Hội thảo “giải mã” phong thủy (kỳ 1): Đừng khoác lên phong thủy tấm áo thần bí

22/12/2009 14:42 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nếu như một thời không chỉ có bộ môn phong thủy mà nhiều lĩnh vực khác trong kho tàng tri thức phương Đông bị quy hết vào thần bí, mê tín (như dịch học, nhân tướng học…) thì ngày nay, trái lại, người ta đang ra sức chứng minh “chúng khoa học lắm” bằng cách chỉ ra những nét gần gũi, tương đồng với những tri thức khoa học của phương Tây. Xu hướng cổ vũ này nhiều lúc lại trở nên thái quá.

Thế nhưng, tại hội thảo về phong thủy do Trung tâm Lý học Đông Phương thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á - Việt Nam tổ chức hôm 15/12 vừa qua, tôi rất bất ngờ khi Giám đốc Trung tâm - ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh - tổ chức hội thảo này đọc khai mạc với tuyên bố “người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai”. Ông cho rằng: “Hệ thống nguyên lý lý thuyết là tiền đề của khoa phong thủy đã thất truyền và sai lệch”. Vì thế các khái niệm hiện tượng của phong thủy từ hàng nghìn năm nay bị rơi vào trạng thái mâu thuẫn, mù mờ, huyền bí. Muốn giải mã phong thủy và phát huy bộ môn khoa học này phải chữa cái nền móng sai đó, tức là phục hồi lại nguyên lý tiền đề đúng đắn.

“Xem” phong thủy cùng các “thầy” kiến trúc

Nhưng trước khi đi vào cách nhìn mới về phong thủy này, để chứng minh cho những ứng dụng của phong thủy, các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu đã đưa ra những câu chuyện hết sức thú vị, không phải để “thần bí hóa” phong thủy, mà để khẳng định sự tương đồng của nó với các tri thức kiến trúc hiện đại.

Tòa Nhà Trắng có đủ các yếu tố Thanh long, Bạch hổ,
Huyền vũ và Chu tước theo phong thủy

Kiến trúc sư Phạm Cương - Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương tại Hà Nội - kể lại một trường hợp cụ thể một thời từng gây xôn xao dư luận. Đó là về một tòa nhà chung cư hiện đại ở Hong Kong, nơi những người nổi tiếng và thành đạt như Thành Long, Lý Liên Kiệt đã từng ở. Hiện tượng như sau:

Lúc xây dựng tòa nhà thì mặt đứng tòa nhà chưa hề có trổ lỗ thông khí, khi đó nhiều người dân trong khu dân cư hiện đại này mắc những bệnh kỳ quái. Sau một thời gian, khi xử lý theo tư vấn của chuyên gia về phong thủy bằng cách trích một lỗ trên mặt đứng tòa nhà, ở đó đã có sự thay đổi rất kỳ diệu: sức khỏe của đại bộ phận dân cư tăng lên trông thấy, công việc thì trôi chảy hơn trước.

Dưới góc nhìn phong thủy, các nhà nghiên cứu cho rằng: Do tòa nhà đã cản luồng khí được hình thành từ những dãy núi trước mặt, tạo nên một xung sát khí cho tòa nhà này. Vì thế, khi trổ một lỗ thông thì luồng khí trở nên thông thoáng, giải quyết sự bế khí theo phong thủy (là một yếu tố xấu gây trì trệ bất lợi), từ đó tạo nên sự phát triển của ngôi nhà. Rõ ràng ở đây có gắn với yếu tố khoa học về môi trường.
 
Nghiên cứu phong thủy tòa Nhà Trắng tại Mỹ, KTS Phạm Cương cho rằng: tỷ lệ hài hòa cùng một bố cục có đủ cả Thanh long, Bạch hổ, Huyền vũ và Chu tước (4 yếu tố trong phong thủy Loan đầu) đã giúp tòa nhà này trở thành 1 tòa nhà có vị thế đáng nể trên thế giới.

Tòa nhà Chính phủ Singapore cũng tương tự. Chúng ta đều biết, Singapore là một nước rất phát triển cả về khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhưng không vì thế mà vấn đề phong thủy bị xem nhẹ. Tòa nhà Chính phủ của nước này đã được thiết kế khá chuẩn mực dưới góc độ phong thủy.

Nếu nhìn bề ngoài, ở vị trí thông thường, tòa nhà chỉ hài hòa về đường nét khiến cho chúng ta có một cái nhìn thiện cảm mà chưa có gì đặc biệt mang tính phong thủy. Tuy nhiên, nếu sử dụng bản đồ vệ tinh Google, người ta sẽ nhận thấy ý đồ về phong thủy trong công trình này. Tòa nhà được thiết kế theo dạng hình chữ T (theo cách gọi cổ là dạng nhà hình chữ Đinh). Với hình thể này, chúng ta có thể hình tượng ra hình ảnh một con triện và người đưa ra ý tưởng thiết kế đã thêm vào trước mặt con triện đó một vườn hoa hình tròn để tạo nên một con dấu. Như vậy là đã hoàn thành một chỉnh thể triện và dấu đi cặp với nhau, một biểu tượng về quyền lực và thành công. Những gì diễn ra trên chính trường thế giới đã cho thấy Singapore là đất nước nhỏ bé nhưng có tầm ảnh hưởng rất lớn.

Những suy đoán táo bạo từ phong thủy

Ở Việt Nam, cũng có những công trình mà theo quan sát của những chuyên gia phong thủy thì thấy cũng có những ý đồ tương tự nhằm tạo nên những hình tượng đẹp và mang ý nghĩa sâu sắc về phong thủy. Tiêu biểu phải kể đến dinh Độc Lập ở TP.HCM.


Tòa nhà Dinh Độc Lập bị “lộ cốt” xét về mặt phong thủy

Quan sát trên hình ảnh từ trên cao, tòa nhà dinh Độc Lập cũng được thiết kế mang hình tượng cái triện và con dấu. Rất có thể đây là một ý đồ của kiến trúc sư, hình tượng này mang ý nghĩa về quyền lực của chế độ cũ. Tuy nhiên, khi đứng ở góc quan sát bên ngoài thì tòa nhà này lại mang một hình tượng khá xấu xét theo quan điểm phong thủy đó là hình tượng lộ cốt. Vì thế, chủ nhân hoặc người đứng đầu sử dụng công trình này không thịnh vượng lâu dài.

Một nguyên tắc căn bản là khi xây dựng khách sạn, nhà hàng, người ta thường lựa chọn những vị trí đắc địa có thể thu hút được nhiều nhất lượng khách đến lưu trú. Tuy nhiên, chúng ta bắt gặp rất nhiều trường hợp mà những khách sạn tuy nằm ở một vị trí rất đẹp nhưng vẫn khá ế ẩm. Khách sạn T. là một ví dụ. Khách sạn này nằm ở ven bờ hồ Tây là địa bàn lý tưởng cho hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Công trình này đứng dưới góc nhìn kiến trúc có thể coi là tiêu biểu, đã từng đạt được những giải thưởng quan trọng và được đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tế khách sạn này không thu hút được nhiều khách du lịch. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Theo giải thích của KTS Phạm Cương, một phần là do ảnh hưởng của phong thủy. Quan sát trên bản đồ vệ tinh, chúng ta nhìn tổng thể khu vực khách sạn T. có hình ảnh của hình chữ thập. Đây là một hình tượng xấu đứng dưới góc nhìn phong thủy. Với cấu trúc giao nhau như thế này dễ tạo các luồng xung khí gây ảnh hưởng đến các vấn đề nội bộ, từ đó dẫn đến việc kinh doanh kém phát triển.

Qua những ví dụ trên có thể thấy ngoài vấn đề tốt về hướng, về vị trí thì tính hình tượng trong phong thủy cũng rất nên coi trọng.

Đừng khoác lên phong thủy tấm áo thần bí

Qua các ví dụ điển hình đã cho thấy tính hiệu quả của phong thủy cùng với sự ứng dụng môn này không chỉ ở Việt Nam hay những quốc gia phương Đông, có thể nhận thấy chúng ở cả những cường quốc với nền khoa học kỹ thuật vượt trội trên thế giới như Hoa Kỳ. Đi sâu khám phá về lý thuyết của khoa phong thủy, chúng ta còn thấy những điểm tuơng đồng của chúng với khoa học hiện đại.

Có thể kể đến là môn Vật lý kiến trúc nghiên cứu về sự vận động của gió trong nhà. Theo môn này thì không nên để các cửa thẳng hàng nhau sẽ kém thông thoáng, vi khuẩn yếm khí phát sinh. Còn phong thủy phương Đông ở môn phái Loan đầu cũng có lời khuyên tương tự rằng nếu để ba cửa đối nhau dễ phát sinh tai họa.

Những tỷ lệ vàng trong kiến trúc Tây phương cũng có những nét tương đồng đối với những con số coi là đẹp trong phong thủy Huyền không học.

Phong thủy tương đồng với khoa học hiện đại Tây phương và chúng ta hãy nhìn nhận nó dưới góc độ khoa học và đừng khoác nên nó tấm áo thần bí.

Đông Kinh

Kỳ 2:“Chưa có môn học phong thủy là thiệt thòi cho SV kiến trúc”

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm