Vườn tượng Huế đang bị "xẻ thịt"

11/07/2008 11:10 GMT+7 | Văn hoá

Từ năm 1998 đến nay, Huế đã 5 lần tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế trong mỗi kỳ festival. Gần 100 tác phẩm điêu khắc ra đời đứng chen chúc nhau đã góp phần phá vỡ cảnh quan hai bờ sông Hương, làm mất đi vẻ đẹp sâu lắng tự nhiên vốn có của nó. Tuy nhiên, điều mà người dân Huế đang day dứt không phải ở số lượng mà ở chất lượng của nhiều bức tượng đang chiếm chỗ và nạn “xẻ thịt” tượng của những kẻ cắp nơi đây.

Nhiều tác phẩm kém chất lượng

 Một không gian chật hẹp trong công viên có nhiều bức tượng được đặt
Ông Nguyễn Hiền, Trưởng khoa Điêu khắc Trường đại học Nghệ thuật Huế đồng thời cũng là một điêu khắc gia tên tuổi của Việt Nam, người đã 17 lần tham dự các trại sáng tác điêu khắc quốc tế trong và ngoài nước, đồng thời điều hành 5 trại điêu khắc quốc tế tại Huế, khẳng định cái được mà các trại điêu khắc này để lại là không thể đo đếm, song cũng không ít tác phẩm điêu khắc tham dự trại sáng tác điêu khắc quốc tế không đạt chất lượng.

Đặc biệt những tác phẩm này lại đặt ở không gian thơ mộng bên bờ sông Hương. Có trường hợp 5 nhà điêu khắc cùng quốc tịch đến tham dự, nhưng chỉ có một tác phẩm trong số đó được đánh giá là tốt về chất lượng.

Vài tác giả khác thể hiện trình độ kém xa so với những gì họ công bố trên website của mình. Chẳng hạn tác phẩm Một đứa trẻ, nhiều đứa trẻ của Annette Senneby (Thụỵ Điển), thực chất chỉ là một hòn đá to (không hề được đục đẽo, gọt giũa), chỉ tô thêm màu. Một số tác giả xử lý chất liệu rất kém.
 
 Bức Độc diễn bị kẻ gian trộm phần xương
bằng đồng, chỉ còn phần chân
Tác phẩm Vẽ trên đá của tác giả Sue Pedley, đến từ Úc, khi thực hiện xong vẫn chỉ là 3 khối đá thô nhám nguyên hình, nguyên dạng như ban đầu. Có tác giả nước ngoài chỉ phác thảo trên giấy rồi chỉ trỏ cho thợ của ta đục đẽo, nhiều khi cả hai bên không hiểu ý nhau và cho ra đời một tác phẩm kém chất lượng.

Tác phẩm bị hư hại, bị mất cắp

Việc không thực hiện đúng quy định của ban tổ chức về chất liệu đã làm thiệt hại cho các trại điêu khắc quốc tế ở Huế, thiệt thòi cho sự hưởng thụ nghệ thuật của công chúng. Do thời tiết, khí hậu ở Huế khắc nghiệt, tượng lại đặt ngoài trời nên ban tổ chức quy định chất liệu điêu khắc phải bền vững, nhưng không phải tác giả nào cũng đăng ký làm bằng đá, đồng.
 
Tác phẩm Một đứa trẻ và nhiều đứa trẻ chỉ là một hòn đá 
Một số tác phẩm thể hiện chất liệu bằng composite mỏng manh nên chỉ một thời gian ngắn tượng đã bị rạn vỡ, như tác phẩm Chạy tới tương lai của Zhang Jihong (Trung Quốc), một số tác phẩm làm bằng gỗ, nhựa, bao tải cũng đã nhanh chóng hư hỏng theo thời tiết.

Sự ứng xử thiếu văn hóa của một số người đối với các tác phẩm điêu khắc, sản phẩm của 3 trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Huế, đang trưng bày ở các không gian mở, đã khiến những người có trách nhiệm băn khoăn. Đó là sự ăn cắp nguyên liệu trên các pho tượng.


Tượng Độc diễn - một tác phẩm bằng đồng đầy xúc cảm của tác giả người Đức Juliane Heise - đã bị kẻ trộm lấy mất phần tượng bằng đồng đặt phía trên đỉnh, chỉ còn mỗi chân tượng. Tượng hình trái tim bằng đồng trong một tác phẩm của Vĩnh Phương, quốc tịch Hà Lan, cũng bị cưa trộm.

Tác phẩm Chủ đề của chúng ta, với chất liệu bằng sắt, của tác giả Dolorosa (Indonesia), sau 3 lần bị cưa trộm, phần thân của bức tượng này đã bị kẻ cắp đem bán cho dân đồng nát. Nón và gió, một tác phẩm của tác giả Bùi Hoàng Vân, quốc tịch Mỹ, dành tặng riêng cho Huế, được sáng tác bằng sự rung động trước vẻ đẹp của những tà áo dài, chiếc nón bài thơ... Nhưng, 3 cái nón gắn trên tác phẩm với chất liệu bằng đồng đã bị kẻ gian cưa trộm, giờ chỉ còn trơ lại những thanh sắt nhọn.
 
“Công viên mà như chợ bán tượng”

Họa sĩ Phan Thanh Bình, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế, bức xúc: “Mục đích của tượng ngoài trời là để làm đẹp cảnh quan. Trước khi xây dựng tác phẩm, tác giả đã xác định vị trí của bức tượng đặt ở đâu và sẽ hướng bức tượng phù hợp với cảnh quan môi trường ở đó. Nhưng do tỉnh Thừa Thiên - Huế không có quy hoạch về cảnh quan nên những bức tượng đặt ở công viên bờ Bắc sông Hương, trên đường Lê Duẩn và công viên đối diện Trường THPT Quốc Học được sắp xếp một cách tùy tiện, cẩu thả, mật độ tượng quá dày đặc. Dường như bất cứ chỗ trống nào trong công viên đều được “nhét” tượng vào. Thậm chí trong các lùm cây, cũng có tượng. Chỉ một mặt bằng rất nhỏ ở công viên đối diện Trường THPT Quốc Học đã có trên 10 bức tượng chen chúc nhau, gây cảm giác rối mắt. Nhìn vào công viên cứ như chợ bán tượng” .
 
Trước thực trạng vườn tượng Huế đang quy hoạch lộn xộn, thường xuyên bị mất cắp, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có ý định xây vườn tượng quốc tế tại núi Ngự Bình, đưa tất cả các tác phẩm điêu khắc đã sáng tác qua các kỳ Festival Huế về địa điểm này, song đó chỉ là ý tưởng. Bởi vườn tượng quốc tế trong tương lai đang là khu vực nghĩa địa. Vấn đề di dời, giải tỏa không hề đơn giản.

Theo NLĐ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm