"Đại quang Việt sử"… đảo lộn lịch sử

14/08/2012 13:55 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Bộ sách Đại Quang Việt sử của tác giả Lê Nam, do NXB Đồng Nai vừa ấn hành đang làm độc giả đau đầu vì nhiều thông tin lịch sử mà sách cung cấp hoàn toàn đảo lộn so với lịch sử chính thống của VN. Vì sao một bộ sách như thế lại được xuất bản và phát hành rộng rãi?

Một cuốn sách không những có những sai sót về truyền thuyết dân tộc mà còn sai cả về những sự kiện lịch sử cận đại, cùng với sự sai sót khá nhiều về lỗi chính tả. Nhưng đáng tiếc là nó đã hiện diện trên thị trường sách…

Sai cơ bản về truyền thuyết và lịch sử VN

Trong sách có đoạn viết về Ngọc Hoàng và Lạc Long Quân… mùi mẫn như tiểu thuyết tình cảm: “- Dạ muôn tâu. Đất đai sông núi, biển bạc, rừng vàng, là những nguồn quý giá nhất rồi. Nhưng… còn cái để làm ra, tạo ra được muôn dân trăm họ? - Thôi, thôi, ta hiểu rồi. Vừa nói, Ngọc Hoàng vừa cười, cười vui như chính Ngọc Hoàng đã hiểu được lòng Lạc Long Quân, Ngọc Hoàng hỏi lại: Ta biết rồi, nghe đâu tình yêu giữa con và Âu Cơ đã chín mùi lắm rồi thì phải?” ...

Sách còn “phong” Lạc Long Quân - Âu Cơ là 2 trong “Tứ bất tử”. Trong khi đó, “Tứ bất tử” là những vị thánh trong văn hóa tín ngưỡng VN đã được khẳng định gồm: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đề cập An Dương Vương, bộ sách khẳng định, Thục Phán lên ngôi vua “đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Việt Trì)”, trong khi ngay cả học sinh tiểu học cũng biết An Dương Vương đóng đô ở thành Cổ Loa thuộc Hà Nội ngày nay.

Không chỉ viết sai truyền thuyết VN mà tác giả còn viết sai cả lịch sử thời cận đại, đó là trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong sách này có đoạn thoại khi Tạ Quốc Luật và đồng đội vào bắt tướng De Castries. “Tới nơi Tạ Quốc Luật lại ra lệnh và nói: - Nhỏ quay súng ra bảo vệ cửa hầm. Trọng Vinh bảo vệ phía đầu hầm bên kia, còn anh này (người lính Ngụy) nếu biết tiếng Pháp thì cùng đi. - Dạ cứ cho em đi. Em có biết tiếng Pháp”… Không hiểu trong bối cảnh chiến tranh ác liệt cách đây gần 60 năm ở Điện Biên Phủ, liệu có tài liệu hay nhân chứng nào khẳng định có những “lời vàng” đó không?

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng mắc hàng loạt lỗi chính tả, viết hoa, tên người như: “Hun Lam, nguyễn Năng, lúc thì Nic-Xơn lúc là NicSon, Joor Buht tổng thống thứ 43 của Mỹ, Tôn Đúc Thắng…”. Hay những đoạn văn tối nghĩa như: “Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, Việt Nam là nước thắng trận vậy mà những nhân vật lịch sử nổi tiếng khắp thế giới như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tá Chính ủy Bùi Văn Tùng mãi đến năm 2000 mới thấy mang quân hàm đại tá và đặc biệt hơn, hai nhà tình báo làm chấn động cả hoàn cầu đến như Vũ Bá Nha cũng chỉ được phong tới chức Thiếu tướng, may mà còn hơn Lê Hữu Huy (Thanh Hóa) và Nguyễn Thành Trung (Bến Tre) được phong lên một cấp so với cấp chức cũ của ngụy quyền phong”…

Đáng nói, đề cập tới Đảng CSVN và chính thể XHCN VN, tại trang 214, tập 2, bộ sách  khẳng định giai đoạn năm 1929-1930, ở Đông Dương có 3 Đảng Cộng sản (trong khi thực tế là 3 tổ chức cộng sản). Nghiêm trọng hơn, tại trang 285, bộ sách khẳng định: “Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 37 phút ngày 2/9/1969, làm Chủ tịch Đảng Cộng sản Việt Nam 39 năm, làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa 25 năm, thọ 79 tuổi. Người được kế vị Bác Hồ chính là Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng”. (VN không có chuyện kế vị, nối ngôi). Cũng không thể không nhắc tới những sai sót như: “Chính thể: Chính là chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo chủ nghĩa Mac Lê Nin đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Được tính từ ngày 3-7-1976, với các đời của các vị nguyên thủ quốc gia theo thứ tự: Khóa 1 Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng… Khóa 2 Chủ tịch nước Trường Chinh, Tổng Bí thư Lê Duẩn… Khóa 3 Chủ tịch nước Võ Chí Công, Tổng Bí thư Đỗ Mười…”  Đây là những thông tin không chính xác. Để kiểm chứng thông tin, bạn đọc chỉ cần vào trang web của Quốc hội VN là dễ dàng thấy Quốc hội khóa 1 (1946-1960) của VN do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Khóa 2 (1960-1964) do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Khóa 3 (1964-1971) do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng… Rõ ràng, những thông tin bộ sách giới thiệu về chức danh lãnh đạo đất nước qua một số thời kỳ là sai.

Ai cho xuất bản?                        

Tác giả Lê Nam là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về những thông tin thiếu chính xác trong bộ sách này, nhưng nếu các cơ quan kiểm duyệt xuất bản không cho phép thì đã không thể có cuốn sách này trong nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Ai phải chịu trách nhiệm về sai sót trong bộ sách Đại Quang Việt sử này?

Để làm rõ thông tin, chúng tôi được một vị lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Đồng Nai (đơn vị chủ quản NXB Đồng Nai) cho biết: “NXB Đồng Nai không cho xuất bản bộ sách Đại Quang Việt Sử, nhưng trước đây, NXB  Đồng Nai có xin Cục Xuất bản (Bộ Thông tin - Truyền thông) cấp giấy phép để liên danh với doanh nghiệp sách Thành Nghĩa (TP.HCM) xuất bản bộ sách này. Sau đó, do doanh nghiệp sách Thành Nghĩa chuyển bản thảo quá chậm, nên NXB Đồng Nai đã hủy hợp đồng và không xuất bản bộ sách nữa, do hết thời hạn giấy phép xuất bản”.

Vậy tại sao bộ sách gồm 2 tập, gần 600 trang, với nhiều lỗi sai nghiêm trọng về lịch sử, sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến người đọc lại được phát hành? Theo thông tin trên bìa sách, thì Đại Quang Việt Sử do NXB Đồng Nai ấn hành theo Quyết định số 326B/QĐ-ĐoN ngày 1/6/2010, đơn vị liên danh thực hiện là doanh nghiệp sách Thành Nghĩa và in tại  Công ty CP In thương mại Phú Yên (?).

T.Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm