PGS.TS Nguyễn Văn Dân: 'Lolita' chỉ cần hiệu đính khi tái bản

14/07/2012 14:10 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Bản dịch Lolita của Dương Tường tiếp tục bị mổ xẻ trên báo chí và các diễn đàn. PGS.TS Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn VN, không đồng tình khi một bộ phận dư luận nóng vội quy kết “thảm họa dịch thuật” hay “dịch loạn” cho các tác phẩm dịch văn học trong thời gian qua.

Trong cuộc trò chuyện với TT&VH, PGS.TS Nguyễn Văn Dân đánh giá tổng quát về đóng góp và hạn chế của nền dịch thuật VN. Đồng thời, ông chỉ ra những khó khăn trong lao động của dịch giả, nguyên nhân dẫn đến các sai sót, qua trường hợp cụ thể là bản dịch tiểu thuyết Lolita được công chúng chú ý trong thời gian qua.


PGS.TS Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch

Ông Dân cho biết:

- Với tư cách là một khoa học, dịch thuật văn học phải tuân thủ các nguyên tắc của riêng nó. Nhưng với tư cách là một nghệ thuật, thì dịch thuật văn học lại mang tính “cá nhân chủ quan” của người dịch. Như vậy, thiếu sót nếu có sẽ nằm ở quan niệm về dịch thuật của người dịch và ở việc thể hiện quan niệm đó. Ngoài ra, tính cá nhân chủ quan của người dịch còn thể hiện ở trình độ và kỹ năng dịch thuật. Cho nên, thiếu sót nếu có cũng bắt nguồn từ đây.

* Chất lượng dịch văn học hiện nay ở VN đang ở mức độ nào?

- Từ chỗ phỏng dịch và phóng tác ở thời kỳ đầu, văn học dịch ngày nay đang ngày càng tiến tới đáp ứng yêu cầu về chuyển tải trung thành nội dung của bản gốc. 

Tuy nhiên, vì nó vẫn mang tính cá nhân, nên chất lượng không thể đồng đều. Có thể nói, nếu như sáng tác vẫn còn có những tác phẩm dở, thì dịch thuật văn học cũng vẫn không tránh khỏi những dịch phẩm không đạt yêu cầu. Cho nên, dù ngày nay kỹ thuật dịch của các dịch giả VN được nâng lên rất nhiều, nhưng không thể nói là không có những dịch phẩm còn nhiều sai sót.



Ông Dân cho rằng không cần thiết phải thu hồi Lolita (bản dịch của Dương Tường), mà chỉ cần hiệu đính khi tái bản.

* Không có những lỗi nghiêm trọng về văn phạm

* Bản dịch tiểu thuyết Lolita (Vladimir Nabokov) của dịch giả Dương Tường đang bị một số trang mạng chỉ ra nhiều lỗi sai. Cá nhân ông đánh giá sao về bản dịch này?

- Dịch thuật là một nghệ thuật mang tính cá nhân, cho nên sai sót cũng thuộc về cá nhân người dịch. Ngay cả một nhà văn nổi tiếng không phải lúc nào cũng cho ra đời được những tác phẩm hay, thì một dịch giả có thể cũng có những lúc mắc sai sót.

Phải công nhận Dương Tường là một người lao động nghiêm túc, nhưng vẫn có thể mắc sai sót. Những sai sót đó phần lớn là do dịch giả sao nhãng một nguyên tắc cơ bản của dịch thuật là “tính kiên trì”. Dịch thuật là công việc nhọc nhằn và không đem lại lợi nhuận cao. Vì thế, trong những lúc mệt mỏi và dễ dãi, người dịch dễ sao nhãng cái nguyên tắc về tính kiên trì. Một từ trong một ngôn ngữ có thể có nhiều nghĩa, nếu thiếu kiên trì tra cứu thì rất dễ mắc sai sót.

Bản dịch Lolita cũng mắc những sai sót như vậy. Cụm từ “District of Columbia” trong tiếng Anh được dùng để chỉ thủ đô của nước Mỹ. Nó có thể được dịch là “Đặc khu Columbia” (chứ không phải là “Quận Columbia” như Wikipedia đã dịch), hay “Thủ đô Washington”. Nhưng rất tiếc dịch giả Dương Tường đã dịch là “miền Columbia”.

Biểu ngữ “trên dòng kẻ chấm” cũng không phải là văn phong hay cách diễn đạt tu từ của riêng Nabokov như có người quan niệm, mà nó chỉ là một biểu ngữ thông dụng của riêng tiếng Anh, có nghĩa là “trên giấy tờ kê khai”. Tiếng Nga, tiếng Pháp và tôi tin rằng các thứ tiếng châu Âu khác (như tiếng Rumani mà tôi biết) đều không có biểu ngữ tương đương. Chính vì vậy mà khi tự dịch Lolita sang tiếng Nga, Nabokov đã phải dịch biểu ngữ này thành “trên các giấy tờ biểu mẫu”.

Ngay cả mệnh đề “ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi” ở ngay dòng mở đầu bản dịch tiếng Việt nếu được dịch là “ngọn lửa nơi hạ thể của tôi” thì sẽ hay hơn. Tuy nhiên, đánh giá chung thì bản dịch Lolita của Dương Tường không có những lỗi nghiêm trọng về văn phạm, mà những sai sót chủ yếu là thuộc về ngữ nghĩa của các từ ngữ, thành ngữ và biểu ngữ.

* Trên một diễn đàn, có ý kiến cho rằng phải thu hồi Lolita như trường hợp Bản đồ và vùng đất và Vô tri. Ông nghĩ có cần làm như vậy không?

- Như đánh giá chung ở trên, tôi cho rằng không cần thiết phải thu hồi Lolita, mà chỉ cần hiệu đính khi tái bản (nếu như nó có cơ hội được tái bản).

* Dương Tường là một dịch giả tên tuổi. Còn Cao Việt Dũng được đánh giá là dịch giả trẻ triển vọng. Tại sao những cái tên có uy tín trong làng dịch thuật lại cũng mắc phải sai sót?

- Như tôi đã nói rồi, dịch thuật là một nghề nhọc nhằn. Ai làm nghề nhọc nhằn mà chẳng có lúc sai sót. Chỉ có điều là dịch giả phải biết tiếp thu phê bình để hoàn thiện tay nghề.

* Bản dịch hay hơn bản gốc tức là phản lại bản gốc

* Các tiêu chí của ông về một bản dịch tốt?

- Người ta hay nói đến ba tiêu chí “tín, đạt, nhã” của dịch thuật. Nhưng tôi cho rằng chỉ cần một tiêu chí là “dịch chính xác”, tức là đảm bảo chữ “tín”. Đã có tín thì sẽ đạt và nhã.

Nhưng thế nào là nhã? Có người cho rằng bản dịch phải hay hơn bản gốc (tức là “nhã”). Tôi cho rằng làm như thế là phản lại bản gốc, phản lại chữ tín. Bản gốc dở mà dịch thành hay là dịch dở. Phương châm của tôi là: Bản gốc hay thì phải dịch cho thấy nó hay, bản gốc dở thì phải dịch cho thấy nó dở - đó mới là dịch hay!

* Hiện nay, các dịch giả VN mà công chúng có thể tin tưởng là những ai?

- Không nên đặt cược niềm tin vào những cái tên. Tôi có thể nói rằng dịch giả kỳ cựu cũng như dịch giả mới vào nghề đều có thể cho ta những dịch phẩm hay, còn sai sót thì chẳng chừa ai, nhưng một người, dù cho có những lúc mắc sai sót, thì không có nghĩa là suốt đời sẽ mắc sai sót.

* Khác biệt giữa dịch thuật hai miền Nam - Bắc

* Có một giai đoạn đáng chú ý, các bản dịch của miền Nam trước năm 1975? Những dịch giả thời kỳ này đã có đóng góp ra sao?

- Họ đã có đóng góp không nhỏ cho nền văn học miền Nam trước 1975. Và bây giờ, các dịch phẩm trước 1975 vẫn được in lại rộng rãi, hoà nhập vào văn học dịch VN trên cả nước và tất nhiên sự đóng góp của chúng là không nhỏ.

* Tại sao về sau chúng ta dịch lại nhiều tác phẩm đã được dịch trước năm 1975, chẳng hạn cuốnL’Etranger của nhà văn Pháp Albert Camus được dịch thành Người xa lạ/Kẻ xa lạhay sau này là Người dưng?

- Theo chủ quan tôi, đây chỉ là sự chi phối của tâm lý tiếp nhận của hai miền sau một thời gian bị chia cắt và sống trong hai môi trường văn hoá - xã hội khác nhau. Ví dụ như tác phẩm Idiot của Dostoevski đã được một dịch giả miền Nam trước 1975 dịch là Gã khờ, còn miền Bắc dịch là Chàng ngốc. Ở đây, sự chi phối của ngôn ngữ vùng miền thể hiện khá rõ.

Còn trường hợp của Kẻ xa lạ lại khác. Ngay tên sách cũng có những cách dịch khác nhau. Đây có thể là do sự chi phối của quan điểm dịch thuật của mỗi người. Trên thế giới, việc một tác phẩm có nhiều bản dịch là chuyện bình thường và ở ta nó không phải là ngoại lệ.

* Vẫn tồn tại cách phê phán ác ý

* Dư luận, chính xác là các ý kiến phê phán của dư luận, tác động như thế nào đến các dịch giả VN?

- Phê bình đúng luôn là điều tốt cho dịch giả. Nhưng ảnh hưởng tốt hay xấu còn phụ thuộc vào người được phê bình. Ví dụ, mới đây khi tôi viết một bài trên báo Nhân dân phê bình cách dịch máy móc dẫn đến thói quen bắt chước tiếng nước ngoài trong việc viết từ có gạch nối (-) một cách vô cớ trong tiếng Việt, thì có một bạn trẻ phản bác lại một cách quyết liệt rằng làm như thế là để “khai thác chất "tư biện" và chất "triết học" của tiếng Việt”(!).

Bạn đó cũng phê phán tôi dùng cách phiên âm có gạch nối tên riêng nước ngoài trong bài viết, trong khi cả người phê lẫn người duyệt bài phê thừa biết rằng báo Nhân dân khi đăng bài của bất cứ ai thì đều phiên âm lại theo cách riêng của họ. Người phê phán biết điều đó mà vẫn phê, người duyệt bài biết điều đó mà vẫn cho đăng: đó là một cách làm không nghiêm túc. Gặp phải những người như thế, người ta sẽ ngại không muốn góp ý.

* Vậy nếu phát hiện lỗi dịch, nên góp ý như thế nào là tốt nhất?

- Góp ý cần thẳng thắn, nhưng cũng cần từ tốn. Trong thời gian qua có nhiều ý kiến góp ý rất xác đáng, nhưng cũng có những nhận định có phần phóng đại: như “thảm hoạ dịch thuật”, “dịch loạn”... Theo tôi, dịch thuật còn có những thiếu sót, nhưng không đến mức “thảm hoạ”.

* Trong thời đại internet, khi độc giả có vốn ngoại ngữ tốt hơn, có thể tiếp cận bản gốc của tác phẩm, hẳn các dịch giả cũng gặp nhiều áp lực hơn. Công việc của họ so với trước đây thay đổi như thế nào?

- Độc giả bây giờ thông minh hơn trước đây. Điều đó là sức ép nhưng cũng là đòn bẩy cho dịch thuật. Nó thể hiện rõ ràng nhất cái công thức của một nhà lý thuyết tiếp nhận người Đức: “Độc giả là đồng tác giả”. Dịch giả nên ý thức rõ về điều đó để không ngừng nâng cao trình độ dịch thuật cho mình, góp phần hoàn thiện một bộ môn vừa nghệ thuật vừa khoa học và luôn có nguy cơ mắc sai sót.

* Ông nghĩ đến hướng đi nào cho nền dịch thuật trong thời gian tới?

- Đó là hướng hội nhập sâu rộng với thế giới. Còn hội nhập như thế nào thì lại là một câu chuyện dài khác.

* Xin cảm ơn ông!

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm