01/07/2012 09:48 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Nhà thơ Vũ Quần Phương là “ông hoàng thơ”, và hơn thế là “ông hoàng trong thơ cung đình”. Đó là ý kiến của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại cuộc tọa đàm - giới thiệu thơ và những bài bình thơ của Vũ Quần Phương tại Hội Nhà văn Việt Nam, sáng 30/6.
1. Hai tập sách dày dặn của nhà thơ Vũ Quần Phương gồm: Bình thơ (ThaiHaBooks và NXB Dân trí) dày hơn 700 trang và Tuyển tập thơ (NXB Hội nhà văn) hơn 600 trang đã được mang vội vã từ nhà in về vào đêm trước khi diễn ra tọa đàm, nhằm kịp cho ông sang Mỹ thăm các con và ở lại đến hết năm.
Tọa đàm giới thiệu Bình thơ và Tuyển tập thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương
Tập Bình thơ tuyển chọn 50 bài thơ hiện đại, cổ điển, và cả thơ nước ngoài… cùng lời bình của nhà thơ Vũ Quần Phương. Trong đó, khối lượng khá lớn là các bài nằm trong chương trình dạy văn cấp 2, cấp 3. Khi sách giáo khoa thay đổi một số bài, NXB Giáo dục nhờ nhà thơ Vũ Quần Phương viết một cuốn sách để tiếp tục bình các bài thơ mới này, nhưng với ý thích cá nhân của mình, nhà thơ cho vào thêm nhiều bài mà ông thấy tâm đắc đồng thời, bình theo cách mà nhà thơ muốn.
Với nhà thơ Vũ Quần Phương, điều mà ông thấy ý nghĩa trong việc bình thơ của mình, khi là người đầu tiên giới thiệu về nhà thơ Hữu Thỉnh và những đóng góp về trường ca của nhà thơ Hữu Thỉnh đầy đủ nhất. Đồng thời, sau khi bình thơ của nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ này từng trả lời trên báo Thể thao và Văn hóa rằng: tôi đã sửa theo những góp ý của Vũ Quần Phương.
Với nhà thơ Vũ Quần Phương, suốt cả buổi tọa đàm, ông ngồi lặng im nghe đồng nghiệp nói về thơ mình, có lúc đứng lên cảm ơn, có lúc nhận tặng hoa, có lúc tranh thủ ký tặng, có lúc lại đi ra ngoài một lát… với ai, ông cũng nhẹ nhàng, lịch lãm vừa chừng.
2. Không ít cử tọa khi được phát biểu, đều hoặc kín đáo hoặc công khai khen “hết nhẽ” thơ cũng như các bài bình thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Tính chính xác trong thơ của ông (nhà thơ Vũ Quần Phương) khiến tôi phải thèm muốn. Bởi tôi tự cho rằng ngôn ngữ trong thơ tôi còn nhiều mê man. Dù sao giá như, thơ Vũ Quần Phương hoang mang một tý, lệch ra ngoài một tý…”.
Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Vũ Quần Phương là người bình thơ có tài. Rất khó cho việc bình thơ, thế mà ông Hoài Thanh bình thơ còn nổi tiếng hơn cả những nhà thơ mà ông đã chọn bình thơ. Dự cảm của người phê bình thơ có khi chính xác đến kỳ lạ.
Còn với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, thưở còn trẻ, với ông, nhà thơ Vũ Quần Phương là “ông hoàng thơ”, và hơn thế là ông hoàng trong thơ cung đình.
“Làm thơ, theo tôi phải có ý nghĩa đích thực, nhà thơ phải tiến tới là nhà tư tưởng. Để được là nhà tư tưởng, cần bước qua tâm lý học và là người lịch lãm. Vũ Quần Phương là một nhà thơ lịch lãm…” - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói. Rồi ông khẳng định, Vũ Quần Phương là một nhà thơ không chỉ những người yêu văn chương, mà còn cả người dân rất bình thường cũng mến mộ và ước ao có đời sống như ông.
Đồng với quan điểm của Nguyễn Huy Thiệp, là nhà thơ Bảo Sinh, ông nói nhà thơ Vũ Quần Phương có đời sống gia đình rất hòa hợp, vợ chồng cùng nhau chia sẻ mọi điều, con cái thành đạt, nơi ăn chốn ở sung túc (biệt thự) … Nhà thơ Vũ Quần Phương có cái tài là từ những điều quen thuộc tìm ra cái mới lạ. “Từ ngoài đời sống cũng như trong thơ, Vũ Quần Phương rất giỏi về tìm bệnh thân tâm của con người để từ đó tìm cách chữa trị…”.
An Vũ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất