Truyện tranh vòng quanh thế giới - Một vài thuật ngữ

08/11/2010 07:20 GMT+7 | Văn hoá

Truyện tranh toàn cảnh

Nhiều năm qua, hơn một thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã lớn lên mà không cần đến những ông Bụt, cô Tấm, Sọ Dừa, Dế Mèn, hay Lọ Lem, Nàng tiên cá, Cô bé bán diêm… để nuôi dưỡng tâm hồn. Đồng hành cùng các bạn trẻ là những người bạn mới hiện đại hơn, đa diện hơn, đến từ muôn vàn thế giới mà con người có thể tưởng tượng ra được qua nét vẽ, là: Doraemon, Songoku, Conan, Teppi... Như truyện cổ tích ngày nào, truyện tranh đã là một phần không thể thiếu của thế giới tuổi thơ. Khác với các quốc gia Âu-Mỹ, Nhật Bản…, nơi truyện tranh đã là một phần của văn hóa, là một nền công nghiệp với doanh thu khổng lồ, nhiều người Việt Nam vẫn quen xem truyện tranh chỉ là đồ dành cho… con nít, hoặc có cái nhìn thiếu thiện cảm. Vậy, truyện tranh có thực sự chỉ là “mớ tranh ảnh nhăng nhít kết hợp với những câu chữ cụt lủn không đầu không đuôi, không bạo lực thì cũng…sex, làm nghèo trí tưởng tượng và tha hóa tâm hồn trẻ thơ” như nhiều bậc phụ huynh vẫn nghĩ? Trước ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của thế giới truyện tranh đến đời sống tâm hồn giới trẻ, cũng như những khoản lợi nhuận không thể làm ngơ từ công nghệ truyện tranh, đã đến lúc chúng ta cân nhắc lại vị trí của truyện tranh trong đời sống xã hội.


(TT&VH Cuối tuần) - Với nhiều “tín đồ” của truyện tranh thì những “thuật ngữ” được dùng không chỉ để giản tiện các khái niệm mà còn thể hiện được sự sành điệu cũng như kiến thức về “nghệ thuật thứ 9” mà mình yêu thích. Và những “kẻ ngoại đạo” (các bậc phụ huynh chẳng hạn) khi nghe qua rất dễ “ù ù cạc cạc” với những “thuật ngữ” như:


Bìa một quyển Amar Chitra Katha

Comic: từ tiếng Anh chỉ truyện tranh nói chung, nhưng với các fan truyện tranh ở Việt Nam thì nhắc đến comic là mặc nhiên nói đến những truyện tranh xuất xứ từ phương Tây. Chiếm được cảm tình của đông đảo độc giả nhất có lẽ là comic châu Âu mà đại diện là nền truyện tranh Pháp - Bỉ. Khác với những hình tượng đáng yêu, hài hước của comic châu Âu, comic kiểu Mỹ là thế giới của những siêu hùng với những cuộc đấu tranh nảy lửa giữa thiện và ác. Có thể chưa đọc qua những bộ comic này nhưng chắc chắc những: Siêu nhân (Superman, 1938), Người dơi (Batman, 1939), Người nhện (Spider-man, 1962), Người khổng lồ xanh (The Incredible Hulk, 1962), Dị nhân (The X-men, 1963)… hoàn toàn không xa lạ với đại bộ phận dân số thế giới.

Manga: từ dùng để chỉ riêng những truyện tranh có xuất xứ từ Nhật Bản. Manga có nhiều thể loại dành cho mọi đối tượng: Kodomo – dành cho trẻ em, với những nội dung hài hước, giàu tính giáo dục, như: Doraemon, Yaiba…; Shounen – dành cho nam thiếu niên, như: Bảy viên ngọc rồng, Dấu ấn rồng thiêng, Thám tử Conan…; Shoujo – dành cho các cô bé (6 – 18 tuổi), như: Thủy thủ mặt trăng, Con nhà giàu, Cô bé chăm chỉ…; Seinen/Redisu – dành cho nam/nữ đã trưởng thành; Gekiga – tiểu thuyết bằng tranh, thể hiện những nội dung nghiêm túc, đề cập đến những vấn đề lịch sử, chính trị, nhiều kiến thức khác…

Otaku: chỉ những người yêu thích manga hay anime (phim hoạt hình Nhật Bản) cuồng nhiệt.

Doujinshi: chỉ những sáng tác của các fan hâm mộ manga. Các doujinshi có thể là phần tiếp theo, mở rộng của các manga gốc, có thể là một câu chuyện mới hoàn toàn dựa trên các nhân vật của các bộ manga đã phát hành… Doujinshi thường do những họa sĩ nghiệp dư sáng tác và cũng được in ấn và xuất bản như các manga chính thống.

Cosplay: trào lưu ăn bận trang phục như các nhân vật truyện tranh, rất phổ biến ở các quốc gia chịu ảnh hưởng của manga trong đó có Việt Nam.

Manhwa: truyện tranh Hàn Quốc. Tuy có phần yếu thế hơn manga nhưng manhwa cũng có lịch sử phát triển lâu dài và vững chắc mà những truyện tranh giàu tính dân tộc, giàu tính chiến đấu trước ách áp bức của quân Nhật của họa sĩ Lee Do Yeong đăng trên Đại Hàn dân báo (1909) được xem là tiên phong cho nền manhwa hiện đại. Những manhwa được biết đến nhiều ở Việt Nam: Hoàng Cung (Goong), Ngôi nhà hạnh phúc (Full house), Ragnarok…

Manhua: Truyện tranh Trung Quốc. Mang phong cách đặc trưng với những bộ “liên hoàn họa” (kể chuyện theo tranh) nổi tiếng Tam quốc chí, Tây du ký, Phong thần…

Amar Chitra Katha (ACK): tức những truyện kể bằng tranh bất hủ, là bộ truyện tranh truyền thống nổi tiếng của người Ấn Độ ra đời từ năm 1967 (bán gần 100 triệu bản, được in bằng tiếng Anh và 20 ngôn ngữ địa phương).

Komik: (lấy theo tiếng Tagalog, ngôn ngữ chính ở Philippines), hoàn toàn sánh ngang với manga, manhwa, manhua… Komik gần gũi với phong cách kiểu Mỹ với sự xuất hiện của hàng loạt những siêu hùng như: Lagim, Ipo-ipo, Lastikman... Trong đó, nổi tiếng nhất là Darna (1950) – một cô gái sau khi nuốt phải một hòn đá đến từ hành tinh Marte bỗng có siêu năng lực, trở thành nữ siêu nhân chiến đấu chống lại các thế lực hắc ám. Đến nay, Darna vẫn là hình tượng siêu anh hùng mẫu mực của komik, đã nhiều lần được dựng thành phim cả phiên bản truyền hình lẫn điện ảnh.

Những bộ truyện tranh không bao giờ lớn

Thời gian qua đi, nhưng những bộ truyện tranh này vẫn ở lại trong lòng biết bao thế hệ, kể cả khi lớn lên và già đi thì hình ảnh đọng lại ngày bé vẫn chưa bao giờ già cỗi.

Những cuộc phiêu lưu của Tintin (Les Aventures de Tintin): là “kiệt tác” của họa sĩ người Bỉ Georges Rémi, ra đời vào ngày 10/1/1929 trên tờ Le Petit Vingtième. Với 24 cuộc hành trình trải dài 57 năm (1929 – 1986), chàng phóng viên cương trực và chú chó Milou trung thành đã có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm, dấn thân vào mọi “điểm nóng” trên thế giới bảo vệ chính nghĩa. Với hơn 200 triệu bản bán ra, được dịch ra hơn 50 thứ tiếng, Tintin là một phần của văn hóa Bỉ.

Lucky Luke: được họa sĩ người Bỉ Morris giới thiệu lần đầu trên tạp chí truyện tranh Le Journal de Spirou vào năm 1946 với câu chuyện Arizona 1880. Đến năm 1957, khi Morris hợp tác với tác giả René Goscinny thì series Lucky Luke thực sự bước vào thời kỳ hoàng kim. Hình ảnh chàng cao bồi đơn độc, có biệt tài “bắn nhanh hơn cái bóng của mình”, lãng du khắp miền viễn Tây trên con ngựa thông minh nhất thế giới Jolly Jumper, chiến đấu cho công lý và lẽ phải đã trở nên thân thiết với hàng triệu độc giả khắp thế giới.


Những cuộc phiêu lưu của Tintin: Bộ truyện tranh đi vào thế giới của rất nhiều thế hệ

Asterix: Chàng lùn Asterix và người bạn khổng lồ Obelix đã bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình trên tạp chí Pilote của Pháp vào ngày 29/10/1959 với sự hợp tác sáng tạo của tác giả nổi tiếng René Goscinny và họa sĩ Albert Udezo. Đến nay câu chuyện về cuộc chiến đấu của những người Gaulois chống lại quân La Mã dưới sự hỗ trợ của thuốc thần đã phổ biến khắp thế giới với hơn 300 triệu bản bán ra và được dịch ra hơn 100 ngôn ngữ.

Superman: cậu bé Kal-El đến từ hành tinh Krypton, được nuôi lớn ở trái đất với tên gọi Clark Kent, dần bộc lộ các siêu năng lực đảm nhận sứ mệnh bảo vệ thế giới đã được tác giả Jerry Siegel và họa sĩ Joe Shuster khai sinh vào năm 1938 trên Action Comics 01. Có thể nói chính Siêu nhân đã mở ra thời đại của những siêu anh hùng trong làng truyện tranh Mỹ, là nguồn cảm hứng cho nhiều siêu phẩm điện ảnh.

Batman: xuất hiện lần đầu trên Detective Comics 27 vào năm 1939. Có thể nói sự xuất hiện của Người dơiđã tạo ra một hình tượng siêu hùng kiểu mới: đầy nhân tính, nặng tình cảm, tâm lý phức tạp. Batman, chàng tỷ phú hào hoa Bruce Wayne, chỉ là một con người bình thường đã tận dụng sức mạnh của khoa học kỹ thuật (và cả tiền bạc), trí tuệ, ý chí để trở thành người hùng bảo vệ công lý. Chính vì bản chất “người” này mà Batman luôn là một trong những siêu anh hùng được yêu mến nhất.

Doraemon: Tác giả Fujiko Fujio sáng tác truyện này từ năm 1969. Ban đầu Doreamon chỉ in từng truyện lẻ trên các nguyệt san dành cho trẻ em của nhà xuất bản Shogakukan. Từ năm 1974 mới được tổng hợp thành tập dày (đã có 45 tập được in từ 1974 đến 1996). Tính đến 2006, Doreamon đã bán được hơn 50 triệu bản tại Việt Nam, giữ kỷ lục về truyện tranh phát hành cao nhất tại đây.

Lên phim

Spider-man (2002, 2004, 2007), Batman (2005, 2008), X-men (2000, 2003, 2006), Iron Man (2008, 2010), Fantasy Four (2005, 2007), 300 (2007), Người khổng lồ xanh (2003), Miêu nữ (2005)… đều đã lên phim.

Sự phát triển của công nghệ hiện đại chính là “điều kiện đủ” để các người hùng từ trang sách mạnh dạn bước lên màn ảnh mà trước đây kỹ xảo điện ảnh chưa đủ sức mô tả những siêu năng lực của họ. Với hơn 5.000 nhân vật truyện tranh sẵn sàng lên phim, cũng như những bản thảo, những ý tưởng chỉ mới manh nha từ các tác giả truyện tranh cũng đã được các nhà làm phim đặt hàng thì có thể khẳng định những siêu anh hùng sẽ còn ngự trị màn ảnh dài lâu.

Tương tự, nền điện ảnh châu Á cũng đang chứng kiến sự “lên đời” của dòng phim được chuyển thể từ truyện tranh. Nếu comic phương Tây chuộng hành động thường trở thành những siêu phẩm điện ảnh hoành tráng thì xu hướng chung khi đưa manga, manhwa vốn thiên về tâm lý tình cảm nhẹ nhàng pha chút hài hước lên màn ảnh là làm phim truyền hình. Vườn sao băng, Ngôi nhà hạnh phúc, Nụ hôn định mệnh... là những ví dụ điển hình. Khác với “sự độc quyền” những siêu hùng của Hollywood, điện ảnh châu Á lại xem các nhân vật truyện tranh là “tài sản chung” khi nhiều phiên bản phim cùng tồn tại ở các quốc gia, như: manga Nụ hôn định mệnh có ba phiên bản Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc. Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam cùng làm phim Ngôi nhà hạnh phúc. Đỉnh cao có lẽ là bộ manga Vườn sao băng của nữ tác giả Yoko Kamio khi có đến năm quốc gia cùng làm phim mà vẫn rất ăn khách vượt trên cả sức hút của truyện...

Đón đọc Bài 2: Manga - khi người Nhật viết truyện tranh

Ngọc Tuyết - Phượng Uyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm