Nhà thơ Phùng Cung: “Quất mãi nước sôi - Trà đau nát bã”

30/06/2012 10:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) -  Trước buổi diễn ra tọa đàm và giới thiệu ra mắt tập Xem đêm của Phùng Cung, trời nổi cơn giông lớn, mưa lất phất. Thế nhưng, trong hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội, chỗ ngồi vẫn dần trám kín người. Vợ nhà thơ Phùng Cung - bà Thoa - cũng đến dự, khuôn mặt bà in sâu dấu vết mỏi mệt của khó khăn, của tuổi già…

Từ đầu đến cuối buổi, bà Thoa im lặng không nói gì, kể cả khi cuộc sống gia đình một thời được nhắc đến. Theo câu chuyện của nhà văn Thái Kế Toại, từng làm việc ở Cục An ninh Văn hóa, cũng là người được giao nhiệm vụ tập hợp thông tin để giải quyết vụ việc của Nhân văn Giai phẩm nói chung, nhà thơ Phùng Cung nói riêng, bức tranh lịch sử văn chương tiếp tục được tái hiện.



Bà Ngô Thị Kim Thoa - vợ cố nhà thơ Phùng Cung

1. Nhà thơ Phùng Cung sinh năm 1928 tại Vĩnh Yên. Năm 1945, ông làm Chủ tịch liên xã Hồng Liên Châu, tham gia lãnh đạo nhân dân nổi dậy cướp chính quyền. Năm 1949, ông lên chiến khu Việt Bắc và tham gia công tác văn nghệ tại đây.

Như TT&VH đã đưa tin, tập thơ Xem đêm đã từng được NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 1995. Lần này, tập thơ có bổ sung một số bài trong di cảo của Phùng Cung. Phần phụ lục in truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh và bài viết của các bạn bè ông.

Từ trước tới nay, người ta biết đến Phùng Cung với tư cách là một nhà văn, trong khi thơ của ông được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Các bài thơ được Phùng Cung sáng tác trong nhiều năm, kể cả những lúc lao khó nhất. Xem đêm chủ yếu là những tứ thơ cô đọng, súc tích, miêu tả cảnh quê quen thuộc như  cánh đồng, ruộng lúa, vườn dâu, bến đò, quán chợ, ao bèo, hoa cau, hoa bưởi… và cả một thế giới động vật nhộn nhịp những trâu, bò, gà, chó, đom đóm, chuồn chuồn… xung quanh những con người hiền lành lam lũ, có cô gái ý tứ soi gương đáy nón, có người mẹ trẻ ướt yếm sữa con so, có người vợ đảm về chợ tối bước sấp ngửa… Ẩn sâu bên trong hình ảnh làng quê đẹp đẽ trong nghèo ấy, là nỗi niềm u uất, tha lương.

Nhận định về Xem đêm, nhà văn - dịch giả Châu Diên cho rằng: "Không giống nhiều nhà thơ ưa sống về đêm, Phùng Cung cũng thức đêm để Xem đêm, nhưng lại là “xem” những cảnh-ngộ-đêm ngay giữa thanh thiên bạch nhật, đôi khi là những ban-ngày-giữa-đêm, rất lắm khi xem đêm giữa các màu nắng khác nhau và những sắc độ màu khác nhau”.

2. Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm về tập Xem đêm của ông, các diễn giả và khách mời tham dự lại trao đổi nhiều hơn về cuộc đời thăng trầm của Phùng Cung. Với cái nhìn toàn cảnh của một chiến sĩ công an văn hóa, nhà văn Thái Kế Toại có những nhận định rất mới và riêng. Theo ông, sau Đổi mới, khi Nhân văn Giai Phẩm được phục hồi hộ tịch và hưởng chế độ, trước tiền phụ cấp xấp xỉ bằng tiền lương của một kỹ sư mới ra trường, sau tăng lên bằng chuyên viên, có Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán. Riêng Phùng Cung thì không. Đến năm 1989, ông mới được hưởng chế độ. Gần 30 năm vất vả nhọc nhằn làm đinh, làm bánh rán lấy tiền nuôi vợ con, trong khi thân thể còn mang bệnh lao, dù nhiều khi trong lòng mang đầy sợ hãi, hồ nghi, thế nhưng Phùng Cung vẫn âm thầm làm thơ.

Trong buổi tọa đàm, nhà văn Thái Kế Toại cũng như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nuôi hy vọng, sau tập Xem đêm (tái bản), các truyện ngắn của Phùng Cung sẽ được giới thiệu. Nhờ thế, mới có được cái nhìn toàn cảnh về văn chương Phùng Cung.

“Khi tôi mời Phùng Cung lên văn phòng của tôi ở Trần Bình Trọng để làm chế độ, ông yếu, tiều tụy. Buổi nói chuyện diễn ra thoải mái, chân tình. Chúng tôi đọc thơ cho nhau nghe. Tôi thích một số sáng tác của Phùng Cung. Còn khi Phùng Cung nghe thơ tôi, ông nổi da gà và bắt tay tôi bảo, lần đầu gặp một người công an có thể viết được thơ như thế. Năm 1996, tôi có đến thăm nhà thơ Phùng Cung, nhưng vì công việc của tôi lúc đó bận rộn, nên tôi không qua lại với anh nhiều, đến năm 1997 thì hay tin anh mất”, nhà văn Thái Kế Toại chia sẻ.

Và câu chuyện của ông Hoàng Hữu Khuê, bạn một thời của Phùng Cung, năm 1993, Phùng Cung đã có 4 khổ thơ tựa đề Bèo - vối - mướp - trà in trong tập thơ Vào mùa của NXB Văn học. Trong đó có câu thơ “trà” nổi tiếng: “Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Không đổi giọng Tân - Cương”.

Nhà thơ Phùng Quán, người bạn thiết thân của Phùng Cung nhận xét: “Đọc thơ anh, có bài chỉ vài câu, tôi bỗng thấy thiên nhiên quanh tôi vụt giàu có lên bất ngờ và trở nên đẹp đẽ đến xao xuyến tận đáy lòng - những vẻ đẹp từ trước đến nay tôi vẫn nhìn nhưng không thấy”.


    Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm