"Tiếng nổ" của nghệ thuật

20/04/2009 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ 4/4/2009 đến 21/6/2009, tại Viện Bảo tàng nghệ thuật ở Sydney (Australia) đã khai mạc cuộc triển lãm nghệ thuật có tên NAM BANG! (Tiếng nổ ở Việt Nam). Đây là một cuộc triển lãm có tầm vóc quốc tế rộng lớn, thu hút 25 tác giả thuộc nhiều thế hệ đến từ nhiều quốc gia: Australia, Mỹ, Việt Nam, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... với gần 50 tác phẩm gồm nhiều loại hình nghệ thuật với một chủ đề xuyên suốt: “Cuộc chiến tại Việt Nam!”

Họa sĩ Việt Nam duy nhất có mặt trong lễ khai mạc là Lê Trí Dũng. Với tư cách là một cựu chiến binh, anh đã có dịp trao đổi về các góc nhìn “Cuộc chiến tranh Việt Nam” với các cựu chiến binh Mỹ, Australia cũng như các họa sĩ thuộc thế hệ trẻ sinh sau 1975.
 
Họa sĩ Lê Trí Dung bên bức tranh “Nỗi đau của những người lính…”

Dưới đây xin giới thiệu tóm lược bài viết của họa sĩ Lê Trí Dũng.

Đã 34 năm trôi qua, kể từ ngày cuộc chiến kết thúc năm 1975. Nhưng vết thương của nó vẫn còn rỉ máu trên tất cả các quốc gia tham chiến, hệ lụy của nó chắc còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ con cháu của những người trong cuộc, đặc biệt là những người trực tiếp cầm súng tham chiến trên chiến trường Việt Nam. Năm tháng cứ trôi đi, người ta từng đặt nhiều câu hỏi: “Chiến tranh nổ ra - Ai sẽ là người thiệt thòi nhất ?”. “ Nạn nhân chiến tranh được giải quyết như thế nào?”, “Đấu tranh để có công lý cho các nạn nhân chiến tranh ra sao?”v.v... - Thực tế cho thấy tất cả mọi vấn đề đều không đơn giản...

Nhưng nghệ thuật lại tìm ra con đường đi thẳng tới trái tim nhân loại. NAM BANG! với tiếng nổ của mình đã góp phần như thế! Không thể kể hết ở bài viết khiêm tốn này đủ 25 tác giả với gần 50 tác phẩm. Ta có thể đơn cử khá nhiều ví dụ: Độc giả tới khung cảnh thanh bình đầy chất “đương đại” của Casula House ART với những bồn nước và ống khói khổng lồ, di tích của một nhà máy điện cổ đầy chất hiện đại... Trong phòng triển lãm với sức mạnh biểu đạt hiện đại video art, họa sĩ Đinh Q. Lê đã đưa người xem vào không gian âm u của ngục tù Côn Đảo - một trong những nhà tù nổi tiếng của người Pháp và người Mỹ tạo ra. Với những bức tường lở mốc và những song sắt to bản, cửa thông hơi hình bán nguyệt và những cùm chân liên hoàn... người ta thấy ngộp thở và cảm thấy giá trị của tự do, qua đó càng thấy rõ chiến tranh và tù ngục có sự liên hệ mật thiết (Hòn đảo ngục tù).

Với William Short thì khác, anh là cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến dưới sắc áo lính của Sư đoàn Bộ binh số 1 (có biệt danh là Anh cả đỏ). Lần này, anh tham gia một bộ ảnh màu và đen trắng với cái tên Ký ức của cuộc chiến tranh: Chuyện kể từ phía bên kia với hàng loạt chân dung của người lính, người tù phe đối phương, những đầu đạn và huân chương sau cuộc chiến và cuộc sống bình dị giờ đây của họ... Với Ray Beattie thì khác, anh từng là một người lính Úc tham chiến trực tiếp trên chiến trường. Anh vẽ hai tác phẩm sơn dầu khổ lớn: Hình ảnh của một người đã khuất mượn hình tượng người cha đã quá cố của mình (cũng là một người lính) để nói lên thân phận của các cựu chiến binh Australia trong cuộc chiến Việt Nam... Lá cờ đã xếp lại, chiến bào đã cởi ra khoác trên ghế với đầy rẫy huân chương trên ngực, mũ lính úp trên, dây điện thoại đã rút khỏi công tắc... Với một kỹ thuật sơn dầu tả thực vào bậc thầy, dường như Ray muốn nói: Chúng tôi đã đoạn tuyệt với các anh, với thế giới của các anh - một thế giới không còn công lý... Bức sơn dầu đã gây ấn tượng mạnh tới người xem về một ý tưởng sâu sắc và hình thức bố cục độc đáo.
 
Tranh của họa sĩ Ray Beattie (cựu chiến binh Astralia)

Với bút pháp tung phá của con dao vẽ, tôi (Lê Trí Dũng) đến với công chúng bằng hai bức acrylic khổ lớn 2mx2m mang tên Nỗi đau của người lính cả 2 chiến tuyếnMẹ. Bức Nỗi đau... mang hình tượng một tàu lá chuối tả tơi hình chữ S sau chiến cuộc mà phía dưới là cái bào thai nhiễm dioxin, cân bằng hai bên là 2 cái mũ lính của 2 bên đối trận, lên tiếng khẩn thiết đòi công lý cho những thế hệ con người đau khổ vì bị nhiễm chất độc dioxin... Bức Mẹ, ở trung tâm vẽ bà mẹ ôm di ảnh con trai đã hy sinh trong sự đợi chờ vô vọng, phía sau là muôn vàn di ảnh của hàng triệu người lính - các con của mẹ bay lên không trung trong sự chia sẻ nỗi đau bất diệt cho tất cả những người mẹ mất con...

Ngay cạnh đó là bộ ảnh của Dennis Trew đến từ Canberra, với các cổ họng lở loét, những bộ mặt quái thai dị dạng, với trái tim được móc ra cầm trên tay... Tác giả đã cho người xem thấy kết quả khủng khiếp của chất dioxin in lên con cháu của những người lính, đòi hỏi trách nhiệm bồi thường của chính phủ Mỹ và lên án thái độ lẩn tránh công lý của họ! Còn với Trevor Woodward thì quả thật là độc đáo... Cả một mảng tường lớn với 400 bức biếm họa ken dày, người lính Úc dưới sắc phục biệt động quân năm xưa nay đã tố cáo chính phủ Australia mà trực tiếp là ông Thủ tướng thời đó dưới một ngôn ngữ vừa hài hước vừa chua cay...

Đặc biệt, nhà nhiếp ảnh Canada - Bruce Barber với 3 tấm ảnh lớn có cái tên Tưởng nhớ Việt Nam đã làm người xem căm phẫn chiến tranh; những xác người chồng chất sau vụ thảm sát, những thường dân chạy loạn nháo nhác và trực thăng đổ quân năm nào, in tràn trên ảnh là những bài thơ phản chiến.

NAM BANG! (Tiếng nổ ở Việt Nam) quả thực là một tiếng nổ của nghệ thuật thức tỉnh công chúng yêu hòa bình và công lý trên thế giới. Nó đòi hỏi tất cả chúng ta phải có thái độ với cuộc chiến dù dưới bất cứ cương vị nào, cần phải sẻ chia, thông cảm với hệ lụy, nạn nhân của cuộc chiến, cho dù thời gian đã trôi qua với dòng chảy 1/3 thế kỷ. Nó thay mặt những người có lương tri tuyên bố rằng: Chúng tôi không cần chiến tranh!

Họa sĩ Lê Trí Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm