Vũ Dân Tân: Và cái đẹp cứu rỗi thế giới

23/10/2009 01:51 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Vũ Dân Tân đã qua đời chiều ngày 14/10/ 2009 sau hai năm chống chọi với căn bệnh ung thư ruột. Ông là một trong những nghệ sĩ mỹ thuật được giới thiệu nhiều nhất ở bên ngoài biên giới Việt Nam, như là một hình ảnh đại diện của dòng chảy nghệ thuật đương đại Việt Nam tươi mới, tràn đầy năng lượng sáng tạo và phong phú tinh thần cá nhân.

1. Vũ Dân Tân là con trai của nhà viết kịch Vũ Đình Long (1896 - 1960), nhân vật quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam hiện đại. Ông là chủ nhà in, nhà xuất bản Tân Dân và nhiều tờ báo quan trọng, gắn liền với văn nghiệp của nhiều tác giả lớn của thế kỷ XX, như Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu... Ông còn là nhà viết kịch tiên phong, cha đẻ của kịch nói Việt Nam, với vở Chén thuốc độc (1921). Tuy nhiên, sau năm 1954, một thời gian rất dài, không chỉ cá nhân ông mà còn cả gia đình rơi vào một giai đoạn khó khăn hết sức. Cho đến vừa rồi (tháng 8/ 2009), lần đầu tiên, tên tuổi của Vũ Đình Long được nhắc lại một cách trọng thị nhất với nỗ lực hết mực của gia đình, để cho ra mắt bạn đọc hôm nay tuyển tập các văn học kịch của ông, mang tên Tuyển tập kịch Vũ Đình Long (Nxb Hội Nhà Văn cấp phép xuất bản). Nhân dịp này, một hội thảo quy mô về đóng góp của ông cho nền móng kịch nghệ Việt Nam cũng được Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh kết hợp Hội Nhà Văn và Nxb HNV tổ chức. Trong hội thảo đó, sự hiện diện và góp vai trò chủ trì chương trình của bà quả phụ Mai Ngọc Hà và cô con dâu người Nga Natalia Kraevskaia đã thể hiện một sự trọng thị nhất mực của Ban tổ chức dành cho những cống hiến của hai người phụ nữ đã tiếp nối nhau chèo lái con thuyền gia đình của một tài nhân vượt qua rất nhiều sóng gió từ hệ lụy đời sống, và không chỉ vậy, còn biến đó thành một địa chỉ danh tiếng về nghệ thuật của Việt Nam trong một thời đoạn mới- salon nghệ thuật Natasha, 30 - Hàng Bông, Hà Nội.


 Một số tác phẩm của Vũ Dân Tân
bày tại salon Natasha

2.
Vũ Dân Tân không may bị tật ở đôi chân từ nhỏ. Ông cũng không phải là một người có được sức khỏe bình thường. Hoàn cảnh gia đình riêng có phần bất thuận cho con đường học vấn theo lẽ thường của một người đặc biệt thông minh và có trái tim quá đỗi nhạy cảm, Vũ Dân Tân đã đi theo một lối đi cuộc đời lặng lẽ hơn về bề ngoài song không ngừng nghỉ vận động trong tư duy. Ông đọc nhiều, đặc biệt là triết học và thần thoại học Tây phương. Ông tự học chơi piano, tự học vẽ tranh, tự học làm tất cả những công việc tỉ mẩn như của một thợ cắt may, thợ thủ công khéo léo bậc nhất. Hàng ngày, bên khung cửa sổ lớn kề sát vỉa hè số nhà 30 - Hàng Bông (Hà Nội), có một người đàn ông nhỏ thó, râu tóc dài ngợp, ngồi tỉ mẩn cắt gọt, khâu dán, vẽ nên những hình thù khác lạ. Người này đã biến vô số vỏ lon nước giải khát, những tấm bìa carton, những cái hộp bán thuốc lá và kẹo cao su dạo của hàng nước vỉa hè, trở thành nghệ thuật. Với người bình thường, hình ảnh này có lẽ chỉ cho họ thấy đó là một người nhàn rỗi, “trẻ ranh”. Nhưng với một thế giới nghệ thuật đương đại chứa đựng trong đó rất nhiều thay đổi về quan niệm và tư tưởng nghệ thuật, thì hình ảnh sống và các sáng tạo của Vũ Dân Tân đã nói lên được những nghịch lý sống mà nhân loại đang gánh chịu, chấp nhận và thậm chí lại coi là “được hưởng thụ”. Tỉ dụ, đó là nghịch lý giữa cái gọi là đồ thải loại và nghệ thuật; nghịch lý giữa sự sáng tạo của đôi bàn tay và sự rập khuôn của hàng hóa công nghiệp. Với riêng những tấm bìa carton, Vũ Dân Tân còn sáng tạo nên một serie tác phẩm có tên là Thời trang (từ năm 2000). Ông cắt, dán và khâu rất khéo léo thành những hình nhân phụ nữ, rỗng hoàn toàn bên trong, và không có đầu. Các đường cắt tài hoa của ông gợi lên rõ hình dáng phụ nữ gợi cảm, đẹp đẽ. Trong đó, có những tác phẩm ông còn đề tên là “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Tiếp tục là những sáng tạo nguyên bản, chứa đựng trong đó rất nhiều tư duy cá nhân sâu sắc về thế giới con người, về những nghịch lý luôn tồn tại giữa hai giới phụ nữ và đàn ông, giữa con người cá nhân và con người xã hội mà bài viết nhỏ trong sự vội vàng này chưa thể diễn giải được hết. Ba trang thông tin đầy ắp về các triển lãm cá nhân giới thiệu nghệ thuật của ông ở bên ngoài Việt Nam, cũng như các bộ sưu tập lớn, cho thấy nghệ thuật của ông hẳn chứa đựng một sự cuốn hút khó cưỡng. Có thể kể tên một số triển lãm chính: Festival Nghệ thuật đương đại châu Á - Thái Bình Dương định kỳ 3 năm lần thứ hai, gallery Queensland (Australia, 1996), Những mặt nạ của sư tử và Thần Vệ nữ (triển lãm cá nhân, Viện Goethe, 1999), Gặp Việt Nam - triển lãm nghệ thuật thị giác Việt Nam đầu tiên tại Nhà văn hóa Thế giới, Berlin (Đức, 1999), Cuộc thi nghệ thuật đương đại quốc tế lần thứ 10, Trung tâm nghệ thuật đương đại Osaka (Nhật Bản, 2001), Sau Đổi Mới - Nghệ thuật Việt Nam sau năm 1990, Bảo tàng nghệ thuật Quốc gia Singapore (2008).


 Chân dung tự trào của họa sĩ,
vẽ đầu năm 2009

3.
Thời gian và sức khỏe đã không cho phép Vũ Dân Tân làm được nhiều hơn nữa những sản phẩm nghệ thuật thỏa mãn sở nguyện cá nhân. Một vài năm gần đây, một phần vì phải dồn thời gian và tài chính lo cho sức khỏe của chồng, bà chủ của salon Natasha phải tạm dừng các hoạt động chính thức của salon Natasha, một địa chỉ nghệ thuật đã quá đỗi quen thuộc với giới mỹ thuật cả nước và hầu hết những người nước ngoài quan tâm đến nghệ thuật đương đại Việt Nam. Khung cửa sổ rộng lớn từng bao năm gắn liền với dáng dấp nhỏ thó, cặm cụi, mê mải củaVũ Dân Tân nhiều phen phải khép lại im lìm... Sang đến đầu năm 2009, Vũ Dân Tân hồi phục lại chút ít. Một kế hoạch nghệ thuật đến, khiến thoạt tiên, Vũ Dân Tân tưởng đã gặp được một cơn may lớn trong đời nghệ thuật của mình. Nhưng cuộc sống với tất cả sự phức tạp của nó khiến một người sống khép như ông khó lường được những sự không thông hiểu, những hệ lụy thực dụng- phía khác của nghệ thuật thuần túy. Mọi sự được dừng lại trước khi quá muộn. Nhưng có lẽ với riêng Vũ Dân Tân, đây là một sự khó chịu nhất trong giai đoạn mà sức khỏe thể chất tỉ lệ nghịch với biết bao giấc mơ tinh thần của cá nhân. Một nghịch lý sống không thể giải quyết trọn vẹn.


**
*

     Lễ viếng nghệ sĩ Vũ Dân Tân bắt đầu từ 11h30 đến 14h30 ngày 19/10/2009 tại Nhà tang lễ số 125 Phùng Hưng, Hà Nội.

Không bao giờ là đủ cho những giấc mơ. Cũng như không bao giờ là đủ các câu trả lời cho những điều ước “giá như”. Cá nhân tôi, khi nhận được tin nhắn về sự qua đời của Vũ Dân Tân chiều ngày 14/ 10, đã ước, giá như khi đó tôi được ở Hà Nội để chạy ngay đến ngôi nhà thân quen đó với ông lần cuối. Và thêm nữa, tôi cũng đã ước rất nhiều cho “chú Tân”- tôi vẫn gọi ông như vậy. Trong đó có điều ước dành cho sức khỏe của ông, để ông có thể sáng tạo nhiều hơn nữa những hình ảnh về “cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Với tôi, nghệ thuật của ông gần gụi với cảm thức về cái đẹp hơn cả, bởi nó nguyên bản, không toan tính, chỉ hướng thế giới tinh thần của con người và phần nào giúp con người kiểm nghiệm lại những nghịch lý sống - nhận thức được chúng để sống nhân bản hơn.



Phong Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm