03/04/2012 10:36 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình (Nhã Nam & NXB Thế giới) là cuốn sách cổ tích về toán học dành cho thanh thiếu niên, và lắm khi là cả người lớn. Không chỉ nhờ một trong hai cái tên đồng tác giả đã quá nổi tiếng, như một dấu ấn đảm bảo - GS Ngô Bảo Châu - Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình còn mang được vẻ đẹp của toán học đến với nhiều người vốn… không yêu toán. Nhờ thế, cuốn sách được bán chạy nhất Hội chợ sách TP.HCM vừa qua với 10.000 bản.
Khởi nguồn từ Alice In Wonderland (Alice ở xứ sở kỳ diệu) mà cả GS Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn (blog 5xu) đều yêu thích, Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình ra đời với những câu chuyện từ các công thức toán mà không hề khô khan bởi giọng văn trong trẻo, mềm mại, dễ hiểu và có cả “thảm cỏ rộng xanh”, có “nắng vàng và làn gió không ngừng thổi”. Có chút gì liên tưởng đến “đạo”, trong lời nói của nhân vật Ky về số không: “… nơi bắt đầu của thế giới… Số không là một con số hoàn hảo…”.
TT&VH trò chuyện với blogger Nguyễn Phương Văn (blog 5xu) người mà GS Ngô Bảo Châu giới thiệu:
“Văn và tôi lúc đầu là “bạn ảo”, sau thành bạn thật. Tôi rất thích đọc những đoạn văn ngắn của Văn trên blog 5xu, sau này được gom lại in thành cuốn Thời tiết đô thị. Bên cạnh cách hành văn nhuần nhị, điều mà tôi thích trong văn của 5xu là sự đồng cảm với suy tư, trăn trở, hạnh phúc và đau khổ của những người trẻ bươn chải với cuộc sống Việt Nam”.
Phải viết một cuốn sách… bán chạy
* Anh và GS Ngô Bảo Châu đã cùng nhau hình thành ý tưởng tiểu thuyết này như thế nào?
- Ý tưởng hình thành khá vất vả. Xuất phát điểm của Ai và Ky rất bất ngờ và gọn ghẽ: Anh Châu E-mail rủ: “Văn viết chung với anh tiểu thuyết toán nhé”. Tất nhiên là tôi đồng ý ngay. Lúc đó anh Châu ở Mỹ nên phải bàn bạc với nhau qua E-mail. Ý định ban đầu của anh Châu là viết một cuốn lược sử về toán, dành cho thiếu niên, nhưng sau khi bàn bạc thảo luận, các ý tưởng khác nhau về cốt truyện, về mạch toán học, thậm chí tên nhân vật (Ai và Ky) cùng tên cuốn sách thay đổi liên tục. Cho đến khi bắt đầu viết chương đầu tiên thì chúng tôi mới xác định được tên nhân vật và khi hết chương này chúng tôi mới có tên cuốn sách. Tên cuốn sách hóa ra rất quan trọng, nó đã xác định theme (chủ đề) cho cuốn truyện, mà bạn đọc có thể dễ dàng nhận thấy là theme của Alice In wonderland.
Blogger Nguyễn Phương Văn (phải) và GS Ngô Bảo Châu
* Anh có học tốt môn toán khi còn ngồi trên ghế nhà trường không? Cụ thể việc học toán ngày xưa của anh ra sao?
- So với vật lý và kinh tế thì tôi học toán kém hơn nhiều, vì căn bản là tôi ít khi nhìn thấy vẻ đẹp của toán, trong khi học vật lý và kinh tế tôi thường xuyên nhận thấy vẻ đẹp của chúng. Đấy là toán mà trong trường đại học gọi là toán cao cấp. Còn toán phổ thông thì ai thi đại học khối A cũng phải học kha khá rồi.
* Hai anh đặt ra mục đích gì cho việc ra đời Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình?
- Thực ra chúng tôi không xác định mục đích gì. Lúc đầu thì hay nói đùa: Phải viết một cuốn sách bán chạy. Sau khi ký hợp đồng với Nhã Nam thì tôi có nói với anh Châu: Em hy vọng Ai và Ky sẽ mang anh Châu đến gần bạn đọc thiếu niên. Chứ công trình của nhà toán học như anh ở xa các bạn trẻ quá.
GS Ngô Bảo Châu khá khó tính…
* Thuận lợi và khó khăn của anh khi là đồng tác giả cùng GS Ngô Bảo Châu?
- Thuận lợi thì nhiều, trong đó thuận nhất là tên tuổi của anh Châu sẽ đảm bảo cho sự thành công của cuốn sách. Nhưng ngược lại tên tuổi của anh Châu cũng là một sức ép. Khó khăn cũng nhiều. Anh Châu ở xa nên ngoài trao đổi qua E-mail nhiều khi không hết ý nên chúng tôi tranh thủ bàn bạc khi gặp nhau ở quán cà phê mỗi khi anh Châu về nước. Khó khăn nữa là anh Châu khá khó tính. Có nhiều đoạn anh Châu đã hài lòng, nhưng sau đó vài tuần anh lại bảo phải viết lại vì chỗ này chỗ kia chưa ổn. Hoặc anh viết lại cả đoạn. Có lần, lúc đó viết đã được hơn một nửa, anh Châu E-mail bảo: Truyện của mình chả có cái cây nào Văn ạ, phải có cây cối chứ.
Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình đang là cuốn sách bán chạy
* Từ ý tưởng đến khi cuốn sách viết câu kết thúc, các anh mất thời gian là tám tháng. Để cùng thực hiện cuốn sách này, anh và GS Ngô Bảo Châu đã “phối hợp tác chiến” ra sao? Mỗi người đảm đương nhiệm vụ gì trong quá trình viết cuốn sách?
- Chúng tôi cùng viết. Tôi thường viết trước một ít để triển khai mạch toán khớp với cốt truyện. Nếu cốt truyện ở khúc đó chưa ổn, chúng tôi lại bàn bạc để tìm các tình tiết khác.
* Có hai tác giả, nhưng giọng văn như một, khó thể tách bạch, các anh làm thế nào để được vậy?
- Nhận xét này bất ngờ quá, tôi cũng không biết tại sao.
* Một cuốn sách không chỉ về toán học, mà còn từ “toán” để ra những trải nghiệm và nếm trải cuộc sống, điều gì đã tạo nên một thông điệp có nhiều thứ để học hỏi, không chỉ dành cho trẻ em, từ hai anh?
- Tôi nhận thấy môn nào mà tôi thấy được vẻ đẹp của nó thì tôi học dễ lắm. Nên khi viết về toán thì những đoạn toán nào mà tôi thấy đẹp thì tôi triển khai bình thường, còn đoạn nào tôi không thấy đẹp thì tôi đưa các thông điệp cuộc sống có liên quan vào, còn phần toán để anh Châu múa bút.
* Xin cảm ơn anh!
An Vũ (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất