20/10/2012 10:33 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Diễn ra vào đầu tháng 10, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2012 cho thấy một thực tế: ít nhiều, đây vẫn là một sự kiện tương đối được chú ý – khi đặt cạnh thái độ... thờ ơ chung của dư luận trước hàng loạt giải thưởng văn học được trao trong năm.
Làm sao để những giải thưởng văn học có sự tác động trực tiếp tới người đọc và tồn tại lâu hơn so với... vài phút ngắn ngủi trong lễ vinh danh? Đó là câu hỏi TT&VH đặt ra với 2 nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) và Ngô Thảo – người vừa được tổ chức nghề nghiệp này trao tặng giải Phê bình của năm 2012 (tác phẩm Dĩ vãng phía trước).
* Trong Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2012, giải Dịch thuật của dịch giả Dương Tường (tác phẩm Lolita) gây chú ý nhất – khi mà vài tháng trước, một số sai sót của bản dịch này đã được chỉ ra. Hội đồng giám khảo có tính tới dư luận khi chọn vinh danh tác phẩm này?
- Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Nếu hiểu theo cái nghĩa rằng Hội Nhà văn Hà Nội cố tình “gây sốc” để tạo dư luận thì tuyệt đối không. Như mọi năm trước, nếu tác phẩm không đủ chất lượng, chúng tôi luôn sẵn sàng bỏ trống một số hạng mục trong giải thưởng của Hội.
Cần nói rõ, giải thưởng cho Lolita được căn cứ trên bản dịch của lần tái bản – khi bác Dương Tường đã tiếp thu từ dư luận và sửa lại một số hạn chế của bản trước. Và quan điểm của chúng tôi: những hạn chế đã được khắc phục ấy là quá nhỏ, so với chất lượng chung và giá trị văn hóa mà bản dịch Lolita mang lại. Có người bảo tôi và các ông cũng giỏi, thông thường gặp chuyện rắc rối như vậy thì nên “tránh” là hơn. Tôi trả lời: chúng tôi đặt ra giải thưởng thì phải dám tin vào sự nhận định của mình.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên |
- Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tôi nghĩ, mỗi hệ thống giải thưởng đều có sự khác biệt tùy theo quan điểm của Hội đồng giám khảo. Không phải ngẫu nhiên, tại một số cuộc thi, tác giả thường đợi tới “phút 89” mới tham dự, khi danh tính Hội đồng giám khảo lộ ra. Ví dụ, nếu hội đồng có ông Nguyên thì họ sẽ cố viết theo đúng “khẩu vị” văn học của ông Nguyên. Hoặc nếu hội đồng có ông Ngô Thảo thì thôi khỏi tham dự, bởi thừa biết ông Ngô Thảo có thành kiến với tác phẩm của mình (cười).
Quan điểm của chúng tôi thì đơn giản: giải thưởng không đơn thuần là vinh danh tác phẩm. Mặt bên kia của nó còn là yêu cầu định hướng người đọc nữa. Trường hợp Lolita là ví dụ điển hình, khi chúng tôi sẵn sàng đứng ra đảm bảo và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.
* Dù có thể chưa được sự đồng tình tuyệt đối, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội vẫn là sự kiện tạo được dư luận trong vài năm gần đây. Ông Ngô Thảo nghĩ sao về điều này?
- Nhà văn Ngô Thảo: Sự thật, trong các giải thưởng văn học thường niên, 2 hệ thống giải của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam vẫn được người trong nghề chú ý nhất. Ngoài ra, có thể kể tới một số giải tiểu thuyết, giải truyện ngắn của báo Văn Nghệ, báo Văn Nghệ Quân đội.... Thẳng thắn mà nói, những giải thưởng khác, hoặc bị bó hẹp ảnh hưởng tại địa phương, hoặc ít nhiều mang tính chất cơ sở, tôn vinh tác giả cao tuổi.
Trong số này, quả thật người ta chú ý đến giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội hơn bởi chuyện “xôm trò” sau khi trao giải. Điều này chẳng có gì là xấu mà chứng tỏ độc giả đã quan tâm và biết đến tác phẩm nhiều hơn. Nhưng, cũng phải nói là cách tổ chức của Hội cũng quan trọng. Đại khái là họ biết tầm ảnh hưởng, biết “thân phận” của mình trong sự so sánh với những giải thưởng lớn hơn, do vậy mà công tuyên truyền của họ cũng nhiều hơn…
Nhà phê bình Ngô Thảo (giữa) trong lễ nhận giải của Hội Nhà văn Hà Nội |
- Nhà văn Ngô Thảo: Điều này đặt ra 2 câu hỏi: chất lượng của tác phẩm và thái độ của nơi tổ chức đối với giải thưởng mà mình vinh danh. Tạm bỏ qua câu hỏi đầu tiên, tôi ngờ rằng có một số tác phẩm hiện nay được trao tặng như một thứ trách nhiệm của những người chấm giải, chứ không phải với tình yêu, với sự năng động và tìm tòi. Nôm na, nếu như tìm được một cuốn sách hay, hẳn bạn sẽ hớn hở đem sự lựa chọn của mình đi “khoe” và cố gắng để mọi người xung quanh cùng biết.
* Câu hỏi cuối cùng, theo ông, điều cần thiết để tạo nên tiếng vang cho một giải thưởng văn học là gì?
- Nhà văn Ngô Thảo: Nói cho cùng thì không có ai nghĩ ra được đường đi nước bước cho sự tồn tại của một tác phẩm trong cuộc sống. Có những tác phẩm cứ lặng lẽ ra đời không được ai nhắc tới nhưng đến một ngày nào đó lại phát lộ và được mọi người trân trọng. Tôi nghĩ, cơ duyên lớn nhất cho một giải thưởng vẫn là sự chân thành. Tấm lòng của người cho giải cởi mở, nồng nhiệt thì sẽ được sự hưởng ứng.
Tôi cũng muốn nói một điểm nữa: giải thưởng rất quan trọng với người trẻ. Bởi suy cho cùng người trẻ làm bất cứ điều gì cũng cần có sự động viên để thu về lòng nhiệt tình và trách nhiệm cho mình. Bởi thế, những giải thưởng nên tặng khi người ta còn trẻ, còn già chỉ có tính chất an ủi mà thôi (cười).
* Xin cám ơn hai ông!
Chiêu Minh - Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất