Làm thơ cần phải có “tiếng vọng”

16/03/2012 10:47 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Tại Hội Nhà văn Việt Nam vừa diễn ra buổi thuyết trình của nhà thơ Mỹ Fred Marchant về văn học Mỹ đương đại, đặc biệt là văn học trẻ của Mỹ trong sự đối chiếu với văn học Việt Nam.

1. Trong một giờ đồng hồ nói chuyện, nhà thơ Fred Marchant đã đề cập đến nhiều vấn đề gai góc của văn học đương đại. Ông cho biết ở Mỹ không có Hội Nhà văn như ở Việt Nam nhưng ngược lại lại có rất nhiều các tổ chức, các CLB văn chương ở khắp đất nước, trong các trường đại học. Tuy nhiên điều đó không quá quan trọng bằng việc văn chương phải thật sự là một tiếng vọng. Đó là tiếng vọng về quá khứ và tiếng vọng đến tương lai... Bất kỳ ai cũng có thể cầm bút tạo ra tiếng vọng đó nếu họ muốn viết ra những suy nghĩ của họ.

Fred Marchant (bìa phải) trò chuyện về thơ tại Hà Nội

Nhà thơ Fred Marchant cũng đã nói về thơ Việt Nam trong tiếng vọng này. Theo ông, để có được tiếng vọng đúng nghĩa trong thơ, mỗi người cầm bút, đặc biệt là với những người trẻ tuổi cần phải hiểu, biết nhiều về thơ ca và quan trong hơn cả là phải biết nhiều về đặc tính cấu trúc của thơ ca. Sự liên kết về cấu trúc thơ ca dựa vào sức mạnh ngôn ngữ, tin tưởng vào ngôn ngữ thì chúng ta - những người cầm bút mới biết, mới hiểu mình là ai.

Fred Marchant còn nhấn mạnh: “Đời sống thơ ca, văn học luôn có những xung đột và sự căng thẳng, nhất là giữa thế hệ già với trẻ. Nếu không có những “cuộc chiến” như thế, đời sống văn chương không thể sống được. Nhưng đừng nghĩ đó là những cuộc chiến để đi đến sự diệt vong mà nó giống như sự căng thẳng giữa cha mẹ và con cái. Nó có thể làm cho đại gia đình và hàng xóm cảm thấy không vui nhưng chắc chắn sẽ ra vấn đề sau khi kết thúc cuộc tranh luận. Chẳng có gì phải bi quan về những cuộc chiến kiểu như thế”.

2. Fred Marchant là giáo sư tiếng Anh và Giám đốc của Chương trình Viết sáng tạo, và Giám đốc Trung tâm thơ tại Đại học Suffolk ở Boston. Tốt nghiệp cao học ở Đại học Brown, ông có bằng Tiến sĩ của Đại học Chicago. Ông là giảng viên lâu năm ở Trung tâm William Joiner chuyên nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả xã hội tại Đại học Massachusetts-Boston. Ông đã dạy tại các cuộc hội thảo trên khắp đất nước, trong đó có The Frost Place, và là người đồng giành giải thưởng (với Afaa Michael Weaver) May Sarton của câu lạc bộ thơ New England Club, giải thưởng được trao cho những nhà thơ mà “tác phẩm của họ là một nguồn cảm hứng cho các nhà thơ khác”.

Cuốn sách thơ gần đây nhất của Fred Marchant là The Looking House (Graywolf Press, 2009) được Barnes và Noble Review nhận xét là một trong năm cuốn sách thơ hay nhất trong năm 2009. Ông cũng là tác giả của Tipping Point, giành giải thưởng Washington về thơ ca năm 2003. Fred Marchant cũng là đồng dịch giả (với Nguyễn Bá Chung) cuốn Từ góc sân nhà em của nhà thơ Trần Đăng Khoa, xuất bản năm 2006 tại Hà Nội.

Hoàng Mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm