Tranh Việt (Bài 1): Cái gì cũng có thể đấu giá?

15/09/2009 09:21 GMT+7 | Văn hoá

Tranh Việt & thị trường đấu giá quốc tế

Trong một vài năm gần đây, tại khu vực châu Á, Hội chợ Nghệ thuật quốc tế Hong Kong (Hong Kong International Art Fair - ART HK) là một sự kiện nghệ thuật quan trọng và khá đình đám. Năm 2009, ART HK 09 diễn ra từ ngày 14-17/5, đã thu hút hơn 110 gallery của khoảng 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham dự. Hội chợ cũng đã thu hút khoảng 30 ngàn du khách, thu về hơn 1 tỷ USD từ tiền vé, tiền cho thuê diện tích và các khoản lợi nhuận khác. Với một nền mỹ thuật hiện đại có lịch sử kéo dài hơn 100 năm - nếu tính từ bức Chân dung cụ Tú Mền (năm 1898) của họa sĩ Lê Huy Miến (1873-1943), nhưng rất tiếc, tiếng nói của mỹ thuật Việt Nam đã chưa được “cất tiếng” ở đây.

Ở thị trường nghệ thuật khu vực cuối năm nay, tranh Việt hy vọng sẽ có dịp “cất tiếng” ở hai sự kiện quan trọng diễn ra trong tháng Mười. Đầu tiên là ở Nhà đấu giá Sotheby’s tại Hong Kong, vào ngày 6/10 tại New Wing Centre, với phiên đấu giá Nghệ thuật đương đại Đông Nam Á (Contemporary Asian Art - HK0304), được dự đoán sẽ có nhiều tác phẩm của tác giả Việt Nam. Thứ hai là ở Trung tâm Nghệ thuật Singapore lần thứ tư (Suntec Singapore, Level 4) diễn ra từ ngày 9-12/10, tại đây cũng sẽ có khoảng 5 đến 10 gallery thường xuyên có tranh Việt Nam đến tham dự.

Tuy nhiên, nếu xem xét hết các hoạt động nghệ thuật quan trọng trong năm, và chỉ ở cấp độ khu vực, sự xuất hiện như vậy của tranh Việt chưa phản ánh được diện mạo và tầm mức có thể đạt đến của nó. Trong phạm vi chuyên đề tuần này, chúng tôi hy vọng thử cắt nghĩa sự vắng bóng và “e thẹn” của tranh Việt ở các thị trường quốc tế, thông qua các nhà đấu giá.

Thực hiện chuyên đề: VĂN BẢY




(TT&VH Cuối tuần) - Theo định nghĩa thông thường và phổ biến, một cuộc đấu giá là quá trình mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ bằng cách cung cấp cho nó một giá trị lên sàn, nơi diễn ra cuộc đấu giá, để sau đó bán các sản phẩm với giá cao nhất hoặc hợp lý nhất, theo giá mà các người đấu giá (bidder) đề ra. Trong lý thuyết kinh tế, một cuộc đấu giá có thể giới thiệu cho bất kỳ sản phẩm, cơ chế, hoặc thiết lập các quy tắc cho những trao đổi thương mại.


Cái gì cũng có thể đấu giá?

Từ “đấu giá” (auction) bắt nguồn từ tiếng Latin (augère), với hai nghĩa chính là “tăng lên” hoặc “bổ sung”. Đến nay, có 2 hình thức đấu giá chính: đấu tăng giá - theo kiểu phổ quát trên khắp thế giới; đấu giảm giá - theo kiểu không phổ quát và có thành tựu nhất tại Hà Lan.

Tại phương Đông, các hình thức của đấu giá đã hiện diện ở những chợ phiên bộ lạc từ thời chưa có các nhà nước phong kiến nguyên thủy. Theo ghi chép trong các sử liệu xưa, cách đây khoảng 5.000 năm, các phiên đấu giá có tính chất “đổi chác” nô lệ, vật nuôi, bông vải, thực phẩm, vật trang điểm... đã diễn ra tại nhiều nơi. Ở các bộ lạc sống bằng nghề chăn nuôi, phổ biến nhất là việc trao đổi gia súc để lấy lương thực, vũ khí, áo quần...

Tại phương Tây, các phiên đấu giá cũng có một lịch sử lâu đời, theo ghi chép của Herodotus ở xứ Babylon, thì vào khoảng năm 500 TCN, việc đấu giá phụ nữ đã được tổ chức công khai hàng năm, để phục vụ cho các đám cưới.


Thời hoàng đế La Mã, khoảng năm 190-195, các phiên đấu giá chiến lợi phẩm cũng luôn được tổ chức. Dấu tích của việc này ngày nay vẫn còn tìm thấy ở Praetorian Guard.

Ngoài ra, trong nhiều ghi chép cho thấy đấu giá đã “để mắt” tới mọi sự trong thế gian này. Từ một trang trại, một hòn đảo, một con suối... đến lâu đài, máy bay, du thuyền... Cũng có những phiên đấu giá về cá nổi tiếng ở Bắc Âu, ở Tsukiji (Tokyo), hay ở Honolulu (Hawaii).

Tuy nhiên, để có thể gọi tên là “nhà đấu giá nghệ thuật” đúng nghĩa, thì phải kể đến một nhà đấu giá ở Stockholm, có tên đầy đủ là Stockholms Auktionsverk, được thành lập năm 1674 tại Thụy Điển. Nhà đấu giá này vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay, đã từng bán nhiều tác phẩm nổi tiếng của danh họa Rembrandt (1606-1669), rồi các thủ bút, trước tác viết tay của nhà soạn kịch Johan August Strindberg (1849-1912). Từ năm 1993 đến nay, nhà đấu giá này do một công ty tư nhân quản lý và mở rộng quy mô hoạt động khắp châu Âu. Trong tháng 10/2009, nhà đấu giá này tổ chức khoảng 25 phiên đấu, có thể xem lịch chi tiết tại website chính thức.

Một nhà đấu giá lâu đời khác, cũng tại Thụy Điển, có tên Uppsala Auktionskammare, thành lập năm 1731, được xem như nhà đấu giá nghệ thuật chuyên nghiệp thứ hai và cổ xưa của nước này. Trong tháng 10/2009, họ cũng sẽ tổ chức khoảng 10 phiên đấu giá quốc tế.

Các nhà đấu giá lâu đời khác vẫn còn hoạt động đến ngày nay như: Dorotheum (1707), Bonhams (1793), Phillips de Pury Lyon & Turnbull (1826)...

Và điều thú vị hơn nữa, là theo khảo sát, rất nhiều hình thức đấu giá có tính sơ khai, thậm chí hơi “man rợ”, cổ hủ một chút, vẫn còn hiện diện ở nhiều nơi trên trái đất này. Và có thể khẳng định, cái gì cũng có thể đấu giá được (!).

Riêng ở Việt Nam, trong suốt một thời gian dài phổ biến hình thức đấu giá kín (thường chưa được áp dụng cho nghệ thuật), mà thuật ngữ tiếng Anh gọi là “silent auction”. Hình thức này được xem là một biến thể của đấu giá công khai truyền thống, nơi giá thầu được viết lên phiếu rồi bỏ vào thùng kín. Khi hết hạn đấu giá, thùng phiếu sẽ được mở và công bố người ra giá thầu (bidder) thắng cuộc. Cách đấu này lại sinh ra một biến thể khác là các cuộc đấu giá niêm phong giá thầu, thường diễn ra với các dự án lớn, ví dụ như như cầu đường, xây dựng... Trong nghệ thuật, người ta rất ngại phương thức đấu giá này.

Chuyện của “hai anh cả”

Nhà đấu giá Sotheby’s danh tiếng mà chúng ta biết đến ngày nay đã tổ chức phiên đấu giá đầu tiên vào năm 1744 tại Anh quốc, được sáng lập bởi Samuel Baker. Trải qua rất nhiều thăng trầm, chủ yếu do kinh tế và chiến tranh, năm 1983, ông Alfred Taubman, một triệu phú Mỹ, đã mua lại nhà đấu giá này và nhân rộng quy mô hoạt động, đưa lên sàn chứng khoán vào năm 1988.


 Tác phẩm Nostalgie (Hoài cố hương, 60,5 x 46cm, lụa, 1938) của Lê Phổ (1907-2001) được Sotheby’s bán với giá hơn 300.000 USD
Ngày nay, doanh thu của Sotheby’s vào khoảng 3 tỷ USD/năm, với các chi nhánh & Company (1796), Freeman’s (1805) và chính ở London, New York, Hong Kong, Moscow... và một tập đoàn các công ty nhỏ thuộc Sotheby’s International. Tại Việt Nam, vào cuối năm 2008 vừa rồi, tập đoàn này cũng đã mở văn phòng đại diện với tên gọi Vietnam Sotheby’s International Realty, chuyên về bất động sản cao cấp.


Trong suốt lịch sử tổ chức đấu giá nghệ thuật, Sotheby’s đã từng bán “tăng vọt giá” nhiều tác phẩm. Đơn cử như tranh của Pablo Picasso với giá 104 triệu USD, Gustav Klimt với giá 135 triệu USD, Mark Rothko với giá 72,8 triệu USD, Damien Hirst với giá 19,3 triệu USD, Norman Rockwell với giá gần 5 triệu USD...

Đây cũng là nhà đấu giá có nhiều gắn bó với tranh Việt Nam, nhất là các họa sĩ học trường Tây và trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 2006 tại Singapore, Sotheby’s đã bán tác phẩm Nostalgie (Hoài cố hương, 60,5 x 46cm, lụa, 1938) của Lê Phổ (1907-2001) được hơn 300.000 USD. Tính đến nay, đây có thể là tác phẩm đắt giá nhất của Việt Nam tại một phiên đấu giá nghệ thuật chuyên nghiệp.

Và vì gắn bó với tranh Việt, nhưng do chưa có chuyên gia đặc trách “nằm vùng” thực sự, cũng do Việt Nam chưa có cơ quan thẩm định và chứng nhận nghệ thuật, chưa có sàn giao dịch nghệ thuật, chưa có các mô hình đấu giá đúng nghĩa... nên Sotheby’s đã vấp phải những kinh nghiệm “máu xương” vì nạn tranh giả tinh vi.

Một tên tuổi lớn khác là Christie’s, được sáng lập bởi James Christie (1730 - 1803) từ khoảng 1759, nhưng phiên đấu đầu tiên thì vào năm 1766, tại London, Anh quốc.

Ban đầu, đây là một tập đoàn mang tính công cộng, lên sàn chứng khoán của Sở Giao dịch London, từ năm 1973 đến 1999, sau này thì thuộc quyền sở hữu tư nhân của một người Pháp, là Francois Pinault, một doanh nhân có tài sản vào khoảng 16 tỷ USD (năm 2008).

      Nói tới các nhà đấu giá nghệ thuật, nhiều người nghĩ ngay đến Christie’s và Sotheby’s, hai nhà đấu giá quy mô, nổi tiếng bậc nhất hiện nay, và tên tuổi họ gắn liền tới các sự kiện đấu giá nghệ thuật thường xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng trên thực tế, các nhà đấu giá nghệ thuật từ xưa tới nay trên thế giới có vô số với một thị trường đấu giá nghệ thuật gần như không biên giới.
Christie’s có những tác phẩm nghệ thuật và những tư liệu “hàng độc” của Leonardo da Vinci, Vincent Van Gogh, Napoleon Bonaparte, Pablo Picasso, Rembrandt, Diana, Công chúa xứ Wales, Marilyn Monroe... Tính đến 1/2009, Christie’s đã có khoảng 85 văn phòng ở khoảng 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thời đỉnh điểm, Christie’s có khoảng 2.200 nhân viên trên toàn thế giới. Nếu tính luôn lĩnh vực bất động sản, họ đã có liên kết với khoảng 900 văn phòng và khoảng 36.000 người môi giới. Từ năm 2007, sự liên kết phức tạp này cho ra tổng doanh thu hàng năm đạt trên 128 tỷ USD.


Đây cũng là nhà đấu giá đã có những đỉnh điểm về giá tác phẩm. Đơn cử như bốn bức tranh của Gustav Klimt được bán với tổng số tiền 192 triệu USD vào năm 2006; năm 2008, một tác phẩm của Claude Monet đã được bán với giá 80,4 triệu USD... Ngoài ra họ cũng đã bán được những tác phẩm quan trọng của Brancusi, Matisse, Mondrian...

Năm 2005, tại Hong Kong, Christie’s đã bán tác phẩm À l’approche du Têt (Sắp Tết, 60 x 47cm, lụa, 1937) của Lê Phổ với giá hơn 100.000 USD. Cũng giống như các nhà đấu giá nghệ thuật chuyên sâu ở châu Âu, đặc biệt ở Thụy Điển, Christie’s nổi tiếng bởi sự kén chọn tác phẩm “đầu vào”, tranh Việt Nam ít có cơ hội xuất hiện trong các phiên đấu giá của họ. Trong hai, ba năm gần đây, do “có trục trặc” với các nhà tư vấn và chứng nhận nghệ thuật “nằm vùng”, và cũng do nạn tranh giả “khủng bố”, tranh Việt đã vắng bóng hoàn toàn trong các phiên đấu giá, đánh mất một cơ hội ngàn vàng mà nhiều khi mất rất nhiều thập kỷ mới tạo dựng được.

Cũng có câu hỏi đặt ra rằng, liệu sẽ có một lúc nào đó thế giới chỉ còn lại “hai anh cả” chuyên về đấu giá nghệ thuật là Christie’s và Sotheby’s? Theo quan điểm của nhiều nhà phân tích lịch sử nghệ thuật thì không, vì những nhà đấu giá khác, nhất là các nhà đấu giá địa phương, dù tên tuổi và tài lực không bằng, nhưng với những hiểu biết thực tế, những phương thức hoạt động có tính đặc thù, họ vẫn luôn phải tồn tại song hành.
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm