Dám viết, dám không sợ sai

10/09/2012 07:37 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Với những mảng đề tài lịch sử được xem là khá nhạy cảm: cải cách ruộng đất, chiến tranh biên giới Việt - Trung, biển đảo hay hậu chiến, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN - đã thẳng thắn nêu vấn đề: Có nên viết không? Câu trả lời là: “Nếu chúng ta luôn đứng vững trên lập trường lợi ích dân tộc, chúng ta không sợ sai…”.

Như TT&VH đã thông tin, hội thảo Sáng tác văn học về đề tài lịch sử do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã diễn ra tuần qua tại Hà Nội. Bên cạnh bàn thảo các vấn đề của văn học lịch sử như hư cấu, xuyên tạc, hội thảo còn đề cập trực tiếp đến những mảng đề tài nhạy cảm và bản lĩnh, độ linh hoạt của ngòi bút nhà văn.

Có nên viết không?

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, đi thẳng vào chủ đề: Những đề tài lịch sử nào là nhạy cảm và nhà văn có nên viết hay không? Ông liệt kê ra bốn đề tài lớn.

Một là, cải cách ruộng đất - không mới, nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh để khai thác.

Hai là, chiến tranh biên giới Việt - Trung, riêng về đề tài còn ít người hiểu rõ này, nhà văn Hữu Thỉnh nói: “Nên viết không? Theo tôi là có. Phía bên kia người ta viết ghê lắm, tại sao chúng ta lại không? Viết là một đằng, còn công bố lại là chuyện khác, phải tính toán. Hội Nhà văn VN sẽ sẵn sàng mua lại tác phẩm”.



Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Vanvn.net)

Ba là, vấn đề biển đảo đang rất nóng hiện nay. Ông Thỉnh lấy một ví dụ, trong cuộc thi sáng tác nghệ thuật về biển đảo “Đây biển Việt Nam” đầu năm nay, có bài thơ Mộ gió của nhà thơ Trịnh Công Lộc, viết về những người lính hy sinh ở Hoàng Sa, là một trường hợp đặc biệt. Lúc xét giải, bài thơ gây tranh luận vì những người lính trong bài thuộc quân đội chính quyền Sài Gòn cũ. Đây là một đề tài nhạy cảm, chứng tỏ bản lĩnh của nhà thơ khi chọn nó để sáng tác.

“Nếu đứng trên lập trường dân tộc”, nhà thơ Hữu Thỉnh nói, “thì họ là những người bảo vệ Tổ quốc”. Cuối cùng, Mộ gió vẫn được chấm giải Nhì. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn VN, kết quả này thể hiện sự ghi nhận đối với những người lính ở phía bên kia chiến tuyến nhưng vẫn góp công bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Bốn là, những mất mát sau chiến tranh. “Chúng ta không trăm trận trăm thắng”, ông Thỉnh khẳng định, “nhưng nhà văn khi viết về chiến tranh phải tôn trọng sự biện chứng của cuộc sống”. Cải cách ruộng đất chẳng hạn, theo ông Thỉnh, chúng ta có thể chỉ ra cái sai của nó, nhưng đừng quên rằng, diễn biến lịch sử này đã mang lại quyền lợi, mơ ước cho người nông dân và cũng đừng quên rằng, Đảng đã nỗ lực sửa sai sau cải cách.

“Với những đề tài nhạy cảm, nếu chúng ta luôn đứng vững trên lập trường lợi ích dân tộc, chúng ta không sợ sai. Dân tộc là lâu dài và mãi mãi”, nhà thơ Hữu Thỉnh tổng kết.

Tác phẩm bị cắt vì “động đến bàn thờ”

Có trường hợp cắt xén tác phẩm văn học lịch sử được đưa ra bàn công khai trong hội thảo. Đó là truyện ngắn Mệnh đào hoa của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, viết về lúc suy của nhà Mạc. Lên phát biểu, nhà văn cho biết truyện ngắn đã bị cắt mất một phần tư khi đăng trên báo Văn nghệ số ra ngày 2/9, tuy nhiên đã được chính tác giả đăng lại đầy đủ trên blog riêng.

Giải thích về trường hợp này, nhà văn Nguyễn Trí Huân - Tổng Biên tập báo Văn nghệ, một trong những người điều hành hội thảo - cho lời giải thích: Tác phẩm đề cập đến Mạc Mậu Hợp, vị vua cuối cùng của nhà Mạc, với ý phê phán, trong khi dòng họ Mạc vừa được khôi phục. Vì thế, không nên “động đến bàn thờ” (lời ông Huân) của một dòng họ trong thời điểm có thể xem là nhạy cảm.

Trong cuộc hội thảo nói trên, các nhà văn còn nhiều lần nêu tên vài tác phẩm nổi trội của văn học lịch sử VN chưa được công chúng biết đến rộng rãi: Minh sư của Thái Bá Lợi, Tuy Lý vương của Trần Thanh Mại, Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn của Nguyễn Trần Thiết, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức…

Và 65 tỷ đồng phát động thi viết tiểu thuyết lịch sử?

Tháng 12/2012 tới, Hội Nhà văn VN sẽ tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết viết về chiến tranh, cách mạng, các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tổng số tiền Hội Nhà văn được cấp để đầu tư cho cuộc thi là 65 tỷ đồng - con số được nhà thơ Hữu Thỉnh công khai ngay tại hội thảo.

Đã đến lúc chấm dứt cách làm văn là kêu gọi suông về lòng nhiệt tình của người sáng tác, mà phải “có thực mới vực được đạo”. Người viết thì vẫn viết, bởi “viết văn về lịch sử là một nhu cầu chứ không phải sở thích” - như lời nhà phê bình Nguyễn Hòa trong hội thảo, nhưng có chút tiền thì vẫn hơn.

Với cuộc phát động này, Hội hy vọng đến 2015, chúng ta sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học lịch sử hay, mang hàm lượng trí tuệ cao, xứng đáng tầm dân tộc. Trong 9 năm qua, Hội Nhà văn VN đã tổ chức 3 cuộc thi viết tiểu thuyết, có 513 cuốn tiểu thuyết tham dự.

Mi Ly


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm