 1950 với sự xuất hiện của hàng loạt nhân vật siêu anh hùng như Superman, Batman, Captain America, Wonder Woman… Tuy nhiên, sự phát triển quá đà của dạng nhân vật này đã kéo theo sự bùng nổ của bạo lực trong comic Mỹ, dẫn tới làn sóng phẫn nộ, tẩy chay comic diễn ra trên khắp đất nước.


Superman: Siêu hùng của comic Mỹ

Từ giữa thập kỷ 1950 hay còn gọi là thời kỳ Bạc, những nhân vật siêu hùng trong comic Mỹ trở lại với sự chọn lọc hơn, đồng thời đánh dấu cho sự thống lĩnh của hai ông lớn trong ngành xuẩt bản comic Mỹ: Marvel và DC. Thời kỳ Đồng nối tiếp sau đó là quá trình “con người hóa” siêu nhân, khi nhiều tác giả đưa vào truyện tranh của mình những vấn đề đương đại như ma túy, rượu đồng thời màu sắc của các tác phẩm trở nên tối tăm hơn. Đây là thời kỳ của nhiều tác phẩm như X-men, Ghost Rider, Conan the Barbarian… Sau giai đoạn này, comic Mỹ chuyển sang chủ đề phản anh hùng với sự xuất hiện đình đám của Batman: The Dark Knight Returns Watchmen cùng những nhân vật phức tạp hơn về tâm lý và những câu chuyện nhiều yếu tố bi kịch. Có thể nói, lịch sử comic của nước Mỹ xoay quanh câu chuyện về những anh hùng, cho dù được thể hiện ra ở bất kỳ giác độ nào. Cho tới nay, khi truyện tranh tại đất nước này không còn ở đỉnh cao vinh quang, nhưng những nhân vật anh hùng này vẫn tiếp tục với những bộ phim, video game cũng như nhiều loại hình kinh doanh khác.

Việt Nam cũng có comic

Comic cũng là một trong những tác nhân ảnh hưởng sâu đậm lên truyện tranh tại Việt Nam. Trên thực tế, truyện tranh Việt Nam manh nha xuất hiện từ khá sớm, cũng với hình thức những trang tranh vẽ với các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ trên mặt báo từ thời Pháp thuộc, những trang tranh truyện ngắn trên báo và tạp chí từ sau Cách mạng tháng Tám và những truyện tranh nhái phong cách, vẽ lại từ truyện tranh Mỹ, Pháp - Bỉ tại miền Nam từ năm 1954-1975. Tuy nhiên, phải tới năm 1992, khi chú mèo máy Doraemon xuất hiện, văn hóa đọc truyện tranh mới thực sự khởi sắc và phát triển, trở thành động lực cho nhiều họa sĩ tại Việt Nam bắt đầu sáng tác. Tác giả Hùng Lân cùng tác phẩm Dũng sĩ Hesman dựa theo một bộ phim hoạt hình của Nhật Bản là cái tên nổi tiếng nhất của lĩnh vực truyện tranh trong thập kỷ 1990 tại nước ta. Vào khoảng năm 2003 - 2005, bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt của công ty Phan Thị cũng đạt được thành công lớn, thậm chí tiếp tục được xuất bản cho tới nay.

Tuy nhiên, manga (cùng với một số truyện từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…) vẫn nắm thế thượng phong tại Việt Nam, kể cả sau khi công ước Berne đã được ký vào năm 2004, một phần bởi lợi nhuận thu được từ manga vẫn rất lớn, một phần vì các tác giả truyện tranh ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự gây được ấn tượng với người đọc. Thiếu vắng hẳn một chuyên khoa đào tạo về comic, họa sĩ truyện tranh tại Việt Nam đa số là những người học các ngành nghề khác, coi việc vẽ truyện tranh như một công việc phụ, một thú vui. Đa số truyện tranh Việt Nam hiện nay vẫn chỉ xuất hiện dưới dạng ngắn, và được đăng tải trên mạng nhiều hơn là xuất bản thực sự. Tuy nhiên, trong khoảng hai năm gần đây, các tác phẩm truyện tranh nội địa bắt đầu được các công ty xuất bản chú ý nhiều hơn, và bước đầu nỗ lực cạnh tranh với manga, mở ra niềm hi vọng mới cho những nghệ sĩ truyện tranh.

Phương Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm