Họa sĩ Dương Thùy Dương: "Nhìn mình như nhìn một người khác"

22/05/2009 14:52 GMT+7 | Văn hoá

1. Xin được bắt đầu bằng một câu chuyện vui: Một ông sau khi chuyển sang ngạch dân sự, làm thầy giáo ở một trường nghệ thuật, đã đem những nguyên tắc cứng nhắc và thói quan liêu cũ ra áp dụng vào kỷ luật của trường. Có sinh viên bất bình, không làm thế nào được bèn ghi lên tường câu “vè”: Hoan hô thầy Nguyễn Văn A/ Hết giờ hành chính về nhà ăn cơm... Thầy bắt đe bắt nẹt mãi không tìm ra ai viết, đành bắt bảo vệ lấy vôi xóa đi. Câu vè đó đúng là không có gì chê bai phê phán lại phác ra chân dung một ông thầy quan liêu!


Nữ họa sĩ Dương Thùy Dương
Dù một sự vật phức tạp như thế nào, thì cuối cùng con người cũng có nhu cầu phải định danh cho nó một cái tên gọi, hoặc một ý nhận định xác đáng. Như cầm được đầu mút sợi chỉ, là có thể rút ra hết búi chỉ rối. Ngôn ngữ hiện ra trên bề mặt cuộc sống, và những thứ đằng sau ngôn ngữ cũng y như vậy. Nhận mặt những gì chính danh thì dễ dàng đã đành, nhưng có những thứ “trông vậy mà không phải vậy”, lửng lơ, nước đôi, pha trộn, tạp chủng, xanh vỏ đỏ lòng thì làm thế nào? Để gọi ra những trạng thái ấy không gì tốt hơn là ngôn ngữ của nghệ thuật...

Hội họa cũng làm nhiệm vụ định danh những trạng thái lững lờ mù mờ như vậy. Nhưng nó phát xuất từ trạng thái của cá nhân chứ không phải câu chuyện của số đông. Nó nhìn ngược vào trong từng bản thể hơn là phóng chiếu ra ngoài. Và địa chỉ của nó là: Càng đào bới sâu con người cá thể bao nhiêu, càng đo được nhân loại bấy nhiêu.

Loạt tranh của nữ họa sĩ trẻ Dương Thùy Dương bày lần này có tên là: Trong mắt người khác với lý do cô nêu ra trong tự thuật: “Bởi chúng ta sống với nhau trong một cộng đồng. Mỗi chúng ta đều được nhìn bởi một người khác. Mỗi người chúng ta đều được nhận ra trong mắt người khác một cách khác nhau. Sự nhận chân của người khác về mình đôi khi còn đáng tin hơn chính mình. Ngoài ra tất cả chúng ta đều thích phán xét người khác. Ngược lại, tự phán xét mình thì thật là khó. Đó là nguyên nhân tại sao tôi lại sử dụng hình dạng cái đầu mình cho loạt tranh này. Tôi muốn nhìn chính mình như nhìn một người khác”.


Tranh trong triển lãm Trong mắt người khác
Hầu hết những bức tranh của Dương đều vẽ lại chính cái đường viền chân dung của chính cô, nhưng là như trong mắt những người đã từng đối diện với cô. Tất cả những điều vừa nói trên chỉ là hình dung thôi. Nhưng đứng trước các bức tranh này, người xem thấy toát ra rất rành mạch những ý vị ấy. Ngoài ra có duy nhất một bức hoàn toàn trừu tượng, giống như vẽ những đám sinh vật phù du trôi lững lờ dưới tầng nước sâu. Cái quan hệ người - người ấy, rất có thể diễn ra thành một thứ tương tự như vậy. Có lúc xa có lúc gần, có lúc hòa quyện có lúc đối nghịch.

2. Tranh Dương Thùy Dương đi theo một tiến trình rất có tuần tự về việc khám phá bản thể và cái quan hệ người - người như thế. Thoạt tiên là triển lãm Nhà quê, thành thị và những giấc mơ bày chung với Đào Minh Trí năm 2006. Đó là những câu chuyện “thương vay khóc mướn”, cho quá trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra ào ạt và thân phận những người ra thành phố kiếm sống, là chuyện của con mắt nhìn ra ngoài. Đầu năm 2008, cô bày tiếp một triển lãm cá nhân mang tên Đến và đi toàn tranh tự họa với những tự vấn về sự tồn tại của cá nhân với thời gian.

Trong mắt người khác - triển lãm tranh sơn dầu của nữ họa sĩ trẻ sinh năm 1979 Dương Thùy Dương đang diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội (56- 58 Nguyễn Thái Học) và sẽ kéo dài đến 27/5. Hà Châu Sơn.

Loạt tranh trong triển lãm sơn dầu Trong mắt người khác lần này, có thể gọi là một dạng “chân dung tự họa phản tự họa”.

Ba triển lãm liên tiếp cho thấy họa sĩ có một quá trình làm việc và tư duy hội họa nghiêm túc, liên tục, trưởng thành về nghệ thuật có tầng bậc. Xuyên suốt cả quá trình sáng tác ấy, là sự “định danh” được những gì là khao khát, là tỉnh táo, là khắc khoải, là đau đớn, là kinh nghiệm của cả sự va đụng, thua được của tâm hồn. Tất cả những điều ấy trộn vào nhau với những liều lượng tinh nhạy, thoang thoảng trừu tượng rất khó nắm bắt với sự biểu cảm dưới vỏ lạnh lùng mà họa sĩ ảnh hưởng từ hội họa biểu hiện Đức. Gọi tên một trạng thái có tính chất siêu hình, toát ra một sự ám thị trừu tượng nào. Phải chăng đấy mới là sự đặc sắc nhất của ngôn ngữ hội họa, mặc dù bức tranh vẽ hình có nghĩa hay không có hình, có màu hay đen trắng cũng không quan trọng. Đúng ra, vẽ được như thế mới là hội họa.
Hà Châu Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm