Khi con chữ "tưởng niệm" nhà văn

30/07/2012 13:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tuần qua, nhân ngày giỗ thứ 5 của nhà văn Kim Lân, một không gian tưởng niệm ông đã được người con trai là họa sĩ Thành Chương mở ra tại Việt phủ. Ngày khai mạc không gian tưởng niệm này đã trở thành một ngày hội của những người yêu mến cha con Kim Lân, và từ nay họ đã có thêm một "điểm đến" mới để "đối thoại" với nhà văn nằm ngay trong Việt phủ. Nhưng không chỉ có thế, cách xây dựng không gian tưởng niệm có một không hai này đã để lại nhiều suy ngẫm về việc tôn vinh các nhà văn - một nhiệm vụ mà công trình Bảo tàng Văn học Việt Nam đang hoàn thiện.

Không gian tưởng niệm Kim Lân được xây dựng tại khu nhà Tường Vân  - khu nhà lớn nhất phủ Thành Chương, ở dốc Dây Diều, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn. Năm gian nhà, tổng diện tích 100m2 tượng trưng cho “ngũ phúc”: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh tái hiện ngôi nhà gốc ở làng Chợ Giàu, Bắc Ninh, nơi Kim Lân sống ngày thơ ấu.



Nhà văn Kim Lân và con trai cả tại Việt phủ Thành Chương 2005. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Một cách tưởng niệm độc đáo bằng những con chữ

Thực ra, các hiện vật gắn với đời sống, công việc của Kim Lân, đã được bảo quản, trưng bày tại nhà lưu niệm trên tầng 4, 5 nhà 35 ngõ 424 Trần Khát Chân, Hà Nội do người con gái của nhà văn Kim Lân là HS Nguyễn Thị Hiền và các em trai, gái chung sức. Quả đúng như tên thật Nguyễn Văn Tài, nhà văn là một người tài, mà cái tài lớn nhất không dễ ai có, là sinh ra nhiều người con họa sĩ (HS) nổi tiếng, ai cũng yêu cha, muốn thể hiện tình yêu ấy bằng hành động.

Tuần qua, HS Thành Chương, con trai trưởng của nhà văn Kim Lân tiếp tục dùng nghệ thuật để báo hiếu cha mình. Không gian trắng là tên do khách tham quan đặc biệt dành cho công trình sắp đặt có một không hai ở Việt Nam này. Trong cuộc ra mắt ấm cúng với sự có mặt của bạn bè thân hữu, HS Thành Chương thổ lộ: “Cha tôi, sinh thời chưa từng có được ngôi nhà nào đẹp. Cụ mất đi, của nả chẳng có gì, chỉ tác phẩm để lại. Tôi tạo dựng một không gian tinh khôi, màu trắng trong lành, thanh bạch bao trùm, như là thánh đường của chữ nghĩa, của nghệ thuật. Đến nơi này, đến với Kim Lân, mỗi người rũ bỏ những vướng bận, được thanh thản, yên tĩnh để văn chương và Kim Lân giao thoa tâm hồn sâu lắng của mình”.

Những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được HS cho phóng ra nhiều khổ, nhiều kích cỡ khác nhau, bồi kín tường 4 gian nhà. Nhà làm theo lối cổ truyền thống Bắc Bộ, mái ngói, cột kèo, rui mè sơn trắng hết. Trong hội họa, trắng là màu tổng hợp của tất cả các màu. Màu trắng tràn ngập “vùng Kim Lân”, gây ấn tượng choáng ngợp tan hòa cảm giác ảo - thật, cụ thể mà huyền ảo. Trên những bức tường, mái vòm trắng toát là chữ đen. Chữ của tác phẩm Kim Lân, người viết về Kim Lân và Kim Lân viết cho bạn. Chữ được tôn vinh như linh hồn của tác phẩm sắp đặt này. Chữ là linh hồn tác giả hiện hữu, quấn quýt trong cuộc đời này. Tất cả được siêu thoát. Không gian thiêng liêng, HS điều chỉnh cảm giác người xem bằng cách tạo lối đi hẹp, chỉ một người bước lọt, đi thẳng, bỏ giày dép, đồ đạc bên ngoài.

Tiền sảnh là một tác phẩm sắp đặt khác gợi không gian làng quê: giường tre, lọ sen trắng, góc tường treo lồng chim cu gáy, chữ nho thư pháp Mạc Hương (Mực thơm) treo trên tường và ảnh đen trắng Kim Lân ngồi cầm quạt lá cọ, mặc bộ đũi trắng do Thành Chương chụp tại phủ. Bên dưới là bút tích Đỗ Chu in vào tấm gỗ: “Nơi tưởng niệm nhà văn Kim Lân yêu dấu, một tài năng, một nhân cách, một đời người giản dị mà cao khiết”.

Chiếc mâm gỗ cũ kỹ bày nậm rượu, bát sứ, đũa tre, đèn dầu, HS làm từ một cảnh trong Vợ nhặt, khi Tràng đưa vợ về, “mua tí dầu thắp lên cho đỡ tối tăm”. Đích thân Thành Chương viết từ Làng, Vợ nhặt bằng sơn đỏ, 2 nốt son chói sáng, 2 tác phẩm bất hủ được nhấn mạnh trên bức tường trung tâm. Gian trung tâm là nơi đặt bàn thờ, toàn bộ đồ thờ, vật dụng là đồ gỗ cũ thuần Việt: bát hương, lọ cắm hoa sen, ống cắm hương bằng gỗ, bức ảnh màu chân dung Kim Lân dịp về làng lần cuối mà Thành Chương chụp, ánh sáng vàng chiếu vào khu bàn thờ có rèm nhung đỏ, thật ấm áp, gần gũi.



HS Thành Chương viết tên truyện của cha, trong không gian tưởng niệm. Ảnh: Ngô Hương

Vào cửa tự do trong Việt phủ

Vào đây, người xem thực sự có nhiều cái để xem trong tĩnh lặng. Ta được đọc lại những câu văn, truyện ngắn của ông. Người xem gặp lại Kim Lân bằng những con chữ. Bản thân nhà văn là người trân trọng nếp sống truyền thống, song lại có tâm hồn khoáng đạt, thích chơi với “bọn trẻ”. Thành Chương đã biểu đạt được tính dân tộc và hiện đại qua công trình đột phá này. Dân tộc trong thiết kế ngôi nhà, bàn thờ; hiện đại khi dùng sơn trắng, nghệ thuật sắp đặt để thể hiện một công trình chưa ai làm.

Di sản một đời văn, một đời người của Kim Lân không đồ sộ, nhưng tinh hoa. Và không nhiều nhà văn, nghệ sĩ nào ở Việt Nam có những người con thành đạt, tiềm lực kinh tế, lại tài năng, tấm lòng cùng hội đủ để báo hiếu cha một cách sang quý và được chú ý như các con Kim Lân.

Điều đáng nói nữa, tất cả những ai yêu văn chương, nhớ Kim Lân đều có thể tham quan công trình này miễn phí. “Đến cổng phủ, chỉ cần nói với quầy vé, là muốn thăm không gian tưởng niệm Kim Lân, sẽ có nhân viên đưa vào tận nơi bằng lối dành riêng” - vợ chồng HS khẳng định. Kim Lân có nhiều thú chơi, tiêu dao và đến lúc qua đời, vẫn may mắn được thỏa những đam mê ấy, vì linh hồn ông có nhiều nơi để trở về, “gặp gỡ” những người đọc nhiều thế hệ khi họ tìm đến, tưởng nhớ ông qua các công trình nghệ thuật của các con ông.

Từ "không gian Kim Lân" đến Bảo tàng Văn học VN

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, ông rất xúc động khi được đứng trong không gian tưởng niệm độc đáo này, bởi nhà văn Kim Lân là người thầy đã tận tình dìu dắt ông trong những năm tháng đầu đến với nghiệp văn chương chữ nghĩa. Ông chia sẻ: “Nhà tưởng niệm này tạo ra một không gian văn hóa, không gian tinh thần để người ta thâm nhập vào thế giới tác phẩm của nhà văn Kim Lân một cách màu nhiệm nhất, nhanh nhất, đồng cảm nhất. Ở đây hiện vật hầu như không có gì nhiều mà chỉ có tác phẩm của Kim Lân và nghệ thuật sắp đặt trình bày của Thành Chương. Nhưng qua đó không gian tinh thần của nhà văn Kim Lân hiện lên với tất cả đường nét, nhân vật, số phận, khung cảnh và đặc biệt là cái phong vị, hương vị dân tộc, cốt cách dân tộc hiện lên. Chỗ này Thành Chương rất thành công vì cách trình bày thì hiện đại nhưng vô cùng gần gũi vì nó rất dân tộc. Một không gian tưởng niệm toàn chữ mà gây cho tôi xúc động đến như thế. Tôi phải cảm ơn Thành Chương vì anh ấy làm cái này không chỉ cho gia đình mà còn cho hội nhà văn, cho toàn xã hội và những ai yêu quý bác Kim Lân”.

Từ việc làm này, có thể nói, việc sưu tầm, giữ gìn, trưng bày các hiện vật liên quan đến các nhà văn, nhà thơ là rất quan trọng, cần được nhiều người quan tâm hơn nữa. Chính vì lẽ đó, nhắc tới vấn đề này, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khẳng định quyết tâm của Hội trong việc xây dựng và hoàn thiện Bảo tàng Văn học VN từ nay đến năm 2013.

Ông cho biết: “Bảo tàng này bám rất chắc tiến trình văn học sử. Nó phản ánh gương mặt tinh thần, gương mặt, diện mạo văn học VN qua các thời kỳ lịch sử. Phần sinh động nhất là văn học hiện đại với hàng loạt nhà văn trong đó có Kim Lân. Chúng tôi đã hoàn thành phần sưu tầm và đang bắt tay vào trưng bày. Khó khăn nhất là làm thế nào để thổi hồn vào các hiện vật, cách trang trí trình bày để hiện vật đó nói lên diện mạo, cốt cách của mỗi nhà văn. Chúng tôi cố gắng kết hợp các hiện vật với phong cách trình bày mới nhất của thế giới kết hợp cả vật thể, phi vật thể, âm thanh và không gian để người ta đến đấy và tham dự vào chứ không phải quan sát đơn thuần”

Hy vọng rằng với những "phong cách trình bày mới nhất" ấy, Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ thực sự là nơi những người yêu văn chương có thể đến để tưởng nhớ các nhà văn, tìm hiểu các tác phẩm và đối thoại với các tác giả, như những gì "Không gian tưởng niệm Kim Lân" đã làm được bởi sự nỗ lực của riêng một gia đình nhà văn.

Gia Huy- Đỗ Hùng


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm