Nguyễn Ngọc Tư… “chịu chơi”

07/04/2012 10:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tính đến nay, Nguyễn Ngọc Tư đã có khoảng 10 tác phẩm được chuyển thể thành kịch và phim, trong đó Cánh đồng bất tận rất ăn khách ở các thể loại. Sắp tới đây, khán giả TP.HCM sẽ có dịp xem hai vở kịch chuyển thể mới là Gió đưa cây cải (KB-ĐD: Ngọc Tưởng) và Đời như ý (KB-ĐD: Quốc Bảo). Ngoài cái tên Nguyễn Ngọc Tư có thể hút khách, vì sao truyện của nữ văn sĩ này lại được ưa thích chuyển thể?

Tất cả những đạo diễn và nhà biên kịch từng chuyển thể truyện Nguyễn Ngọc Tư đều cho rằng nữ văn sĩ này rất “chịu chơi”, theo nghĩa chị hoàn toàn không góp ý hay can thiệp vào kịch bản. Thậm chí, Nguyễn Ngọc Tư cũng ít khi đọc lại kịch bản hay đi xem các vở kịch đã chuyển thể, một phần vì đường xa, phần khác quan trọng hơn là vì quan niệm, chị nghĩ đây là một cách sáng tạo khác, phải hoàn toàn tôn trọng đồng nghiệp, không nên so đo hay sửa chữa, kẻo xúc phạm và mích lòng.



"Nửa đời ngơ ngác" chuyển thể và dàn dựng thành công từ truyện ngắn "Chiều vắng" của Nguyễn Ngọc Tư.

“Truyện nào cũng chuyển thể được”

Đó là lời khẳng định của đạo diễn Minh Nguyệt, người từng chuyển thể thành công Cánh đồng bất tận trên sân khấu kịch. Các nhà biên kịch và đạo diễn từng làm việc với Nguyễn Ngọc Tư cũng đều muốn tiếp tục, vài người đang chuyển thể những truyện khác.

“Ngay khi mới bắt đầu tôi đã nghĩ để viết một kịch bản độc lập là rất khó, nên phải dựa vào văn học. Thế nhưng, để tìm chất liệu trong văn học cũng không dễ, vì truyện nhiều, nhưng không phải tác giả nào mình cũng thích, nên khi gặp được Tư, tôi rất hạnh phúc, truyện của bạn ấy mới và có cách xử lý thông minh. Truyện nào cũng rõ cái tứ, cách khai thác thân phận hay, thấm đẫm tình người… đọc xong thấy xốn xang và luôn buộc mình nhớ lại. Dù viết đề tài gì, Tư cũng có cách nhìn mới lạ và sang trọng về mặt ý tưởng, không chỉ có éo le, đau khổ, bần cùng...”, Minh Nguyệt nói.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Dũng thì nhận xét: “Nhìn kỹ, sự hấp dẫn của truyện Nguyễn Ngọc Tư không phải ở kho từ vựng miền Nam dồi dào của cô, nhưng ở chỗ sử dụng phương ngữ tối đa và đúng chỗ vào những câu chuyện thật “miền Nam”. Đó là miền Nam của tỉnh lẻ, của ruộng vườn, nhất là của sông, của mưa (Dòng nhớ, Chợ nổi Cà Mau - chút tình sông nước,Qua cầu nhớ người, Nhớ sông, Nước chảy mây trôi…). Đó là miền Nam đã thái bình nhưng vẫn còn dấu vết chiến tranh - không ở sự điêu tàn vì bom đạn mà ở những vết thương trong đời người (Ngọn đèn không tắt, Mối tình năm cũ…)”.

Kịch tính trong truyện Nguyễn Ngọc Tư không ở các hành động và mâu thuẫn bề ngoài, mà đó là những giằng xé nội tâm, là giữa hoàn cảnh sống đầy nghịch lý với khát khao sống giàu vị tha.

Cùng quan điểm với chị Minh Nguyệt, đạo diễn Quốc Bảo cho rằng truyện nào của Nguyễn Ngọc Tư cũng có thể chuyển thành kịch. “Tôi dân miền Tây nên rất dễ đồng cảm với nhà văn, truyện nào cũng có cái để cho mình suy ngẫm và chia sẻ. Cũng như nhiều truyện ngắn khác, Đời như ý man mác buồn, đôi lúc tưởng như tuyệt vọng, nhưng trên hết là tình cha con sâu đậm, tình người sâu sắc. Lý do chính của việc chuyển thể là tôi hi vọng có thể truyền cho khán giả những giá trị nhân bản đã làm cho mình xúc động”.

Không dựa vào sự nổi tiếng

Còn nhớ năm 2006, khi Hãng phim Việt mua bản quyền Cánh đồng bất tận để làm phim với giá 15 triệu đồng, thì lúc ấy tên tuổi của Nguyễn Ngọc Tư mới rộ lên như một hiện tượng xã hội, chứ chưa nổi tiếng theo nghĩa tác giả văn học đã có nhiều truyện ngắn hay, xuất sắc trong lòng độc giả. Cũng xin nhắc lại, Cánh đồng bất tận gần như là truyện vừa đầu tay của nhà văn này, in trên tuần báo Văn nghệ từ số 33 đến số 36, năm 2005.

Bán hai mảnh đất để làm phim, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình từng khẳng định trên báo: “Đổi mấy nghìn mét đất để lấy Cánh đồng bất tận, tôi đã lời lắm rồi”. Điều này cũng chứng tỏ sức hút của truyện, chứ không phải của tên tuổi nhà văn.

4-5 đạo diễn mà tôi hỏi trong bài này, có thể họ nói không thật (!?), đều khẳng định rằng mình chẳng ăn theo tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư, mà có chăng là ăn theo những thân phận đặc biệt mà tác giả đã tạo ra.

“Thân phận nhân vật và tình cảm của họ là hai điểm rất đặc biệt trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, nó buộc ta phải khám phá và chia sẻ về các ẩn ức rất riêng đó. Mắt nhìn của chị Tư rất riêng, rất lạ, nó giúp tôi khám phá những điều tưởng chừng như bình thường ở quanh ta”, Hạnh Thúy khẳng định. Đạo diễn này cũng đang chuyển thể Cuối mùa nhan sắc, một tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tư.

Cho đồng nghiệp làm công việc biên kịch nhiều chất liệu để chuyển thể và thường không ý kiến về việc chuyển thể đó, nhìn kiểu gì, Nguyễn Ngọc Tư cũng thiệt… “chịu chơi”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm