21/04/2012 10:30 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Tác giả Vũ Thiên Kiều sinh năm 1974, hiện làm việc tại Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Trong cuộc thi thơ lục bát (2010 – 2011) của tạp chí Văn nghệ Quân đội và tạp chí Sông Hương, Vũ Thiên Kiều đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất). Vũ Thiên Kiều là tác giả hiếm hoi chỉ trong vòng một năm đã liên tiếp xuất bản tới 3 tập thơ: Khát; Đất, Nước và Tình thơ; Đốt miền tĩnh lặng.
Nhân dịp Vũ Thiên Kiều vượt hơn hai nghìn cây số từ Kiên Giang ra Hà Nội trình diễn thơ trong Ngày hội đọc sách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong hai ngày 21 và 22/4/2012.
TT&VH đã cuộc trò chuyện với chị.
|
- Tôi rất bất ngờ, hồi hộp, mừng vui và có đôi chút lo lắng. Có ngày hội đọc sách, có cả một trang web về tôn vinh văn hóa đọc, đã chứng tỏ hoạt động kích hoạt văn hóa đọc đang ngày một kéo độc giả lại với sách, với tài nguyên tri thức khổng lồ của nhân loại. Tôi vui mừng vì những hoạt động như vậy đã góp phần không nhỏ xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, cũng là cách xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai.
* Vì sao chị lại lo lắng?
- Tất cả những người tham gia trình diễn thơ và văn xuôi đều ở Hà Nội, chỉ mình tôi là xa tít tắt ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang, một tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cách Thủ đô hơn hai ngàn cây số. Có lẽ vậy, nên được các anh chị động viên rất nhiều và được phép tự tập ở nhà qua kịch bản nên cũng run.Hôm qua 20/4, tôi đã có mặt ở Hà Nội và cũng đã “khớp” được với nội dung chương trình. Trình diễn văn xuôi năm nay có trích đoạn tác phẩm của nhà văn Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy. Trình diễn thơ có các nhà thơ trẻ Trần Hoàng Thiên Kim, Thụy Anh, Vũ Thiên Kiều, Lệ Bình Quan và Vũ Anh Vũ. Không có tiết mục riêng, tất cả đều nằm trong tổ hợp trình diễn thơ và văn xuôi do Ban Nhà văn trẻ đạo diễn, chỉ đạo chung kịch bản và dàn dựng là Trưởng ban - nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà thơ Hữu Việt, nhà thơ Lương Tử Đức và ông Đào Minh Thịnh (Nhà hát Tuổi trẻ).
* Và nội dung trình diễn của chị là…?
- Tôi mặc áo tứ thân đọc bài thơ Thầm thì quê… và Tuyết Tuyết (Nhạc viện Hà Nội) sẽ hát chầu văn bài thơ này. Năm ngoái nội dung trình diễn thơ và văn xuôi được rất nhiều người chú ý.
Năm nay sẽ có sự trộn lẫn trong một tinh thần nhân văn lớn giữa “Bài ca đêm, rỗng, biển, nỗi nhớ, di cảo tối, tấu khúc, giã bạn và thời hoa đỏ” với nhiều kịch tính thú vị, hi vọng mọi người đến với Ngày hội đọc sách sẽ có nhiều ngạc nhiên và yêu thích nét tươi mới của nội dung này.
* Người đẹp thường được ưu ái hơn trong lộ trình văn chương, chị có thấy như thế không?
- Tôi cũng yêu cái đẹp, tại sao chúng ta lại dị ứng với cái đẹp. Học giả Ngô Thì Nhậm từng nhận xét “nước ta là một nước thơ” thì trúng phóc, ai cũng có thể làm thơ để giãi bày, tâm sự, kết nối hoặc gửi vào đó những khát vọng, lý tưởng sống cao đẹp.
Trước kia, hàng ngày tôi vẫn làm thơ, viết rồi cất đi, bởi ở một nơi vùng sâu, vùng xa như quê tôi, chưa có điều kiện công bố. Tôi hiểu thơ là cảm xúc rất con người và rất nghệ thuật. Tôi nghĩ nếu có ưu ái người đẹp trong làng văn cũng chỉ là bước đầu mang tính động viên, cảm xúc trước cái đẹp của các nhà văn đàn anh thôi. Trên xa lộ văn chương, nếu gặp một người đẹp đang lúng túng trước “cỗ xe” thi ca của mình, ai chẳng muốn trao phương thức trợ giúp người bạn đồng hành, thậm chí có người còn đòi “lái” thay (cười). Nhưng suy cho cùng giá trị đích thực của văn chương nằm ở văn bản và tư tưởng của tác phẩm.
* Là “người” của tạp chí Nhà văn, thường trực biên tập cho trang web văn học lucbat.com và tới đây nữa là thành viên của quỹ Văn chương & cuộc sống, chị có mất nhiều thời gian cho những việc đó không?
- Không. Đã được phân vai, cần phải diễn cho tốt. Nhà thơ, đôi khi cũng cần phải “đốt miền tĩnh lặng”. Tôi thường nghĩ vui như vậy, nhưng có lẽ đó là một sự thật hiển nhiên, người nào suy nghĩ tích cực thì hành động cũng sẽ tích cực.
* Xin cảm ơn chị.
Diễn ra trong hai ngày 21-22/4 tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Ngày hội đọc sách và bản quyền thế giới 2012 tại Việt Nam gồm nhiều hoạt động: Các nhà thơ, nhà văn tự trình bày các tác phẩm; độc giả nhí vẽ, viết và tuyên truyền giới thiệu về những cuốn sách các em đã đọc; chương trình giao lưu, tọa đàm giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ với công chúng; thi xếp sách nghệ thuật của các nhà xuất bản, nhà sách; Thi tìm hiểu kiến thức qua sách báo; Triển lãm sách đương đại, cùng với việc bán sách giá ưu đãi, đặc biệt triển lãm những tài liệu quý hiếm - di sản văn hóa của dân tộc hiện đang lưu giữ trong thư viện… |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất