Cuộc chơi văn chương gây tò mò

18/10/2012 06:28 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Buổi trình diễn tiểu thuyết được coi là “chưa từng có trong làng văn” với nhiều lối thoại và hình thức trình diễn, quy tụ 3 “diễn viên”: nhà văn Đặng Thân, nhà thư pháp Trịnh Tuấn và nhà phê bình Lã Nguyên, sẽ diễn ra vào tối 18/10 tại Hà Nội. Chương trình được sự tài trợ của Viện Goethe.

Cuốn tiểu thuyết làm nền cho ý tưởng này là 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần], tác phẩm viết theo phong cách hậu hiện đại của nhà văn Đặng Thân, ra mắt năm 2011, dày 666 trang, được giới phê bình trong nước rất chú ý về những phá cách trong lối viết.

1. Nhà thư pháp Trịnh Tuấn cho rằng “ở một phương diện nào đó, tôi thấy các cuộc trình diễn văn xuôi đều mang tính mặt phẳng, không có sự đa chiều và thiếu tính động”. Đó cũng là sự phân biệt giữa hình thức “trình diễn văn xuôi” và “trình diễn đa thoại về tiểu thuyết” mà nhóm đang ấp ủ.

Nhà văn Đặng Thân và cuốn tiểu thuyết 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần]

“Trình diễn đa thoại” cụ thể gồm các loại thoại sau: quen thì có độc thoại, đối thoại, đối đáp, đàm thoại; lạ gồm có song thoại - nói chuyện mà không cần phải logic hoàn toàn với nhau, ngẫu thoại - nói ngẫu hứng, bút thoại hay bút đàm - viết chữ đưa cho nhau xem, thủ thoại - cầm tay nhau đối thoại, không nói; tâm thoại hay vô ngôn thoại - gần như thiền, không cần lời mà như vẫn hiểu được nhau.

2. Một điểm độc đáo “chưa ai (thèm/dám) làm” trong chương trình này là việc nhà văn Đặng Thân sẽ có màn diễn thể hiện thế giới tâm tưởng của chính mình khi anh sáng tác 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần]. Đây là điều chưa có tiền lệ, ít nhất là ở Việt Nam. Họ có thể nói (trả lời phỏng vấn) về tâm tưởng khi sáng tác, nhưng chưa từng có ai diễn hay “sân khấu hóa” cái tâm tưởng đó.

Khi thực hiện ý tưởng này, nhà văn Đặng Thân cho biết, mục đích lâu dài là giới thiệu một hình thức hoạt động văn chương mới chứ không chỉ làm một trò “độc nhất vô nhị” rồi bỏ đấy. Có thể dùng hình thức này cho tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Trần Dần, Lê Đạt… hoặc “tân thời” hơn thì cuốn Lolita mới đây chẳng hạn.

Hình thức trình diễn này có hai nhân vật cố định là nhà văn và nhà phê bình. Trong trường hợp nhà văn đã qua đời thì có thể dùng người đóng vai, nhưng buộc người đóng phải cực kỳ am hiểu tác phẩm và tâm tư của người đã khuất.

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm