19/08/2012 08:55 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Nhà văn Phạm Cao Củng là cả một hiện tượng điển hình cho một dòng văn học được viết ra rất thoải mái và được độc giả bình dân nhiệt tình hưởng ứng. Giờ đây, ở tuổi 100 (Phạm Cao Củng sinh năm 1913 ở Nam Định), tác giả từng sinh ra nhân vật Kỳ Phát quen thuộc suốt một thời, kể lại chuyện đời mình trong tập “Hồi ký” dày trên 400 trang.
Với tôi, tập hồi ký này không chỉ thú vị (như loạt truyện trinh thám của Phạm Cao Củng) mà còn cần thiết cho cái nhìn ngược về lịch sử văn học Việt Nam của chúng ta, bởi đây là lần hiếm hoi ta được đọc cuộc đời của một nhà văn lão thành, từng trải, đi qua cả giai đoạn “văn chương tiền chiến” ở đoạn sôi động nhất của nó, rồi miền Bắc những năm sau 1945, rồi sau đó là Sài Gòn, tiếp đến là nước Mỹ. Một hành trình tự bản thân nó đã có đầy đủ ý nghĩa “đại diện”, làm sống lại cả một đoạn lịch sử rất dài.
Chân dung nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng
Phạm Cao Củng ngồi trên ghế nhà trường cùng Lê Tràng Kiều của nhóm “Văn chương và hành động”, từng là đồng nghiệp của Phùng Bảo Thạch, Tam Lang Vũ Đình Chí, Nguiễn Ngu Í… Ông giúp Nhà xuất bản Mai Lĩnh lừng danh thành công vượt bậc về tài chính với những “kiếm hiệp Tàu” ông tự viết với bút danh Văn Tuyền cùng nhiều bút danh khác. Ông giả giọng trêu nhà thơ Tú Mỡ trong một giai thoại nổi tiếng của lịch sử văn học Việt Nam, mở nhà xuất bản in sách bán, tổ chức diễn kịch, rồi chụp ảnh, làm nhà báo đi lấy tin… nói tóm lại, ông làm mọi việc mà cuộc sống đòi hỏi, và nhất là sự ưa hoạt động trong con người ông đòi hỏi.
Và có làm gì thì Phạm Cao Củng cũng “đứng về phía” những người bình dân, ông gần gũi với họ, viết cho họ đọc những câu chuyện hồi hộp, ly kỳ (tác phẩm của ông hồi ấy bán rất chạy, ông cũng thuộc hàng nhà văn nhiều tác phẩm nhất của Việt Nam), đến khi cùng vợ mở nhà xuất bản riêng thì cũng in sách dễ đọc bán cho hàng xén.
Hồi ký Phạm Cao Củng (Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn)
Cuốn hồi ký này của Phạm Cao Củng đã thực sự bổ sung một phương diện vốn rất thiếu trong những ghi nhận lịch sử xưa nay: hướng tới những gì thực sự quần chúng, sinh động, thường ngày, không mấy để ý đến những cao siêu, phức tạp.
Phạm Cao Củng hết sức thoải mái trong vai trò “nhà văn được bình dân ái mộ”, ông tự nhận: “Rốt cuộc, nói thực đúng thì mình chỉ là một anh Thợ viết, không hơn, không kém, vì cuộc sống của bản thân và gia đình đã kéo cày trả nợ áo cơm, chứ đâu đã giúp ích gì được cho nền văn hóa dân tộc như một số các bạn đồng nghiệp ngày trước cũng như hiện nay”.
Lời tự đánh giá này, đương nhiên, rất khác với sự tự nhìn nhận của nhiều nhà văn, và cũng gây thoải mái cho độc giả ngày nay chạm tới cuốn hồi ký của ông.
(*) Hồi ký Phạm Cao Củng. Nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng giới thiệu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất